Lâm Đồng khuyến cáo không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng

0
226
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa đưa ra khuyến cáo dành cho bà con nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh, không tự phát tăng diện tích sầu riêng và thu hoạch phải đảm bảo độ chín của quả.

Sở NN & PTNT Lâm Đồng cho biết vừa gửi văn bản đến UBND các địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thôn tuyên truyền để bà con nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp. Đồng thời không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.

Thực hiện việc quản lý diện tích được cấp mã số vùng trồng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng trên cây sầu riêng; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng dịch hại, đặc biệt là các đối tượng rệp sáp, ruồi vàng thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc.

Thu hái sầu riêng phải đảm bảo độ chín.

Ngoài ra, phải thu hái sầu riêng đảm bảo độ chín, tuyệt đối không thu hoạch quả non mà phải căn cứ vào độ chín của quả. Tại khu vực các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (vụ thu hoạch khoảng từ tháng 4 – 7), giống Ri6: từ lúc xổ nhụy đến lúc thu hoạch quả phải đủ độ tuổi 100 – 110 ngày; giống Dona: từ lúc xổ nhụy đến lúc thu hoạch quả phải đủ độ tuổi 120 – 130 ngày. Tại khu vực các huyện khác (vụ thu hoạch khoảng từ tháng 8 – 11), giống Ri6: từ lúc xổ nhụy đến lúc thu hoạch quả phải đủ độ tuổi 120 – 130 ngày; giống Dona: từ lúc xổ nhụy đến lúc thu hoạch quả phải đủ độ tuổi 140 – 150 ngày.

Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đến nay, diện tích sầu riêng toàn tỉnh khoảng 19.700 ha, tăng hơn 6.000 ha so với năm 2021; trong đó có hơn 10.800 ha đã cho sản phẩm, dự kiến sản lượng năm 2023 đạt khoảng 115.000 tấn. Với việc diện tích sầu riêng tăng mạnh trong hai năm vừa qua, dự kiến năm 2027 – 2028 toàn tỉnh sẽ có khoảng 19.000 ha đến thời kỳ cho sản phẩm, tương ứng sản lượng khoảng 225.000 tấn, gấp đôi so với sản lượng hiện nay.

Trung Quốc kéo nhu cầu sầu riêng thế giới tăng 400%

Báo cáo của HSBC cho thấy nhu cầu sầu riêng toàn cầu đang tăng mạnh, chủ yếu nhờ người Trung Quốc ưa chuộng loại quả này.

Ngân hàng HSBC tuần trước ra báo cáo cho biết nhu cầu sầu riêng trên thế giới trong quý I tăng 400% so với cùng kỳ năm 2022. “Cơn sốt sầu riêng” tập trung chủ yếu ở Trung Quốc – nơi người tiêu dùng coi đây không chỉ là một loại quả, mà còn là món quà thể hiện tiềm lực tài chính của người tặng. Việc dùng sầu riêng làm quà cưới, quà đính hôn, tặng bố mẹ vợ/chồng đang ngày càng phổ biến tại đây.

Nhu cầu sầu riêng tại Trung Quốc bắt đầu tăng từ năm 2017. Tuy nhiên, sự bùng nổ chỉ mới diễn ra từ cuối năm ngoái, theo HSBC. SCMP trích số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho biết năm ngoái, nước này nhập khẩu số sầu riêng gấp 4 lần năm 2017, với tổng trị giá 4 tỷ USD.

Trung Quốc kéo nhu cầu sầu riêng thế giới tăng 400%.

Trong 2 năm qua, Trung Quốc nhập khẩu 6 tỷ USD sầu riêng. Con số này chiếm 91% toàn cầu, Aris Dacanay – nhà kinh tế học khu vực Đông Nam Á tại HSBC nhận xét trong báo cáo.

Nguồn cung sầu riêng chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Khu vực này đóng góp 90% sầu riêng xuất khẩu của thế giới năm 2022, tăng 60% so với cách đây 7 năm.

Nhu cầu sầu riêng tăng vọt đem đến cơ hội cho các nước Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan. “Thị trường Trung Quốc quá lớn. Vì thế, các nước Đông Nam Á còn rất nhiều dư địa để tham gia và cạnh tranh”, Dacanay đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây