Giá tiêu ở Việt Nam đang duy trì ở mức trên 80.000 đồng/kg và được dự báo sẽ khởi sắc hơn sau dịp Tết Giáp Thìn sắp tới.
Theo ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, việc giá tiêu duy trì ổn định ở mức trên 80.000 đồng/kg trong suốt nhiều ngày qua và nhiều khả năng còn giữ được giá này đến Tết nguyên đán, là điều đáng mừng. Bởi mọi năm, cứ vào dịp Tết nguyên đán, giá tiêu thường giảm xuống do nông dân đẩy mạnh bán ra để có tiền tiêu tết. Nhân cơ hội đó, nhiều doanh nghiệp cũng tranh thủ tìm cách ép giá tiêu xuống.
Theo các thương nhân ngành hồ tiêu, sản lượng hồ tiêu suy giảm trên toàn cầu là nguyên nhân hàng đầu đang tạo sức ép làm tăng giá tiêu. Thông tin từ Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), cho hay, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2023 đạt 539 ngàn tấn, giảm 4,3% so với năm 2022. Sự sụt giảm chủ yếu đến từ Brazil, Ấn Độ và Indonesia.
Vào thời điểm này, hồ tiêu thế giới đang bước vào vụ thu hoạch chính diễn ra tại các quốc gia sản xuất lớn nhất, gồm Việt Nam, Ấn Độ, và miền Nam của Brazil. IPC dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 tiếp tục giảm 1,1% tương đương 6.000 tấn.
Tuy nhiên, mức sụt giảm thực tế có thể còn cao hơn nữa. Vì trong dự báo của IPC, năm 2024, Brazil và Ấn Độ sẽ tăng sản lượng, trong khi giảm tại Việt Nam. Nhưng theo ông Nguyễn Tấn Hiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), vào các tháng 11 và 12/2023, hạn hán xảy ra ở Brazil với mức độ khốc liệt, đã ảnh hưởng đến nhiều vùng trồng tiêu, nhất là những vùng sẽ thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6/2024. Do đó, sản lượng hồ tiêu ở Brazil sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.
Cũng theo ông Hiên, không chỉ Brazil, sản lượng dự báo sẽ giảm ở cả 3 nước sản xuất lớn khác là Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Do đó, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
VPSA nhận định, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ thu hoạch năm nay trễ hơn năm ngoái. Dự kiến sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170 ngàn tấn, giảm 10,5% so với năm 2023.
Giá hạt tiêu Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn sau Tết Giáp Thìn, khi các thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua trên thị trường, nhất là thời điểm đầu quý 2 hàng năm. Thêm vào đó các thị trường khác cũng sẽ phải bắt đầu mua trở lại mặc dù kinh tế vẫn đang bị khủng hoảng. Điều này có thể làm cho lượng hàng tồn cuối năm tiếp tục giảm.
Dù giá tiêu được dự báo là sẽ tăng lên, nhưng cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ một số cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng. Trong thời gian qua, nhiều vườn tiêu đã bị nông dân chặt bỏ để thay thế bằng loại cây ăn trái này.
Theo bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA, việc nông dân chuyển từ hồ tiêu sang sầu riêng là khó tránh khỏi, khi lợi nhuận từ sầu riêng hiện đang cao hơn rất nhiều so với hồ tiêu. Tuy nhiên, nông dân chỉ nên thay thế cây tiêu bằng sầu riêng hoặc cây trồng khác ở những nơi đất đã thoái hóa hay có nhiều sâu bệnh hại đến mức không thể tái canh được. Những vườn tiêu vẫn đang tốt cần được giữ lại bởi đây là loại cây có tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.