Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng mạnh

0
808
Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng mạnh
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xem thêm:

Đến nay, Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, Bộ NN & PTNT vừa công bố, cả nước hiện có 131.000 ha sầu riêng, tức mỗi năm tăng bình quân 24,5% – đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực. Với diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng mạnh, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, đang dấy lên lo ngại về những rủi ro trong tương lai…

Số liệu trên vừa được Bộ NN & PTNT công bố. Theo đó, dù canh tác sau, Tây Nguyên nhanh chóng vươn lên dẫn đầu với diện tích sầu riêng gần 70.000 ha, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.

Theo Bộ NN & PTNT, diện tích sầu riêng tăng liên tục từ 2010 đến nay. Bình quân mỗi năm, diện tích trồng sầu riêng tăng 24,5% – mức tăng trưởng rất cao. Đặc biệt, Tây Nguyên là khu vực có diện tích sầu riêng tăng nhanh nhất.

Tại diễn đàn về thực trạng và giải pháp cho ngành sầu riêng mới đây, ông Vũ Đức Côn – Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh đã có hơn 28.600 ha sầu riêng. Trong số này có gần 3.000 ha trồng mới, gần 16.000 ha đang giai đoạn kiến thiết và gần 10.000 ha kinh doanh. Theo ông Côn, vài năm tới, diện tích sầu riêng của tỉnh sẽ lên đến 30.000 ha, đây là điều đáng lo ngại đối với ngành sầu riêng ở tỉnh này vì mức độ mở rộng quá nhanh.

Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng mạnh
Hiện nay, cả nước có 131.000 ha sầu riêng, tức mỗi năm tăng bình quân 24,5%.

Không chỉ Đắk Lắk, mới đây, Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng đã phát đi cảnh báo trước tình trạng diện tích cây sầu riêng tại tỉnh này liên tục tăng nhanh. Đến nay, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt khoảng 19.700 ha, tăng hơn 6.000 ha so với năm 2021, trong đó có hơn 10.800 ha đã cho sản phẩm. Dự kiến sản lượng niên vụ sầu riêng năm nay của Lâm Đồng đạt khoảng 115.000 tấn. Đến 2027, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có khoảng 19.000 ha sầu riêng đến kỳ cho thu hoạch, tương ứng sản lượng khoảng 225.000 tấn, tức gấp đôi so với mức hiện nay.

Trước đó, tại miền Tây, hàng nghìn ha lúa, mít được nông dân chuyển sang trồng sầu riêng khiến Bộ NN & PTNT lo ngại nguy cơ dư cung trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Trồng trọt, cho rằng việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu; dư thừa, dội chợ. Theo ông, nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như nhiễm mặn, phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín sản phẩm của hàng Việt nói chung. Do đó, hồi đầu năm, Cục đã gửi thông báo tới các địa phương để cảnh báo về việc phát triển “nóng” cây sầu riêng.

Bộ NN & PTNT đánh giá việc kinh doanh và sản xuất sầu riêng vẫn còn nhiều nút thắt: như việc chưa liên kết tốt giữa nhà vườn, thương lái và doanh nghiệp sản xuất; nguồn nhân lực chuẩn, thương hiệu chưa mạnh; hạ tầng chế biến chưa đáp ứng; có tình trạng cạnh tranh, chơi xấu trong thu mua. Do đó, nếu mở rộng diện tích quá nhanh, rủi ro sẽ rất lớn.

Để kiểm soát được chất lượng, thương hiệu của sầu riêng và ổn định đầu ra cho sản phẩm, Cục trồng trọt và các Sở nông nghiệp khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự ý chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng….

Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng mạnh
9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 3,6 lần so với năm 2022.

Phan Việt Hà – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), lo ngại việc diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nông dân. Hàng chục ngàn ha sầu riêng đang được trồng vội vã hôm nay sẽ cho thu hoạch ổn định vào 5 – 6 năm tới, khi đó không biết thị trường và giá sầu riêng sẽ ra sao? Nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng cung vượt cầu như đã từng xảy ra đối với nhiều loại cây trồng khác, khi đó nông dân sẽ lại phải gánh nhận hậu quả vì chạy theo biến động thị trường.

Năm ngoái, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với 420 triệu USD. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay, khi được xuất khẩu chính ngạch, hàng Việt đã vươn lên vị trí thứ 2 (sau Thái Lan) với kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 3,6 lần so với cả năm 2022.

Đầu tháng 2, sầu riêng trái vụ của Việt Nam có giá bán tại vườn là 150.000 -170.000 đồng/kg – mức cao kỷ lục. Hiện, giá sầu riêng ở vườn đã giảm so với hàng trái vụ nhưng vẫn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, dao động 50.000 – 95.000 đồng/kg (tùy loại).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây