Với mức tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm 2022, 8 tháng đầu năm nay, ngành rau quả thiết lập kỷ lục mới về xuất khẩu.
Triển vọng xuất khẩu rau quả 2023
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay của ngành và cao hơn con số 3,3 tỷ USD của cả năm 2022.
Ngoài thị trường lớn Trung Quốc, theo đánh giá, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản là rất lớn, nhưng rau quả Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng nhu cầu, do đó còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác. Như Mỹ, có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả bình quân khoảng 46 tỷ USD/năm, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,6% tổng trị giá nhập khẩu.
Tại Hàn Quốc, rau quả từ Việt Nam mới chỉ chiếm 4,3%. Còn Nhật Bản, rau quả Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 0,6% tổng trị giá nhập khẩu.
Bộ Công Thương dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm có nhiều dư địa tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường.
Thậm chí các chuyên gia còn cho rằng, với đà này, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể sẽ chạm mốc 5 tỷ USD, bằng kim ngạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra cho năm 2025, đạt mục tiêu sớm hơn kế hoạch 2 năm. Trong kết quả khả quan này có đóng góp lớn của sầu riêng, loại trái cây vừa chính thức thành trái cây tỷ đô khi cán mốc 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: “Dự báo những tháng sắp tới, vùng sầu riêng ở Tây Nguyên sẽ được đưa vào xuất khẩu, cộng thêm những mặt hàng và những thị trường mới khác, dự đoán năm 2023 sẽ đạt hoặc vượt 5 tỷ USD, sớm hơn kế hoạch 2 năm”.
Nếu xét về thị trường, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Tiếp sau đó là thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường nhập khẩu nhiều rau quả của Việt Nam trong 8 tháng qua.
Tăng cường giám sát các mã số xuất khẩu
Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của rau quả, thời gian qua, cơ quan Bảo vệ thực vật của Việt Nam đã nhận hàng trăm thông báo vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu như: nhiễm rệp sáp, ruồi đục quả và dư lượng hóa chất vượt quy định… Những vi phạm này có thể đẩy các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta tới nguy cơ mất thị trường, chính vì vậy cần đảm bảo chất lượng, tuân thủ các quy định để giữ được các thị trường xuất khẩu cho rau quả Việt Nam.
Hiện nước ta có gần 7.000 mã số vùng trồng và 2.000 mã số cơ sở đóng gói. Tất cả đều được các nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… chấp nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng mới chỉ đạt khoảng 40%, cơ sở đóng gói là 17%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định liên quan đến quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, cùng với đó là quy định xử phạt hành chính đối với các vi phạm này.