Năm 2020 là khoảng thời gian đầy biến động chứng kiến sự “tụt dốc” của nền kinh tế thế giới. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn khắc phục được những khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục mới với 41,25 tỷ USD.
Tình hình kinh tế trong nước
Đại dịch Covid-19 lan nhanh với tốc độ “chóng mặt” đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của toàn cầu. Tỷ lệ người chết, lao động thất nghiệp đạt đến con số đáng báo động. Cùng với đó, tình hình an ninh lương thực cũng là nỗi lo của nhiều quốc gia trên thế giới. Giữa vòng xoáy của đại dịch, Việt Nam đã nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu. Vấn đề đặt ra là vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Nhìn lại năm 2020 đầy biến động, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Những thành tựu này đã được nêu rõ trong hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Điều đó khẳng định vị trí quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế nước ta.
Theo con số thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục lên đến 41,25 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức 2,65% cho toàn ngành. Trong đó, sản lượng lúa đat 42,7 triệu tấn; diện tích cây ăn quả gồm 1,1 triệu ha và 5,37 triệu tấn thịt các loại. So với năm 2019, sản lượng và chất lượng của tất cả các mặt hàng lương thực đều đạt được con số tích cực.
Hướng đi mới cho ngành nông nghiệp
Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục đã góp phần củng cố sự bền vững cho nền kinh tế Việt Nam. Từ đó tạo bước đà vô cùng quan trọng để hội nhập kinh tế thế giới, gắn kết gần hơn với bạn bè năm châu. Đặc biệt hơn, sự ổn định của nền nông nghiệp giúp tình hình an ninh lương thực quốc gia đảm bảo vững chắc.
Bước sang năm 2021, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục xác định hướng đi với 9 nhóm mặt hàng chủ lực. Bên cạnh đó, nhiều thị trường xuất khẩu mới đã được đưa vào khai thác. Có thể kể đến như: Xuất khẩu vải thiều tươi sang thị trường Nhật Bản, bí ngô và dâu tây xuất sang New Zealand, chôm chôm lần đầu tiên vào Đài Loan, cá tra và tôm có mặt tại Brazil…
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm kết nối giao thương. Nhờ đó, những khó khăn về rào cản thương mại và kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được tháo gỡ nhanh chóng. Đây là một hướng đi đúng đắn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và vươn ra tầm thế giới.
Với đường hướng đúng đắn của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ban, ngành, nền nông nghiệp Việt Nam đã có những bước đột phá trong năm vừa qua. Nhờ kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục như hiện tại, chắc chắn rằng nền nông nghiệp sẽ đạt được những thành tựu nổi bật hơn nữa.