Nuôi cá rô phi đỏ để vận may ùa về năm 2021

0
3799
cá rô phi đỏ
Cá rô phi đỏ mà nhậu thì hết biết
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Cá rô phi đỏ tuy không phải là giống cá hồng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, nhưng mức độ dễ nuôi, chất thịt thơm ngon và giá trị thương phẩm đầy tiềm năng của loài cá này đã nhanh chóng chiếm được thiện cảm của không chỉ bà con nông dân mà còn cả thị trường tiêu dùng. Vậy năm mới 2021 đã đến, cùng tôi triển khai mô hình nuôi cá rô phi đỏ để vận đỏ theo đó ùa về nhé bà con ơi!

Nội dung chính

Làm quen cùng cá rô phi đỏ

Cá rô phi đỏ, hay người dân Trung Quốc đã tạo ra cái tên “cá diêu hồng”, là chỉ một loài cá có hình dạng và màu sắc đỏ hồng vô cùng nổi bật.

cá rô phi đỏ
Cá rô phi đỏ

Vì cái tên diêu hồng quá mang tính tượng trưng và thể hiện được đặc điểm của cá rô phi đỏ nên đã nhanh chóng trở thành một tên gọi khác của chúng.

Cá rô phi đỏ ban đầu có nguồn gốc từ biến thể bạch tạng không hoàn toàn của cá rô phi, và sau khi áp dụng nhiều phép lai và phép thử di truyền, người ta đã nâng tỉ lệ màu sắc rực rỡ này lên 80%, hình thành dòng cá rô phi đỏ bây giờ.

Nuôi cá rô phi đỏ

Điều kiện nuôi cá rô phi đỏ

Để nuôi cá rô phi được tốt thì sắp xếp vị trí nuôi gần những nơi có nguồn nước ngọt sạch, tốt, không bị ô nhiễm và thuận lợi cho việc lấy nước cũng như cấp phát nước.

Nếu là xây ao thì ao nên có hình chữ nhật với diện tích trong khoảng 1000 mét vuông để dễ quản lý, mực nước khoảng 1,5 – 2m.

Bờ ao phải xây chắc chắn, cao hơn mặt nước 1 – 1,5m để khi đến mùa lũ dâng thì có thể cách mực nước dâng ít nhất là 0,5m.

Trồng hoa màu, cây nhỏ quanh bờ, kết hợp với những loại cây dây leo như bầu, mướp,… để tạo bóng râm, nhưng không được để bụi rậm, cây to trên bờ vì sẽ gây ô nhiễm nguồn nước và chắn hết ánh sáng của cá rô phi đỏ.

Hãy trồng thêm rau muống như là loại rau xanh làm phụ phẩm nông nghiệp, làm nguồn thức ăn tự nhiên cho cá.

Cống thoát nước đặt sát đáy ao để dễ điều chỉnh và xử lý, tiện cho việc thu hoạch, hướng cống phải tiện cho việc điều tiết dòng nước theo chế độ thủy triều, kích thước cống cũng tiện cho mỗi khi nước trong bể, ao nuôi thay đổi 10 – 15% do thời tiết.

Nuôi cá rô phi đỏ

Công tác chuẩn bị

Đối với bất kì môi trường nuôi cá nào thì đều tuân thủ quy trình chuẩn bị, ngăn chặn phèn mặn tràn vào ao thời kỳ đầu qua những cơn mưa vì nguồn nước lúc này rất dễ bị ô nhiễm.

Hãy vệ sinh sạch sẽ nơi nuôi cá và vét sạch cá tạp, cá dữ còn sót lại.

Tùy vào chất lượng nguồn nước và khả năng chăn nuôi của mỗi hộ chăn nuôi mà có thể quyết định số lượng và mật độ thả nuôi, trung bình thì với cỡ cá giống trên 5cm thì mật độ tốt nhất là khoảng 5 con trên một mét vuông.

Khi chọn cá rô phi đỏ giống, cần chọn cá ăn khỏe, bơi khỏe, màu sắc tươi tắn, kích cỡ đồng đều, không bị dị hình, xây xát hay bệnh tật, bơi lờ đờ.

