Ma trận thuốc bảo vệ thực vật – Bối rối của người nông dân

0
2633
thuốc bảo vệ thực vật
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Những cụm từ như thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật là một danh từ không còn xa lạ gì, nhất là đối với những người trong ngành nông nghiệp. Thuốc Bảo vệ thực vật (Thuốc BVTV) là loại thuốc dường như không thể vắng bóng trong nền canh tác nông nghiệp hiện nay ở nước ra. Chính vì vậy mà vô vàng loại thuốc BVTV được sản xuất nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau của người trồng.

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang ở mức báo động ở nông nghiệp của nước ta. Thậm chí một số nơi còn có hiện tượng nông dân “nghiện” sử dụng thuốc BVTV. Tình trạng thuốc BVTV được sản xuất và bày bán tràn lan trên thị trường tạo ra một ma trận và cuộc chọn lựa gây cấn của người nông dân

Nội dung chính

Phân loại thuốc BVTV

Hiện nay, Thuốc BVTV rất đa dạng và phong phú cho tất cả các loại cây trồng. Nhìn chung, có thể phân loại thuốc BVTV theo 2 phương diện sau đây:

1. Phân loại theo nguồn gốc và cấu trúc hóa học

Thuốc BVTV được sản xuất chủ yếu có 2 nguồn gốc chính đó là hóa học tổng hợp hoặc có nguồn gốc sinh học.
  • Thuốc BVTV được tổng hợp hóa học: Là các sản phẩm có thành phần hoạt chất là các chất hóa học vô cơ, hoặc hữu cơ tổng hợp và hầu hết đều là chất độc.
  • Thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học: Là các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, những chế phẩm sinh học từ các thảo dược hay các chủng vi sinh được nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng khác nhau. Các sản phẩm này có tính độc nhẹ hơn so với thuốc hóa học.

Những sản phẩm có nguồn gốc sinh học vốn dĩ là những phương pháp được sử dụng trong lối canh tác xưa. Khi con người dần ý thức được hậu quả của các sản phẩm hóa học thì các sản phẩm có nguồn gốc sinh học lại được đưa vào tái sử dụng. Tuy nhiên, bởi tác dụng chậm và phải sử dụng nhiều lần nên người nông dân dần trở nên “nghiện”: thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học.

2. Phân loại theo mục đích sử dụng

Dựa trên các đối tượng gây hại khác nhau mà phân loại:
  • Thuốc diệt trừ cỏ dại
  • Thuốc trừ sâu, trừ nhện hay côn trùng gây hại
  • Thuốc trừ nấm, vi khuẩn hay vi sinh vật gây hại
  • Thuốc điều hòa sinh trưởng, phát triển

Ma trận thuốc bảo vệ thực vật (Thuốc BVTV)

Khi là một người kinh doanh về mặt hàng phân thuốc, chắc chắn rằng bạn sẽ thường nghe những lời phàn nàn của bà con nông dân về sâu bệnh như:” Thuốc này không hiệu quả, thuốc này có tác dụng chậm, phun mãi chẳng hết,….” Và đây dường như là câu chuyện hàng ngày của bán phân thuốc. Giống như cuộc trò chuyện sau đây:

“Trong cửa hiệu thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ở chân đê sông Đáy, huyện Hoài Đức (Hà Nội), ông chủ vườn ổi đang phàn nàn về việc thuốc diệt cỏ mua lần trước không phát huy tác dụng. “Cỏ cao hơn ổi rồi, rõ đắt mà phun mãi chả chết”, lão nông vò cái mũ tai bèo, bực dọc than thở. Minh, bà chủ cửa hàng, giải thích đấy là thuốc sinh học, an toàn nên đắt và phải dùng bền bỉ nhiều lần mới hiệu quả, nhưng chỉ nhận lại sự cương quyết từ người khách: “Cô không bán tôi đi hàng khác”. Bà chủ cửa hiệu thuốc bảo vệ thực vật chiều khách lôi ra ba chai “thuốc hiếm”, nói với khách: “Lần này cỏ không chết cháu không lấy tiền”.

Điều đặc biệt ở đây là ba chai này giá chưa bằng một nửa chai thuốc sinh học. Mình từ chối nêu tên thuốc, nhưng giải thích với phóng viên: “Thuốc này cấm, nhưng hoạt chất khác đắt hơn. Công cắt cỏ bằng cái chiếu mất cả một ngày, phun thuốc này tí xong. Làm gì cũng phải tính kinh tế”.

Quán chị có ba thứ níu kéo người khắp vùng đến mua hàng suốt 16 năm nay: bán chịu, thuốc xịn và “thuốc hiếm”. Ở xã nông nghiệp chưa đầy 2 cây số vuông có tới 3 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, từ chối bán “hàng cấm” đồng nghĩa với đuổi khách.”

Thuốc hiếm không hiếm

Theo Cục Bảo vệ thực vật, các loại thuốc cấm thâm nhập vào Việt Nam chủ yếu do buôn lậu, quy mô nhỏ lẻ. Bảy tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng bắt 40 vụ buôn lậu từ các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, thiêu hủy 5 tấn thuốc. Tháng 5/2018, cơ quan chức năng Lạng Sơn bắt giữ 3 tấn hoá chất nhập lậu từ Trung Quốc với hơn 10.000 sản phẩm thuốc diệt cỏ, nhện, ốc, thuốc trừ sâu, ngâm chuối, kích thích tăng trưởng giá đỗ. Nhiều loại cực độc đã bị cấm tại Việt Nam. Số thuốc này sau đó được mang về Hải Dương tiêu huỷ.

“Hàng đẹp, giá siêu nét, anh em có nhu cầu inbox em”, dòng trạng thái đi kèm ảnh chai thuốc diệt cỏ có hình khủng long phun lửa với slogan “Chạm là cháy” được đăng trên một nhóm Facebook. Để tăng thêm độ tin cậy cho sản phẩm, người bán cam kết “hàng paraquat, chai loại 1 lít, phun hai tiếng là cỏ chết luôn”. Bốn phút sau, một người vào bình luận: “Còn hàng không?”, hẹn lấy 20 thùng, nhờ gửi xe khách lên Vân Hồ, Sơn La.

Chai thuốc diệt cỏ chứa paraquat là hoạt chất bị cấm sử dụng trong nông nghiệp tại hơn 40 quốc gia. Tháng 2/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam loại paraquat khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được lưu hành. Nhưng ngày 25/5 năm nay, nhiều sản phẩm vẫn được chào bán với giá 125.000 đồng mỗi chai 1 lít ở rất nhiều địa chỉ công khai trên Internet, trong đó có những trang thương mại điện tử uy tín.

Hàng xóm phía Bắc của Việt Nam là nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất thế giới. Việt Nam là thị trường lớn nhất của họ tại Đông Nam Á, bên cạnh Thái Lan. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của họ là paraquat và glyphosate – hai chất đã bị cấm hoàn toàn tại Việt Nam.

Nhưng AgroNews – một trang tin kỹ thuật nông nghiệp của Trung Quốc có trụ sở tại Trùng Khánh – vào cuối năm 2018 đưa ra thống kê rằng từ tháng 1/2018 đến tháng 11/2018, lượng xuất khẩu paraquat từ Trung Quốc sang Việt Nam sau lệnh cấm chỉ “giảm 92%”.

Lagoote 210SL có chứa hoạt chất cấm Paraquat vẫn được rao bán trên mạng.

Lagoote 210SL có chứa hoạt chất cấm Paraquat vẫn được rao bán trên mạng.

Trên Facebook, ngày 15/6 năm nay, một tài khoản rao bán Wusso 550EC, sản phẩm chứa chlorpyrifos ethyl, hoạt chất bị cấm từ tháng 2/2019. Người rao thậm chí còn nhận làm nhãn mác riêng nếu người mua có nhu cầu. Hai ngày sau, một tài khoản khác rao 300 thùng thuốc Dosate 75.7WG và 100 thùng Haihadup 480SL. Cả hai tên thương hiệu đều có hoạt chất glyphosate, cũng nằm trong danh mục cấm từ ngày 10/4/2019.

Từ quảng cáo trên mạng xã hội và những cửa hàng vật tư nông nghiệp như của chị Minh, các loại thuốc cấm đến tay nông dân, tràn ra ruộng đồng.

Minh chưa từng qua một trường đào tạo nào về kiến thức nông nghiệp. Ba đời nhà chị đều làm ruộng. Sau ngày cưới, Minh cùng chồng đi cân vải thiều, nhãn lồng, cam bưởi khắp miền Bắc, đóng kiện xốp gửi máy bay vào miền Tây bán. Vụ vải hè 2003, vợ chồng quay lại quê hương, thuê đất trồng cây ăn quả, trở thành những triệu phú đầu tiên trong xã. “Đấy là trường học lớn nhất chứ đâu”, Minh tự tin kiến thức về thuốc sâu, phân bón của mình còn siêu hơn những cán bộ nông nghiệp trong lớp tập huấn.

Những năm 2000, người dân Hoài Đức mỗi lần đi mua thuốc sâu, vẫn là một lần “xuống phố”. Cửa hàng vật tư nông nghiệp của Minh mở năm 2005, là cơ sở đầu tiên của cả xã. “Mình vừa bán vừa học, bán nhầm mới bán đúng được chứ. Nông dân họ dạy mình nhiều đấy”, chị nhớ lại.

Gần một năm sau khai trương, cửa hàng đón đoàn thanh tra đầu tiên đến “thăm”. Minh chưa có giấy phép hành nghề, phải đăng ký một khóa bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật của tỉnh Hà Tây (cũ) tổ chức.

“Bảo là ba tháng, nhưng tuần đi hai buổi thôi. Gần 100 người, toàn người bán lõi đời, đến điểm danh rồi ngồi chơi. Mấy ông tập huấn cho mình chắc gì cho các ông về bán đã bằng mình”, Minh tổng kết về khóa học, “chả có ai trượt hết, ai hay phát biểu thì được tặng thêm cái huy chương”. Sau ba tháng, Minh mang về một đống tài liệu sách vở chưa bao giờ sờ đến và cái giấy phép kinh doanh, thứ giúp chị không còn sợ những đợt thanh kiểm tra của cơ quan chức năng. “Còn thuốc hiếm, mình ngu gì để ở cửa hàng”, Minh nói.

Theo Trưởng phòng thanh tra pháp chế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, bà Lưu Thị Hằng, hoạt động mua bán thuốc bảo vệ thực vật phát triển cả trên mạng xã hội, giao hàng qua dịch vụ vận chuyển, người bán mua không biết mặt nhau khiến việc phát hiện càng khó khăn.

Tại Hà Nội, việc kiểm tra, quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được giao cho chính quyền cấp xã, phường. Thanh tra chuyên ngành bảo vệ thực vật của thành phố mỗi năm chỉ đi một lần, nếu thấy dấu hiệu vi phạm mới được quyền thanh tra tiếp. Trước khi thanh tra phải lên kế hoạch thông báo trước cho địa phương, cơ sở kinh doanh và chỉ được kiểm tra tại cửa hàng.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật một nông dân phối trộn để phun trên cây bưởi. Ảnh: Thanh Huế.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật nông dân phối trộn để phun trên cây bưởi. Ảnh: Thanh Huế.

Nông dân tự xoay xở

Đầu tháng 6, mối phân phối lâu năm mang cho chị Minh một loại trừ cỏ mẫu, dùng trên cây mía. “Chị cứ bán, cỏ gì cũng phun được, cỏ gấu chết tốt lắm”, anh ta chào mời.

Vợ chồng Minh tin tưởng đối tác, thấy chia lợi nhuận tốt, nhập về bán. Thuốc đăng ký trên mía nhưng chị bán cho cả vườn đu đủ. Bốn ngày sau, chủ vườn đu đủ gọi điện bắt đền. “Táp cả vườn cây rồi, cỏ thì vẫn mọc”, khách hàng quát vào điện thoại. Trưa 14/6, chồng Minh cùng đại diện nhà phân phối vào tận vườn tính toán thiệt hại, đền bù cho chủ vườn đu đủ.

Minh bảo “tai nạn nghề nghiệp như vậy là thường, lỗi của nhà phân phối, mình chả việc gì phải lo lắng”. Nhưng chồng chị cũng thừa nhận người bán như họ bị dồn vào thế bí. Bởi các nhà sản xuất thường nhắm đến thị trường cây trồng chủ lực, loại cây nhỏ lẻ hầu như không có thuốc đặc trị. Người bán thuốc đành “sáng tạo”, hướng dẫn nông dân dùng thuốc của cây này trị bệnh cho cây kia, hoặc pha trộn các loại với nhau.

“Chính doanh nghiệp trong nước cũng lựa chọn sản phẩm chủ lực để đăng ký, nên rất nhiều loại cây trồng chưa có thuốc”, ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật nói.

Theo ông Đạt, các doanh nghiệp còn có xu hướng đăng ký rất nhiều hàm lượng trên cùng sản phẩm, khó để biết rõ về hiệu lực, chất lượng. Nông dân do vậy cũng không thể tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: pha chế đúng liều lượng, sử dụng đúng thuốc, phun thuốc đúng cách, cách ly đúng ngày.

World Bank nhận định “chỉ một số ít người bán thuốc trừ sâu, các đại lý khuyến nông và nông dân hiểu đúng về thuốc trừ sâu”. Và việc pha trộn cũng như dùng liều lượng tùy ý này khiến người nông dân không thể thành công trong “Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)” – tức là thay vì diệt sâu hại, họ có thể diệt cả thiên địch và cây trồng, lãng phí, độc hại và thậm chí khiến sâu nhờn thuốc.

Trong khi chờ đợi một nền sản xuất tự chủ và cân bằng, những người nông dân như khách hàng của chị Minh vẫn sẽ trung thành với loại thuốc nào vừa rẻ vừa “phun một phát chết luôn”. Và những người bán hàng như Minh, tiếp tục hành trình chiều khách để giữ mối. “Chi phí trồng trọt thì cao, mà ai cũng đòi ăn hoa quả rẻ, nông dân có mà chết đói”, chị Minh nói.

Nguồn: https://vnexpress.net

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây