Cá lăng được ưa chuộng nhiều vì thịt ngon, không có xương dăm, chả cá Lã Vọng nức tiếng cũng nhờ làm từ loại cá này mà ra. Ở Việt Nam đã nhân giống thành công cá lăng và phát triển nuôi ở nhiều nơi giúp dân ổn định kinh tế, tăng thu nhập. Vậy, để cá lăng lớn nhanh, khỏe mạnh, thịt ngon thì cần đảm bảo những kỹ thuật gì?
Giới thiệu cá lăng – thủy quái huyền thoại sông Đà
Sở dĩ chúng được mệnh danh là thủy quái, quái vật sông Đà là bởi cái tính hung ác và dữ dằn, chỉ những ai to gan lớn mật mới dám đánh bắt.
Chúng tinh khôn và mưu kế, vì vậy để bắt được cũng phải trải qua một quá trình dài gian nan. Hiện nay do bị săn bắt quá nhiều nên cá lăng trên sông Đà ngày một ít, nghề săn “thủy quái” giờ cũng chỉ còn là huyền thoại phôi pha theo thời gian.
Có nhiều trường hợp bắt được cá lăng khổng lồ, điển hình là từng bắt được con cá dài 2m nặng gần 100kg trên sông Đà!
Tuy vậy hiện nay ở Việt Nam đã thành công nhân giống cá lăng và đem đi chuyển giao công nghệ ở nhiều tỉnh, nghề nuôi cá lăng ngày một phát triển và mở ra thị trường làm giàu đầy tiềm năng cho bà con.
Đặc điểm nhận dạng con cá lăng
Cá lăng thuộc loài da trơn, không có vảy, da nhiều nhớt, thân mình thon dài, có 4 sợ râu dài và thường bị nhầm lẫn với cá trê. Chúng là loài cá rất dữ.
Cá lăng được tìm thấy nhiều ở vùng nước ngọt và nước lợ, phát triển nhiều ở tầng đáy nước nơi có nhiều phù sa. Cá lăng có rất nhiều loại với đặc điểm và giá trị khác nhau, chúng ta hãy cùng điểm qua các loại phổ biến ở Việt Nam như: cá lăng nha, cá lăng vàng, cá lăng hoa…
Cá lăng nha
Cá lăng nha hay cá lăng đuôi đỏ sinh sống chủ yếu ở An Giang, đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Điều làm nên đặc biệt của con cá này là khi lớn đuôi dần dần chuyển sang màu đỏ, có kích thước lớn và có giá trị kinh tế cao.
Cá lăng vàng
Da cá màu vàng tươi nhờn bóng, thịt ngọt thanh, nhiều nạc chính là con cá lăng vàng. Dòng cá này có nhiều chất dinh dưỡng nên thường được chế biến để bồi bổ cho người ốm để cải thiện sức khỏe.
Cá lăng hoa
Loại cá này sinh sống ở những nhánh sông lớn, tiêu biểu là sông Đà, sông Lô. Kích thước lớn tối đa chúng có thể đạt được là 40 – 50kg. Đặc điểm nhận dạng là lớp da trơn có những đốm đen nhỏ đặc trưng như cái tên gọi.
Kỹ thuật nuôi cá lăng lời to
Có nhiều kỹ thuật nuôi loại cá này phổ biến như nuôi trong ao, trong lồng bè… Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu cho bà con kỹ thuật nuôi cá trong ao đất sao cho hiệu quả.
Chuẩn bị ao đất như thế nào?
Ao đất có diện tích từ 1000m2 trở lên và có độ sâu mực nước từ 1,5m. Ao cần bố trí hệ thống cống cấp nước và thoát nước riêng biệt để nuôi cá được hiệu quả hơn.
Ao nuôi ở vị trí có nguồn nước chủ động, tốt nhất nuôi gần các hồ chứa thủy để thuận tiện thay nước quanh năm.
Nguồn nước nuôi cá phải đảm bảo điều kiện sau
- Độ pH từ 7,5 – 8,5
- Oxy hòa tan > 3mg/l
- Độ trong từ 30 – 40cm
- Độ muối 0 – 50/00
- NH3 < 0,01mg/l
Xử lý ao trước khi nuôi
Trước khi thả cá phải thực hiện công tác xử lý ao vừa để ngăn ngừa dịch bệnh, vừa nuôi cá đạt hiệu quả cao.
Trước tiên tháo cạn ao, vét bùn đáy nhưng vẫn giữ lớp bùn 20cm, phát quang xung quanh bờ ao, tiêu diệt cá tạp và địch hại. Bón vôi cho ao rồi phơi ao vài ngày. Khi cấp nước vào ao hãy dùng bèo hoặc lưới che phủ mặt nước khoảng 30% diện tích ao.
Cách chọn giống và thả cá
Chọn những con cá giống khỏe mạnh, không bị dị hình, không mang mầm bệnh trong người, màu ghi sẫm. Trọng lượng trung bình là 20g/con. Chọn mua cá giống ở những nơi có uy tín. Mùa vụ thả giống là tháng 3 – tháng 4.
Mật độ thả cá tùy theo phương pháp nuôi. Nếu nuôi thâm canh có thể thả 6 – 8 con/m2, nuôi bán thâm canh thả ít hơn 4 – 5 con/m2.
Thả cá vào buổi sáng trời mát mẻ không quá nắng, thích hợp nhất là thả 8 giờ – 10 giờ. Trước khi thả cá nên cho cá làm quen với môi trường nước trong ao bằng cách ngâm bọc nilon chứa cá trong nước 15 – 20 phút. Xử lý cá bằng cách tắm cá trong nước muối để khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh.
Cá lăng ăn gì?
Thức ăn cho cá lăng là thức ăn phối trộn (bột cá, bột mì, đỗ tương…). Thức ăn cần đảm bảo các chất dinh dưỡng thiết yếu, lượng đạm cao trên 30%. Bổ sung thêm vitamin, chế phẩm vi sinh vật,…để cá mau lớn, tăng sức đề kháng.
Thức ăn tươi thì có thể nuôi kèm cá rô phi để bổ sung thức ăn cho cá lăng là cá rô phi con.
Mỗi ngày cá ăn 2 lần, cho ăn vào thời điểm cố định là buổi sáng 8 giờ buổi chiều 16 giờ. Nếu thời tiết thay đổi hãy theo dõi, ghi chép quá trình cá ăn để dễ dàng điều chỉnh lương ăn cho phù hợp bà con nhé!
Quản lý, chăm sóc khi nuôi cá
Giống như nuôi các loại cá khác trong ao, cần định kỳ thay nước trong ao không quá 50% nước. Nếu thấy nước bẩn phải thay ngay. Sau khi cho ăn không được để thức ăn dư thừa sót lại trong ao nuôi.
Ghi chép lại quá trình cá phát triển, theo dõi sức khỏe để phòng và trị bệnh kịp thời cho cá. Cách phòng bệnh và trị bệnh cho cá sẽ được giới thiệu trong bài viết sau của chúng tôi!