Cỡ cá cũng không nên quá mức trung bình, nếu có thời gian và nguồn vốn đầu tư thì nên tìm cá bố mẹ và ương giống từ các phương pháp sinh sản.

cá rô phi đỏ
Ao nuôi cá rô phi đỏ

Còn nếu chỉ chọn con giống nhỏ thông thường thì nên bỏ chút thời gian để tìm mua cá giống ở những cơ sở phân phối uy tín, tìm hiểu nguồn gốc cá bố và cá mẹ, xác định nguồn gốc rõ ràng.

Để thả cá giống được an toàn thì nên thả cá vào những thời điểm mát mẻ trong ngày, sáng sớm lúc 8 – 9h, chiều muộn lúc 16 – 17h.

Không dốc cá trực tiếp vào ao, bể,… nuôi cá rô phi đỏ, cho cá vào trong túi nylon và ngâm vào ao trong 20 – 30 phút, đây là phương pháp giúp cá không bị sốc nhiệt, đến khi cá làm quen với nhiệt độ và bơi lội khỏe mạnh thì có thể mở túi cho cá bơi ra ngoài.

Không quên sát trùng, khử khuẩn cho cá bằng các kháng sinh như Aureomycin với nồng độ 1 – 1,5% trong vòng 10 phút.

Nếu cá bị loanh quanh trong túi, nắm hai góc đáy túi và kéo xuống tạo lối đi cho cá.

Cho cá rô phi đỏ ăn

Tuy cá diêu hồng là loài cá ăn tạp sống ở môi trường nước ngọt và khá dễ nuôi, nhưng thức ăn của chúng thiên về các loài thực vật, và các loại tinh bột như cám, bắp xay, bã đậu, bèo, rau xanh (rau muống,…).

Nếu cho cá ăn thức ăn công nghiệp thì nên chọn những loại thức ăn có lượng đạm khá cao, từ 25% – 33%.

Thức ăn tự chế biến cần được nấu chín, nhồi thành khúc dẻo rồi vo thành viên.

Chuẩn bị sàn, giai, rá, nia,… để cho cá ăn (nên dùng sàn ăn có kích thước lớn để dễ đựng lượng lớn thức ăn), dụng cụ đặt cách mặt nước 0,4 – 0,5m để cá có thể tự ngoi lên tìm thức ăn nhưng không làm tràn thức ăn ra ngoài.

Tùy kích thước ao mà có thể bố trí hơn hai vị trí cho ăn, nhưng những vị trí đó đều phải cố định, cũng như cố định về thời gian để cá có thể luyện được tập tính kiếm ăn.

Một số hộ chăn nuôi cá rô phi đỏ có điều kiện còn xây chòi riêng cho cá ăn.

cá rô phi đỏ
Nuôi cá rô phi đỏ

Những loại rau muống, bèo thì nên cho cá ăn tươi để đảm bảo độ dinh dưỡng và lượng chất xơ, cần cắt nhỏ vừa miệng cá ăn.

Cho cá ăn hai lần một ngày vào những thời điểm mát trong ngày, tránh những lúc nắng gắt hoặc mưa to.

Tuy thức ăn công nghiệp khá tốn kém nhưng đây là nguồn thức ăn cung cấp lượng lớn dinh dưỡng cho cá rô phi đỏ nên hãy đầu tư nhé.

Trong ba tháng đầu tiên thì cho cá ăn lượng thức ăn bằng 5 – 8% trọng lượng của cá, giảm dần trong những thời gian sau về 2 – 3%, đặc biệt là trong thời kì cá sinh sản thì cá ăn rất ít.

Luôn quan sát và điều chỉnh lượng thức ăn cho cá, không cho cá ăn quá nhiều hay thừa mứa vì sẽ tích tụ lại và khiến môi trường nước bị ô nhiễm.

Vệ sinh nơi chăn nuôi và cho cá ăn hàng ngày.

Chăm sóc cá rô phi đỏ

Mực nước trong ao ít nhất cũng phải đạt 1m, khi gây màu nước thì chỉ cần nước có màu xanh bắp chuối non là đạt, không nên vàng hay xanh quá.

Nước có màu tối, xám xịt thì chứng tỏ có quá nhiều chất hữu cơ, khí thải gây hại cho cá rô phi đỏ; nhưng nước quá trong vắt hoặc có lớp váng đọng lại trên mặt nước quanh những lá bèo,… thì có nghĩa là đáy ao đang tích tụ quá nhiều cặn.

Những ngày có nhiệt độ cao, oi nóng thì cá dễ sốc nhiệt vì chênh lệch nhiệt độ trong nước và môi trường khá lớn, và các chất hóa học trong nước phân hủy nhanh, giảm lượng oxy hòa tan trong nước, lượng chất thải tăng nhanh và gây ra khí độc.

Hãy định kỳ thay nước ít nhất 1 tuần một lần, thay 15 – 20% lượng nước trong ao, bể,… mỗi lần hoặc thay hơn 1/3 ao tùy vào mức độ chất lượng nguồn nước.

Đặc biệt chú ý tới phèn, mặn, nếu những mùa mưa khiến lượng phèn, mặn tràn vào ao theo những cơn mưa đầu mùa tràn vào thì nên bón vôi hoặc cuốc vôi lên bờ với lượng khoảng 10kg trên một mét vuông.

Diệt cá tạp, cá dữ bằng dụng cụ thích hợp, không dùng dụng cụ nguy hiểm và có tính sát thương cao có thể gây hại đến cả cá rô phi đỏ.

Theo dõi diệt cá lóc, cá trê, lươn bằng các dụng cụ thích hợp như câu cắm, câu lươn, hay dùng lá xoan nhét vào hang hốc.

Lấp kín các hang hốc, bồi tụ để tránh rò rỉ hoặc thất thoát cả.

Luôn kiểm tra và đánh giá, theo dõi tình trạng hoạt động của cá rô phi đỏ, cá ăn nhiều hay ít, bơi khỏe hay yếu, có theo đàn hay không, có bơi lờ đờ hay không, màu sắc cá có bị mờ đi hay lai tạp hay không,…

Kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng cá bị bệnh, bị suy yếu hay bị chết.

Một số vấn đề cần lưu ý

Nếu cá bị ăn quá no và phình bụng, như thế có thể thủng ruột cá và gây chết cá.

Trong các ao, bè, bể,… cho cá ăn thức ăn tự chế biến không được nấu chín, không chất lượng thì hiệu suất tiêu hóa của cá kém, hoặc cho ăn quá nhiều khiến cá bị đầy bụng.

Lâu dần cá bơi yếu, chết dần. Một nhược điểm của thức ăn tự chế biến là không thể điều chỉnh lượng dinh dưỡng chính xác.

Vì vậy hãy kiểm tra thức ăn thường xuyên về cả số lượng và chất lượng. Nếu cá thật sự gặp vấn đề với loại thức ăn thì hãy thay đổi thực đơn, định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất và men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa…

Còn có trường hợp vì mật độ nuôi dày đặc ở các ao, bè, bể,… nuôi thâm canh mà cá chết, cá không có dấu hiệu bệnh tật, nhưng biểu hiện bơi lờ đờ, yếu, ăn kém không khác gì nhiễm bệnh khuẩn.

Và hậu quả là cá rô phi đỏ chết hàng loạt và số lượng nhiều ít còn tùy vào mật độ thâm canh và chất lượng nuôi trồng.

Như tôi đã nói, mật độ thả giống không nên quá dày, mật độ nuôi cũng thế, trên một đơn vị thể tích chỉ nên nuôi vừa phải 50 – 70 con và đảm bảo chất lượng nước, công tác quản lý.

Nếu quá ham hố và nuôi một lúc 100 – 120 con cá rô phi đỏ, đặc biệt là nuôi lấy thịt thì khi những thời điểm nhạy cảm như giao mùa, mưa lớn sẽ khiến cá chết không kịp trở tay.

Thu hoạch cá rô phi đỏ

Cá rô phi đỏ có thời gian nuôi khá ngắn, nuôi khoảng 4 – 5 tháng là bắt đầu thu tỉa được với khối lượng trung bình của cá là 0,5kg, nếu cá còn nhỏ thì giữ lại nuôi thêm 4 – 5 tháng nữa để cá đạt 1kg trở lên.

Như vậy thì khi thu hoạch toàn bộ hoặc giữ lại vài con làm giống cho mùa sau cũng đảm bảo giá trị thương phẩm và kinh tế cao.

Đêm giao thừa, cá rô phi đỏ có khiến bà con hứng thú không ạ? Hãy mau mau triển khai mô hình nuôi trồng với loài cá này để vận đỏ đến ngập tràn nhé, chúc bà con những điều tốt lành nhất, chào bà con ạ.

Xem thêm: Thú vị mô hình nuôi ba ba trong bể xi măng lời gấp 10 lần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây