Nuôi cá chép điều kiện cần là một ao nuôi đảm bảo chất lượng cũng như số lượng của đàn cá. Để làm được điều đó, bà con không đơn thuần chỉ là thả cá vào ao một cách tùy tiện và nuôi một cách đơn giản. Ao nuôi cá cũng như một căn nhà, nhà phải vững, chắc, đẹp thì cá mới phát triển tốt!
Cách lựa chọn diện tích ao nuôi phù hợp để nuôi cá chép
Xu hướng nuôi cá chép hiện nay thường sẽ là những ao nuôi ngay trong vườn nhà. Riêng đối với những ai nuôi với số lượng lớn nhằm mục đích xuất khẩu hoặc có sẵn một thị trường mua bán rộng mở thì thường sẽ mua hẳn một mảnh đất nuôi cá chép. Ngoài ra, bà con cũng có thể mua lại những ao đã có sẵn của người khác, tái sử dụng ao cũ,…
Tùy vào số lượng cá mình nuôi, bà con có thể lựa chọn xây dựng các ao nuôi có diện tích tương ứng. Theo kinh nghiệm lâu năm của mình, tôi khuyên bà con nên xây những ao rộng từ 300-1000m2 vì như vậy sẽ thuận tiện hơn trong công tác chăm sóc, quản lý cũng như khi đánh bắt. Nếu số lượng cá quá nhiều hãy nuôi thành nhiều ao khác nhau và phân loại cá trong ao dựa vào kích thước của cá chứ không nên nuôi cá chép trong một ao quá rộng.
Cách cải tạo ao nuôi cá chép đảm bảo chất lượng
Dọn dẹp đáy ao đã qua sử dụng
Bà con nên rút hết nước trong ao nuôi cũ trước khi tiến hành cải tạo mới. Tát cạn ao, xử lý những loại cá tạp, nhất là những con cá dữ. Ngoài ra, bà con cũng nên dọn sạch những bèo bọt, rác ở đáy ao. Đối với phần bùn còn đọng lại trong ao thì bà con nên nạo vét, chỉ để lại khoảng một gang tay.
Để tiện cho việc vệ sinh cũng như quá trình nuôi cá chép diễn ra suôn sẻ, bà con nên để đáy ao bằng phẳng và sàn nghiêng một góc nhỏ về hướng cống thoát nước (tương tự với sàn nhà vệ sinh của gia đình).
Dọn dẹp, phục hồi bờ ao
Với phần bờ ao, bà con nên lấp hết tất cả những lỗ rắn, lỗ cua, hang hốc,…. ngăn không cho cá thoát ra ngoài. Tiến hành phát quang cỏ dại, bụi rậm, cây cối xung quanh bờ. Ngoài ra, bà con cũng nên đắp lại bờ, đảm bảo khoảng cách của đáy áo lên bờ khoảng 1,5m là đủ.
Diệt khuẩn cho ao trước khi nuôi cá chép
Nuôi cá chép để đạt được hiệu quả cao, tránh nhiều mầm bệnh hại cho cá thì bà con nên bón thêm vô vào đáy ao. Cứ 100m2 thì bón từ 7 đến 10kg vôi. Sau khi bón, bà con không nên sử dụng luôn mà nên phơi ao khoảng từ nửa tuần. Riêng đối với những vùng ao bị nhiễm phèn hoặc đã từng có đàn cá mắc bệnh thì bà con nên gấp đôi lượng vôi cần bón.
Chuẩn bị ao trước khi thả cá chép giống
Trước khi thả cá giống, bà con nên bón lót phân chuồng đã ủ hoai mục với phân xanh vào trong ao. Đối với phân chuồng thì rải đều còn phân xanh thì bó thành từng bó và đặt ở các góc ao nuôi cá chép.
Để đảm bảo an toàn cho đàn cá, bà con nên lắp đặt thêm lưới lọc có mắt dày, nhỏ để cá từ bên ngoài không thể chui vào ao, tranh giành thức ăn, nơi ở với cá chép.
Sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước trê, bà con đổ nước vào ao và sẵn sàng thả giống!
Xem thêm: Học cách chăm sóc khi nuôi cá chép vàng những ngày sát Tết.