Xuất khẩu chính ngạch – Hướng đi bền vững,hiệu quả

0
2282
xuất khẩu chính ngạch
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Hai hình thức xuất nhập khẩu phổ biến ở nước ta hiện nay là: Xuất nhập khẩu tiểu ngạch và xuất khẩu chính ngạch. Đây là hai hình thức được nhà nước ta thừa nhận là các hoạt động buôn bán hợp pháp tại biên giới. Mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch đều được nhà nước ta hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển nhưng mỗi hình thức đều có những mặt lợi và hại riêng.

Nội dung chính

Xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch là gì?

Xuất nhập khẩu tiểu ngạch luôn là hình thức xuất nhập khẩu có thuế suất thấp hơn thuế xuất nhập khẩu chính ngạch, thủ tục dễ dàng và chỉ cần một tờ khai tiểu ngạch, chịu phí biên mậu là có thể xuất được hàng, không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như qua đường chính ngạch. Nhưng, xuất nhập khẩu tiểu ngạch thường không có tính ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ…

Xuất nhập khẩu chính ngạch là hình thức vận chuyển hàng hóa qua biên giới thông qua các cửa khẩu với số lượng lớn. Hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch phải được kiểm duyệt kĩ lưỡng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… bởi các cơ quan chức năng chuyên ngành. Đồng thời, doang nghiệp phải hoàn thành mọi thủ tục hành chính cũng như phải đóng thuế đầy đủ trước khi thông quan. Trong xuất nhập khẩu chính ngạch phải có hợp đồng mua bán đầy đủ, ràng buộc pháp lý giữa người mua và người bán theo quy định và thông lệ quốc tế. Vì vậy, hình thức này thường được sử dụng phổ biến trong mua bán quốc tế với hợp đồng mua bán lớn.

Những bất cập trong tình hình xuất nhập khẩu tại Việt Nam hiện nay

Đối với các loại mặt hàng may mặc, giầy da thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU. Đối với mặt hàng nông sản, thị trường Trung Quốc vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn (57%). Các mặt hàng nông sản XK sang Trung Quốc chủ yếu là bột cá, nông sản, tinh bột sắn, cói,… thường được tiểu thương xuất khẩu tông qua đường tiểu ngạch.

Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch lâu nay vốn dĩ đã có nhiều rủi ro hơn chính ngạch, nhưng vì thủ tục dễ dàng thuế thấp nên vẫn được tiểu thương lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay và sau dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu tiểu ngạch đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng không hề nhỏ tới kế hoạch, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với XK các mặt hàng nông sản, Ảnh hưởng nhiều nhất từ đầu năm 2020 đến nay trong mặt hàng nông sản là mặt hàng tinh bột sắn. Đây cũng là mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu qua Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Thời điểm nhiều nhất, lượng tinh bột sắn tồn đọng lên tới 26.000 tấn. Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả thực phẩm Thanh Hóa, sản lượng tinh bột sắn XK chiếm tới 90% tổng sản lượng hàng hóa XK của đơn vị. Đại diện lãnh đạo công ty này cho biết: “Từ giữa tháng 4, các cửa khẩu đường bộ giao thương với Trung Quốc đã thông thương trở lại. Tuy nhiên, năng lực thông quan hàng hóa vẫn còn nhiều hạn chế do thời gian thông quan ngắn, dẫn đến tình trạng xe hàng bị ùn ứ tại các cửa khẩu. Do xuất khẩu tiểu ngạch, không có cam kết với đối tác về các điều khoản thực thi hợp đồng nên các chi phí lưu xe tại kho bãi, đơn vị đều phải tự gánh chịu. Hơn nữa, trong thời điểm dịch bệnh công ty bị tồn vốn lưu động, gây khó khăn trong việc duy trì sản xuất”.

Tuy ít nhiều đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhưng tình hình sớm được ổn định trở lại đối với các công ty thực hiện xuất khẩu chính ngạch. Giám đốc Công ty TNHH Tư Thành (Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga),bà Đồng Thị Tuyết Anh cho biết: “Công ty hiện đang XK các mặt hàng như dứa, dưa bao tử, ngô ngọt… sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và nhiều thị trường khó tính khác. Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng đơn vị vẫn XK từ 40-50 container đi các nước và chỉ bị ảnh hưởng một thời gian ngắn khi tỉnh Thanh Hóa nằm trong vùng bị nhiễm dịch bệnh COVID-19”.

Nhiều năm qua, nông sản Việt Nam nói chung và các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa nói riêng gặp nhiều rủi ro bởi xuất khẩu tiểu ngạch, điển hình là thị trường Trung Quốc. Đó là lý do vì sao khi phía thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu, nông sản trong nước lại rơi vào tình trạng “được mùa – mất giá”, tình trạng sản phẩm bị tồn đọng, nông dân thất thu, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được về tiêu chuẩn và cạnh tranh được về giá để xuất khẩu bằng đường chính ngạch.

Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả thực phẩm Thanh Hóa, ông Đoàn Ngọc Lân, chia sẻ: Vẫn biết, xuất khẩu chính ngạch sẽ ổn định và bền vững hơn. Tuy nhiên, do các chi phí logistics nội tỉnh và vận chuyển hàng hóa ra các cửa khẩu phía Bắc hiện khá cao so với phía Nam. Nếu cộng thêm các chi phí, thủ tục đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch thì các mặt hàng không phải là đặc trưng riêng của tỉnh sẽ rất khó cạnh tranh được về giá so với các địa phương khác.

Bên cạnh đó, để có được các hợp đồng XK chính ngạch, nông sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP hay cao hơn là GlobalGAP. Muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần thông qua các HTX, các doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đây hiện đang là điểm hạn chế của nông sản chủ yếu ở nước ta

Xuất khẩu chính ngạch là hướng đi bền vững và hiệu quả

Thực tế khẳng định, xuất khẩu chính ngạch là một lựa chọn đúng đắn và là hướng đi tích cực, tạo hiệu quả tốt cho nông sản trong bối cảnh hội nhập. Nhà nước cần có kênh thông tin chính thức giúp DN, HTX cập nhật thường xuyên nhu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước chuyển đổi, tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch. Qua đó, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp toàn diện trong vấn đề phát triển dịch vụ logistics, nhằm giảm chi phí và thời gian lưu thông, tăng khả năng cạnh tranh về giá, về tiến độ giao hàng và tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Nguồn:http://baothanhhoa.vn/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây