Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, đơn vị đã tính toán sơ bộ kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu rau quả tháng 11. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 giảm mạnh so với tháng 9 và 10 chủ yếu do mặt hàng sầu riêng hết mùa.
Theo đó, tháng 11-2023 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt sơ bộ hơn 375 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 10 (hơn 608 triệu USD), nhưng tăng 22,5% so với tháng 11 năm ngoái (hơn 306 triệu USD). Tổng kim ngạch 11 tháng ước đạt hơn 5,19 tỉ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2022.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 153 triệu USD, giảm 5,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả 11 tháng ước đạt hơn 1,77 tỉ USD, giảm 5,8% so với cùng 10 tháng 2022.
Như vậy, 11 tháng của năm 2023, rau quả xuất siêu đạt hơn 3,42 tỉ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 giảm mạnh so với tháng 9 và 10 chủ yếu do mặt hàng sầu riêng bị giảm mạnh lượng xuất vì đã hết chính vụ.
“Tháng 9-10, giá trị xuất khẩu rau quả lên cao kỷ lục với dao động 600-700 triệu USD/tháng, trong đó sầu riêng có thể chiếm đến 60-70%. Tuy nhiên sang tháng 11, sầu riêng hết chính vụ, hiện chỉ có miền Tây Nam Bộ còn hàng nhưng do trái vụ nên sản lượng khá thấp”, ông Nguyên lý giải.
Cũng theo ông Nguyên, tháng cuối năm với các mặt hàng như chuối, mít, xoài… sẽ gia tăng lượng xuất. Tuy nhiên, lượng tăng này không nhiều và vẫn không thể bù lại so với khoản giá trị bị hụt từ sầu riêng.
Do đó nếu không có gì đột biến, giá trị xuất khẩu trong tháng tới khả năng chỉ quanh quẩn ở mức trên dưới 350 triệu USD.
Với tính toán trên, ông Nguyên cho rằng giá trị xuất khẩu rau quả của năm 2023 sẽ đạt trên dưới 5,5-5,6 tỉ USD, thấp hơn mức 6 tỉ USD như kỳ vọng của một số chuyên gia.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng mốc 5,6 tỉ USD vẫn là con số cao kỷ lục, và điều ít ai nghĩ tới vào đầu năm nay, bởi năm 2022 giá trị xuất khẩu của ngành hàng này chỉ đạt 3,36 tỉ USD.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các mặt hàng rau quả Việt ngày càng rộng cửa xuất khẩu. Nhà chức trách đang đàm phán mở cửa thị trường chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, cho biết cuối năm tiêu thụ rau quả sẽ tiếp tục tăng cao khi Trung Quốc vào mùa lễ hội. Nước này cũng đang tăng mua nhiều loại trái cây mới từ Việt Nam như vú sữa tím, mít ruột đỏ. Dự kiến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ dễ dàng cán đích 5,5 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 66% (đạt hơn 3,18 tỉ USD), Mỹ chiếm 4,4%, Hàn Quốc chiếm 3,89%, Nhật Bản 3,12%…
Đặc biệt, với mức 3,18 tỉ USD, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng rất mạnh so với 10 tháng của năm 2022 (cả năm 2022 đạt 1,53 tỉ USD).
Việt Nam đang có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất sang Trung Quốc gồm chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.