Chia Sẻ Kỹ Thuật Chăn Nuôi Bò Sữa Theo Phương Pháp Mới

0
1676
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Hiện nay, nghề chăn nuôi bò sữa đang có nhiều bước phát triển mạnh tại nước ta vì đây là một trong những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Tuy nhiên, do đa phần các cơ sở chăn nuôi đều ở quy mô hộ gia đình, áp dụng phương pháp chăn nuôi truyền thống, không có quy trình rõ ràng nên năng suất chưa cao và dễ gây ô nhiễm môi trường, Đồng thời khi dịch bệnh xảy ra sẽ thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Vì vậy, việc ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa hiện đại không những hạn chế tối đa tổn thất về kinh tế, mà còn giúp tăng năng suất chăn nuôi lên đến 10-20%. Để có thêm thông tin về chủ đề này, bạn đừng bỏ qua bài viết của chúng tôi nhé.

Nội dung chính

Chọn giống bò sữa

Khi chọn bò giống, chọn những con không bệnh tật, khỏe mạnh căn cứ vào những tiêu chuẩn sau:

Ngoại hình: bò có ngoại hình cân đối, bầu vú rộng, đều, mềm, đầu thanh nhẹ, bốn chân chắc chắn.

Khối lượng: từ 450-500kg đối với bò Hà Lan thuần 3-4 tuổi; 350-390kg đối với bò Hà-Việt 3-4 tuổi; 280-320kg đối với bò lai Sind 3-4 tuổi.

Di truyền: giống bố mẹ tốt, sản lượng sữa cao, chu kỳ cho sữa dài và khỏe mạnh.

Khả năng cho sữa: năng suất sữa từ 8-10kg/ngày (bò Hà-Việt) và 6-8kg/ngày (bò lai Sind); chu kỳ cho sữa từ 270-300 ngày (bò Hà-Việt) và 140-170 ngày (bò lai Sind).

Việc lựa chọn bò sữa giống đóng vai trò quan trọng quyết định sản lượng sữa thu được
Việc lựa chọn bò sữa giống đóng vai trò quan trọng quyết định sản lượng sữa thu được  

Phương pháp phát hiện động dục và phối giống cho bò

Triệu chứng động dục: bò ít ăn, giảm sữa, thường nhảy lên lưng con khác hoặc để con khác nhảy. Thời gian động dục kéo dài 18-36 giờ, và sau khi đẻ 20-30 ngày thì lên giống trở lại. Thời điểm lên giống tốt nhất là vào lần động dục thứ 2 tức là 45-60 ngày sau khi đẻ (chu kỳ động dục 21 ngày). Đối với bò có sản lượng sữa cao thì nên phối giống vào tháng thứ 3 hoặc thứ 4 để kéo dài chu kỳ vắt sữa.

Phương pháp phối giống:

  • Phối giống trực tiếp: chỉ sử dụng phương pháp này đối với số bò tơ đã trưởng thành có trọng lượng nhỏ hoặc bò khó phối.
  • Phối giống nhân tạo: phương pháp cho phép chọn giống theo đúng yêu cầu chăn nuôi, phù hợp với giống bò mẹ để cho ra đàn con có chất lượng tốt.

Nuôi dưỡng bê từ 1 ngày tuổi đến bò trưởng thành

  • Bê từ 0-7 ngày tuổi

Nhúng ngón tay vào sữa rồi bỏ vào miệng bê cho bê mút. Từ từ kéo dần ngón tay xuống xô sữa, bê mút ngón tay sẽ mút luôn cả sữa vào miệng. Tập khoảng 3-4 lần là bê quen sẽ tự động uống sữa trong xô. Khẩu phần sữa cho bê sơ sinh là từ 5-6 kg/ngày (tùy trọng lượng bê).

  • Bê từ 8-120 ngày tuổi

Ngoài việc dùng sữa làm thức ăn chính, cần phải tập cho bê ăn cỏ, cám để sớm phát triển dạ cỏ. Bê 4 tháng tuổi chuẩn bị bước sang giai đoạn cai sữa phải bổ sung thêm đạm, khoáng vi lượng và đa lượng vào khẩu phần. Khẩu phần sữa cho bê từ 8-30 ngày tuổi là 6kg, 30-60 ngày tuổi là 4kg, 60-90 ngày tuổi là 2kg, 90-120 ngày tuổi là 1kg.

  • Bê cai sữa đến tơ lở

Bê từ 4-12 tháng tuổi và bê từ tơ lỡ cho ăn thức ăn tinh là cám hỗn hợp (16-18% protein) lần lượt từ 0,6-0,8kg/con/ngày và 1-1,2kg/con/ngày. Thức ăn bổ sung bao gồm mật, muối và urê. Thức ăn thô là cỏ, rơm cho ăn tự do.

Mỗi giai đoạn phát triển của bò sữa sẽ có những tiêu chuẩn chăm sóc nhất định
Mỗi giai đoạn phát triển của bò sữa sẽ có những tiêu chuẩn chăm sóc nhất định

Nuôi dưỡng bò vắt sữa

Yêu cầu: bò vắt sữa phải là bò cho sản lượng sữa cao, động dục sớm và trạng thái sức khỏe tốt.

Quy định về vắt sữa:

  • Vắt đúng giờ và cố định người vắt.
  • Giữ yên lặng nơi vắt sữa, không hút thuốc, không gây cảm giác khó chịu cho bò.
  • Công nhân vắt sữa trước khi vắt phải rửa tay sạch sẽ, móng tay cắt ngắn, đeo khẩu trang và không mắc bệnh truyền nhiễm.
  • Chuồng trại và dụng cụ vắt sữa phải sạch sẽ, hợp vệ sinh.
  • Bò cao sản vắt trước, trung sản và thấp sản vắt sau. Bò không bị viêm vú vắt trước, bò viêm vú vắt sau. Trong 1 con bò có viêm vú, vú nào không viêm vắt trước, vú viêm vắt sau. Sữa bò viêm không được sử dụng.
  • Sữa bò trong vòng 10-15 ngày đầu chứa nhiều kháng thể và hàm lượng dinh dưỡng cao nên chỉ cho bê uống, không được nhập chung vào sữa hàng hóa.
  • Không sử dụng sữa lấy từ gia súc mới tiêm kháng sinh trong vòng 24 giờ, gia súc chích vaccine nhiệt than trong vòng 15 ngày.

Kỹ thuật nuôi bò cạn sữa

Bò vắt sữa đến tháng mang thai thứ 7 thì bắt buộc phải cho cạn sữa theo một trong hai cách sau:

  • Đối với bò năng suất từ 4-5 lít trở lên: giảm số lần vắt trong ngày từ 2 lần xuống 1 lần/ngày hoặc 2-3 ngày vắt 1 lần, thay đổi giờ vắt sữa và trình tự thao tác vắt.
  • Đối với bò năng suất từ 2-3 kg/ngày: cách 3-4 ngày vắt 1 lần sau đó để sữa tự tiêu. Sau giai đoạn cạn sữa, cho bò ăn lại khẩu phần bình thường.

Vệ sinh phòng bệnh cho bò

Vệ sinh ăn uống: thức ăn phải sạch không bị thối, chua, mốc, nước uống sạch, không dùng nước có nguồn bệnh dịch.

Vệ sinh thân thể: tắm chảy thường xuyên và định kỳ phun thuốc diệt ve cho bò. Tiêu độc định kỳ mỗi tháng 1 lần bằng vôi sống, Formol hoặc Sút.

Bò sữa cần được vệ sinh thân thể thường xuyên để loại bỏ mầm bệnh
Bò sữa cần được vệ sinh thân thể thường xuyên để loại bỏ mầm bệnh

Các bệnh thường gặp ở bê: hội chứng tiêu chảy, giun đũa, giun phổi, cầu trùng, viêm phế quản–phổi, viêm rốn,…

Các bệnh thường gặp ở bò: lở mồm long móng, chướng hơi dạ cỏ, cảm nắng, viêm vú, ngộ độc, viêm bao tim, ký sinh trùng đường máu, lê dạng trùng, sán lá gan, tụ huyết trùng, lao bò,…

Lưu ý: tiêm phòng một số bệnh ở bò như tụ huyết trùng, lỡ mồm long móng và định kỳ kiểm tra phát hiện bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan cho người.

Quản lý và xử lý chất thải

Chất thải rắn được cho vào hố ủ, sau đó đem bán hoặc dùng làm phân bón cho cây trồng.

Chất thải lỏng (nước tắm chuồng) sẽ được đưa vào hệ thống biogas để xử lý sau đó dùng để tưới cho đồng cỏ hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Quy trình xử lý chất thải cần đảm bảo đúng kỹ thuật
Quy trình xử lý chất thải cần đảm bảo đúng kỹ thuật

Chúng tôi mong rằng nội dung thông tin bài viết mình chia sẻ sẽ giúp bà con nông dân có thêm kinh nghiệm chăm nuôi bò sữa cho mình. Chúc bà con nông dân thành công với mô hình nuôi bò sữa cải tiến. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây