Kỹ Thuật Nuôi Cá Chạch Lấu Có Thể Bạn Chưa Biết

0
2660
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Chạch lấu là một trong những giống cá chạch cho năng suất cao, chất lượng thịt thơm ngon với giá bán dao động từ 350 – 420 ngàn đồng/kg cá thương phẩm. Để thu được hiệu quả kinh tế cao, bà con cần nắm vững kỹ thuật nuôi cá chạch lấu và chăm sóc đúng cách. Nhằm cung cấp đúng và đủ các thông tin cần thiết cho bà con lựa chọn loại cá này trong nuôi trồng thủy sản. Agri.vn xin gửi tới bà con kỹ thuật nuôi cá chạch lấu chuẩn nhất từ chuyên gia. Mời bà con tham khảo.

Kỹ thuật nuôi cá chạch lấu hiện tại đang được bà con nông dân quan tâm rất nhiều
Kỹ thuật nuôi cá chạch lấu hiện tại đang được bà con nông dân quan tâm rất nhiều   

Nội dung chính

Chuẩn bị môi trường nuôi chạch lấu

Mô hình nuôi cá chạch lấu vô cùng đa dạng từ: nuôi trong ao đất tới bể xi măng hoặc sử dụng bể nổi lót bạt đều được. Bà con có thể cân nhắc và lựa chọn ra mô hình chăn nuôi phù hợp nhất với điều kiện kinh tế và diện tích đất của gia đình mình. Chuẩn bị môi trường nuôi chạch lấu chi tiết cho từng mô hình như sau:

  1. Chuẩn bị nuôi cá chạch trong ao đất

Ao nuôi có diện tích phù hợp nhất để dễ dàng quản lý, chăm sóc và thu hoạch chạch lấu thương phẩm có diện tích từ 500 -1000 mét vuông. Cần tát cạn ao và nạo vét hết lớp bùn đáy dưới ao. Bón vôi khử trùng với lượng từ 7-10 kg/100 mét vuông mặt ao. Sau đó phơi đáy ao từ 2-3 ngày mới cấp nước vào ao qua lưới lọc. Mức nước tối ưu nhất để nuôi chạch lấu dao động từ 1,2 – 1,5m.

Nguồn nước trong ao cần đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng như sau: Nhiệt độ dao động từ 27-32 độ C, pH từ 7,5 – 8,5 và DO (hàm lượng oxy hòa tan) > 5mg/l. Bố trí một số chà trong ao để cá làm nơi trú ẩn bằng cách cắt các loại cây không có tinh dầu như tre, trúc khô… hoặc ống nhựa với độ dài 30 -35cm và bó thành từng bó làm chà.

Cá chạch lấu có thể sinh sống tốt trong môi trường ao đất
Cá chạch lấu có thể sinh sống tốt trong môi trường ao đất
  1. Chuẩn bị nuôi cá chạch trong bể xi măng

Tùy vào số lượng chạch lấu muốn thả nuôi để tính toán và xây bể to hoặc nhỏ. Tuy nhiên cần đảm bảo mật độ thả từ 5 – 10 con/mét vuông. Nếu thả dày quá sẽ khiến chúng cạnh trạnh thức ăn, không gian sống và có thể gây ra thương tích. Khi thiết kế bể, cần bố trí các ống cấp nước và thoát nước dưới đáy bể để công tác tháo rửa, thay nước diễn ra thuận tiện nhất. Trên bể xi măng bố trí các mái che tạo nơi râm mát cho chạch. Nếu cần thiết có thể thả thêm bèo làm nơi trú ẩn.

Trước khi thả cá giống, cần cọ bể thật sạch, sát khuẩn bằng muối hoặc thuốc tím. Một số địa phương còn ngâm phèn chua trong 1 tuần để loại bỏ hết các vụn và mùi xi măng. Sau đó rửa sạch, cọ lại và ngâm nước vài ngày trước khi tháo nước vào bể để nuôi cá. Nước nuôi cá cần gây màu bằng phân xanh hoặc phân chuồng đã ủ hoai mục từ 3 -4 ngày trước khi thả cá giống. Màu nước chuyển sang màu nõn chuối là đạt yêu cầu.

  1. Chuẩn bị nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt

Sử dụng bể lót bạt để nuôi chạch lấu, bà con cần chuẩn bị khung để nâng đỡ bạt làm ao. Cần lựa chọn các vật liệu chắc chắn như sắt, inox để nâng đỡ được tải trọng lớn. Bạt cần chọn loại có bề mặt trơn, mềm và không làm trầy xước cá. Cần thiết kế thêm mái che nắng che mưa bên trên. Bể bạt phải bố trí hệ thống thoát nước thuận tiện. Chuẩn bị nuôi cá cần gây màu nước bằng phân chuồng đã ủ hoai mục và có thể kết hợp thêm phân NPK trước 3-4 ngày thả cá. Mật độ thả chạch lấu chỉ dao động từ 5 -10 con/mét vuông để đảm bảo tốc độ sinh trưởng tốt nhất cho cả đàn.

Nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt giúp việc vệ sinh và thay nước dễ dàng hơn
Nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt giúp việc vệ sinh và thay nước dễ dàng hơn

Chọn cá chạch lấu giống

  • Nên lựa chọn mua giống tại các cơ sở có uy tín do chạch lấu là giống lai tạo.
  • Nên nuôi con giống có kích cỡ từ 12 -15cm là phù hợp nhất.
  • Lựa chọn đàn cá có kích thước đều nhau, khỏe mạnh, bơi nhanh, không bị xây xát, mất nhớt và không có dị tật.

Trước khi thả cá xuống ao cần tắm cho cá bằng nước muối pha loãng 2-3% trong 10 -15 phút để tiêu diệt kí sinh trùng và sát khuẩn rồi thả từ từ bao chứa cá xuống ao nuôi để cá thích nghi dần với môi trường nước trong khoảng 15 phút, trước khi mở bao tải và để cá tự chui ra.

Kỹ thuật nuôi cá chạch lấu

  1. Thức ăn và cách cho cá chạch lấu ăn

Cá chạch lấu là loài ăn tạp, háu ăn nhưng lượng ăn không nhiều. Để chạch phát triển tốt nhất, bà con cần cho ăn đúng, đủ định lượng theo kích cỡ kết hợp bổ sung đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.

Cá chạch lấu dưới 5cm: sử dụng luân trùng, râu ngành, chân chèo hoặc các loại động vật phù du khác làm thức ăn chính.

Cá chạch lấu dài 5 -8cm: ngoài thức ăn là động vật phù du, bà con có thể bổ sung thêm giun nhỏ hoặc ấu trùng muỗi lắc cho vật nuôi ăn.

Cá chạch lấu dài 8 – 9cm: cho chạch ăn thêm tảo khuê, thân lá cỏ non và ngũ cốc. Để đảm bảo cá chạch ăn được và hấp thu hết dinh dưỡng, bà con nên sử dụng máy băm nghiền đa năng để nghiền nhỏ ngũ cốc nguyên hạt để biến đổi kích cỡ hạt cho vừa khoang miệng của cá.

Cá chạch lấu dài trên 9cm: cho ăn thức ăn từ thực vật là chủ yếu.

Cá chạch lấu là loài ăn tạp nên khả năng ăn rất đa dạng nhóm thực phẩm
Cá chạch lấu là loài ăn tạp nên khả năng ăn rất đa dạng nhóm thực phẩm
  1. Quản lý môi trường nuôi cá chạch lấu

Bà con cần theo dõi ao nuôi hàng ngày và đánh giá chất lượng nước, đảm bảo môi trường nuôi lý tưởng nhất cho cá sinh trưởng và phát triển. Màu nước đẹp nhất để nuôi cá chạch cần có màu xanh nõn chuối với các chỉ tiêu như sau: pH từ 7,5 -8,5; độ trong từ 30 -40cm; DO >5mg/l.

Kiểm tra ao vào buổi sáng trong lúc cho cá ăn. Nếu phát hiện các hiện tượng bất thường của cá và môi trường nuôi cần phải tiến hành xử lý ngay, tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Định kì thay nước ao nuôi để đảm bảo nguồn nước sạch nhất. Mỗi lần chỉ thay tối đa 1/3 lượng nước trong ao. Trong trường hợp nước ao có màu bất thường có thể tiến hành thay khẩn cấp nhưng không quá ½ lượng nước ao.

Phòng và trị bệnh trên cá chạch lấu

Mặc dù là loài vật nuôi có sức đề kháng cao, ít bệnh tật nhưng chúng vẫn có khả năng mắc một số bệnh do môi trường nuôi ô nhiễm như: nấm, kí sinh trùng, bệnh đường ruột. Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là đảm bảo môi trường nuôi sạch, bổ sung định kỳ vitamin C và men tiêu hóa 2 lần/tháng, mỗi lần từ 3 -5 ngày vào thức ăn cho cá. Kết hợp thay nước định kì.

Nếu phát hiện chạch bị bệnh, bà con cần xử lý như sau:

Tắm cho cá bằng nước muối 3% hoặc dung dịch thuốc tím 20g/1 mét khối nước từ 10 -15 phút.

Trộn kháng sinh Doxycyline 0,2 -0,3g/kg thức ăn hoặc Oxytetracyline 2-4g/kg thức ăn liên tục trong 5 -7 ngày.

Bà con nông dân thường xuyên kiểm tra để có thể tìm ra bệnh và có cách phòng trừ hợp lý
Bà con nông dân thường xuyên kiểm tra để có thể tìm ra bệnh và có cách phòng trừ hợp lý

Trên đây, chúng tôi vừa gửi tới bà con cách nuôi cá chạch lấu. Loài cá này được đánh giá là dễ nuôi, dễ chăm sóc và có giá trị kinh tế cao. Chỉ cần nắm vững được kỹ thuật chăn nuôi kết hợp với chăm sóc cẩn thận và quản lý môi trường nuôi tốt, bà con hoàn toàn có thể thu được hiệu quả chăn nuôi như mong đợi, cho lời lãi cao. Chúc bà con bội thu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây