Trong những năm gần đây, khoai lang Nhật được nhiều nhà nông lựa chọn trồng để mang lại thu nhập chính. Giống khoai này mang đến năng suất cao và không mất quá nhiều thời gian, công sức chăm sóc. Kỹ thuật trồng khoai lang Nhật có điểm gì đáng để chú ý hay không? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bà con có thêm thông tin về chủ đề này.
Nên trồng khoai lang vào tháng mấy?
Thời vụ thích hợp nhất để trồng giống khoai lang Nhật là vào mùa Đông Xuân, khoảng giữa tháng 9.
Thời gian muộn nhất để bắt đầu trồng khoai lang Nhật là khoảng mùng 5/10 dương lịch.
Tiến hành làm đất
Bà con nên chọn đất trồng khoai lang Nhật là loại đất có thành phần cơ giới nhẹ. Đảm bảo nguồn nước tưới phải đủ để cung cấp cho cây trồng trong cả mùa nắng.
Bà con chú ý làm đất thật tơi xốp, sạch cỏ dại và những tàn dư nông nghiệp từ mùa vụ trước. Luống trồng khoai lang nên được làm dọc theo độ dốc của ruộng., chiều cao mỗi luống từ 35 – 40cm.
Kỹ thuật trồng khoai lang
Khi bà con trồng khoai lang Nhật bằng củ giống, bà con nên cắt củ khoai thành những lát nhỏ với độ dày khoảng 3cm.
Củ khoai giống sau khi cắt thì chấm qua nước xi măng pha loãng và để khoảng 2 ngày để vết cắt khô miệng. Lúc đó lát khoai lang mới có thể mang đi trồng.
Khi miếng khoai giống đã nảy mầm, đặt mầm cây hướng lên trên với mật độ trồng mỗi cây là từ 40cm x 40cm, lưu ý phải phủ một lớp đất mỏng lên trên bề mặt.
Nếu như nhiệt độ môi trường quá hanh khô thì bà con cần chú ý tưới đủ nước để đất giữ được độ ẩm cần thiết. Ngay sau khi trồng khoai lang xong thì bà con cũng cần tưới nước cho cây để cung cấp độ ẩm giúp bộ rễ phát triển.
Chăm sóc sau khi trồng
Sau thời gian khoảng 1 tuần trồng khoai, bà con cần đi kiểm tra lại vườn để trồng dặm lại những cây chết. Đây là cách giúp mật độ trồng cây được ổn định, tăng năng suất.
Sau thời gian từ 20 – 25 ngày trồng khoai lang Nhật, bà con nên tiến hành thực hiện sào xới đất và bón thúc lần đầu tiên.
Khoảng thời gian 45 ngày sau khi trồng khoai lang rất thích hợp để bà con cào xới tơi đất và bón thúc lần 2.
Việc bấm ngọn sẽ được thực hiện khi dây khoai lang dài khoảng 45cm. Bên cạnh đó, để cây có thể sinh trưởng, phát triển mạnh mẽ thì bà con cần vun xới cao luống thường xuyên. Muốn rễ phụ không phát triển quá mạnh làm giảm năng suất cây, bà con cần chú ý thực hiện nhấc dây thường xuyên. Thao tác nhấc dây thực hiện nhẹ nhàng và lại đặt xuống như ban đầu.
Bón phân cho khoai lang
Muốn khoai lang Nhật có chất lượng tốt và năng suất cao thì bà con nông dân cần chú ý đến quy trình bón phân như sau:
Mỗi sào khoai lang cần sử dụng khoảng 400kg phân chuồng đã ủ hoai mục hoặc 50kg phân bón hữu cơ vi sinh.
Phân đạm ure sử dụng khoảng 6kg, phân kali 8kg và phân lân Super khoảng 10kg.
Khi thực hiện bón lót cho vườn khoai lang bà con sẽ sử dụng toàn bộ số phân chuồng, phân lân cùng 1/3 số phân đạm và kali đã chuẩn bị.
Khi thực hiện bón thúc đợt 1 bà con cần dùng toàn bộ lượng phân đạm còn lại cùng 1/3 lượng phân kali.
Trong lần bón thúc thứ 2, người làm vườn sẽ sử dụng hết lượng phân bón còn lại.
Sâu bệnh hại khoai lang
-
Bọ hà
Loại bọ này thường sẽ tấn công vào thân cây và củ, chủ yếu nhất là ở củ. Cách tốt nhất để phòng trừ loại bọ này là tiến hành vun lương cao và lấp đất kín gốc để bọ hà không thể đẻ trứng.
-
Bệnh ghẻ
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của loại bệnh này là trên thân và cuống lá xuất hiện những vết xám trắng và dần chuyển sang màu nâu nhạt. những vết bệnh có thể liên kết thành từng đám.
Biện pháp tốt nhất để phòng trừ bệnh ghẻ ở cây khoai lang là chọn giống cây sạch,, luân canh với những loại cây trồng khác, lên luống cao và loại bỏ tàn dư nông nghiệp sau thu hoạch.
-
Bệnh héo vàng
Những biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh héo vàng ở cây khoai lang là lá cây dần héo úa và rụng. Khi bệnh tiến triển nặng nề có thể làm cây chết khô hoặc nhẹ thì làm cây chậm phát triển, năng suất thấp.
Biện pháp để phòng trừ tốt nhất là bà con nên chọn những giống cây khỏe, không chứa mầm bệnh và kết hợp luân canh với những loại cây trồng khác, dọn sạch tàn dư nông nghiệp sau thu hoạch.
-
Bệnh héo rũ
Đây là một loại bệnh do vi khuẩn gây ra , gốc cây xuất hiện vết thương mọng nước màu vàng nhạt và chuyển dần sang màu nâu. Củ khi bị nhiễm bệnh sẽ thối dần hoặc thối toàn bộ.
Cách tốt nhất để phòng trừ bệnh đó là chọn những cây giống khỏe mạnh, hom được chuẩn bị cẩn thận, luân canh với những cây trồng khác và ngâm ruộng trong nước sau khi thu hoạch.
-
Sâu đục thân dây
Sâu non sẽ có màu đỏ nhạt đục vào trong thân dây khoai lang, sâu tấn công khiến cây khoai lang sinh trưởng và phát triển kém. Năng suất củ không cao, thậm chí là làm chết cây.
Biện pháp tốt nhất để phòng trừ sâu đục thân dây đó là tiêu diệt nhộng và trứng trước khi trồng, luân canh với những loại cây trồng khác và nâng cao luống.
Trồng khoai lang bao lâu thì thu hoạch
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất về thời điểm có thể thu hoạch khoai lang là khi cây ngừng phát triển. Lúc này phần gốc cây sẽ chuyển dần sang màu vàng, bề mặt vỏ của củ khá mịn và có rất ít nhựa.
Những ngày thời tiết nắng ráo rất thích hợp để thu hoạch củ khoai lang. bà con lưu ý trong quá trình thu hoạch cần tránh làm xước bề mặt củ vì chúng có thể khiến thời gian bảo quản củ bị rút ngắn lại.
Chúng ta vừa tìm hiểu xong thông tin liên quan đến kỹ thuật trồng khoai lang Nhật. Agri.vn mong rằng với thông tin mình chia sẻ. việc trồng và chăm sóc cây khoai lang sẽ không còn nhiều khó khăn với bà con như trước. Cảm ơn bà con đã quan tâm theo dõi bài viết.