Xuất khẩu bưởi tăng vọt

0
373
Xuất khẩu bưởi tăng vọt
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xem thêm: New Zealand xem xét nới lỏng kiểm dịch với quả có múi Việt Nam

Sau khi chính thức được vào Mỹ và New Zealand, bười là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng vọt. Theo số liệu được công bố, xuất khẩu bưởi 8 tháng đầu năm đã tăng 144% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, ngoài sầu riêng, năm nay, bưởi cũng là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong 8 tháng, xuất khẩu bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ 2022, tăng mạnh nhất trong 5 năm qua.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả, cho biết, trước đây bưởi Việt chỉ xuất sang EU hoặc Trung Đông nhưng từ cuối 2022 đến nay, nhờ ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ, New Zealand nên xuất khẩu tăng trưởng đột biến. Ngoài ra, chất lượng bưởi da xanh của Việt Nam ngày càng nâng cao nên được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T – đơn vị chiếm 60% thị phần rau quả xuất khẩu sang Mỹ, cho hay, bưởi Việt mới đặt chân vào thị trường Mỹ, New Zealand và đang phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh từ Trung Quốc, Mexico nhưng không hề lép vế.

Xuất khẩu bưởi tăng vọt
Công nhân đang đống gói dán tem nhãn sản phẩm bưởi Diễn chuẩn bị xuất khẩu.

Tại Mỹ, bưởi Việt có đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Hàng nước này có giá bán chỉ 2 USD (49.000 đồng)/kg, mẫu mã rất đẹp, trong khi hàng Việt giá 9 USD (220.000 đồng)/kg, tức cao gấp 4,5 lần. Do đó, thời gian đầu, khi hàng Việt vào thị trường Mỹ, đối tác nhập khẩu không quan tâm. Tuy nhiên, sau một thời gian được người tiêu dùng tiếp nhận, họ đã và đang đặt số lượng mua tăng cao so với đợt đầu.

Theo ông Tùng, bưởi Việt sang thị trường Mỹ còn nhiều thách thức về giá và bảo quản so với hàng Trung Quốc nhưng xét về chất lượng và độ ngon thì chiếm lợi thế. Do đó, để sản lượng bưởi vào các thị trường này tăng cao, nông dân và doanh nghiệp cần tạo ra hàng chất lượng nhất. Bởi các thị trường này họ không quá quan tâm đến mẫu mã, mà chỉ chú ý chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cuối năm 2022, quả bưởi tươi – loại trái cây thứ 7 của Việt Nam, sau các loại xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa – được phép nhập khẩu vào Mỹ sau 5 năm Bộ NN & PTNT nỗ lực đàm phán. Tương tự, trái này cũng được xuất khẩu chính ngạch sang New Zealand kể từ tháng 12/2022.

Xuất khẩu bưởi tăng vọt
Bưởi da xanh được đóng gói và kiểm tra gắt gao trước khi sang Mỹ.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết bưởi tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động – thực vật Mỹ (APHIS).

Quả không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; được xử lý chiếu xạ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, bao gồm các loại ruồi đục quả bactrocera dorsalis, zeugodacus cucurbitae; sâu đục quả prays endocarpa và các loại nấm cylindrocarpon lichenicola, phyllosticta citriasiana.

Việt Nam là quốc gia có diện tích, sản lượng bưởi lớn trên thế giới với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Cả nước ta hiện có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn. Trong đó, đồng bằng sông Hồng có hơn 13.000 ha với sản lượng trên 175.000 tấn, Trung du miền núi phía bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 253.000 tấn và đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn…. Đến nay, ngành Nông nghiệp đã xây dựng và cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho bưởi Đoan Hùng, bưởi Luận Văn, bưởi Phúc Trạch, bưởi Tân Triều, bưởi Năm Roi Bình Minh, bưởi Da xanh Bến Tre, là cơ sở qua trọng để gia tăng xuất khẩu sản phẩm bưởi vào các thị trường khó tính trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây