Khác với nuôi bồ câu theo phương pháp thả rông thường khó kiểm soát số lượng chim, khó quản lý mầm bệnh. Phương pháp nuôi nhốt không chỉ tránh được các nhược điểm này mà nó còn giúp bà con dễ dàng phân chia khu vực nuôi các loại chim khác nhau như chim giống, chim sinh sản…, đảm bảo tỷ lệ đẻ và ấp đạt được từ 90% – 100% (so với 80% ở phương pháp nuôi thả rông). Bài viết sẽ chia sẻ tới bà con kỹ thuật nuôi bồ câu nhốt cho năng suất cao.
Xây dựng chuồng trại nuôi bồ câu nhốt
-
Nguyên tắc chung
Chuồng nuôi đủ ánh sáng, khô thoáng, tránh được gió lùa, có diện tích đủ hoặc rộng rãi cho sự hoạt động của chim.
Được vệ sinh theo định kỳ hợp lý để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của chim.
-
Khuyến nghị áp dụng cụ thể
Chuồng nuôi bồ câu sinh sản (chim từ 6 tháng tuổi) chỉ nên nuôi 1 cặp/chuồng. Kích thước trung bình cao x rộng x sâu = 40 x 40 x 50cm. Ổ đẻ cho chim mái nên có kích thước 20 x 25cm và cao 7 – 8cm.
Chuồng chim bồ câu thịt (chim thương phẩm – chim dò) nên có kích thước khoảng 50 x 50 x 50cm, nuôi tầm 4 con/chuồng (mật độ nuôi chim dò thường gấp đôi mật độ nuôi chim sinh sản).
Vật liệu làm chuồng có thể bằng gỗ, tre, lưới kẽm (dây thép), có thể làm nhiều tầng, có thể tận dụng các vật liệu có sẵn, vật liệu chi phí thấp để tiết kiệm chi phí.
Chuồng nuôi nên được kê cao hơn mặt đất một khoảng hợp lý sao cho phòng tránh chó, mèo, rắn, chuột hay chim lạ tấn công chim.
Chọn giống bồ câu nhốt chuồng
Con giống đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của hoạt động chăn nuôi. Vì thế, bà con nên tuyệt đối nói không với con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc chưa đủ tin tưởng về chất lượng.
Khi chim còn nhỏ, rất khó phân biệt được chim trống, chim mái cũng như độ hoạt bát và sức khỏe của chim. Do đó, thời điểm chọn mua chim giống tốt nhất là khi chim được 4 – 6 tháng tuổi. Con giống tốt là con giống có bộ lông mượt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị dị tật.
-
Căn cứ mục đích nuôi để bà con chọn chim bồ câu
Nếu mua giống chim bồ câu sinh sản thì nên chọn các cặp chim đã được ghép sẵn với nhau (1 trống, 1 mái); Nếu chọn giống để nuôi lấy thịt thì nên chọn chim trống (khỏe mạnh và phát triển nhanh hơn).
-
Cách phân biệt chim trống – mái
Con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục), khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp; con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng. Một cặp bồ câu có thể sinh sản trong 5 năm (sinh sản tối ưu trong 3 năm đầu).
Có khá nhiều giống bồ câu được bà con nông dân đã và đang chăn nuôi chọn như bồ câu ta, bồ câu Pháp, bồ câu Mỹ, bồ câu gà… Với chim bồ câu Pháp, nhiều người nhắc đến hai dòng Titan và Mimas: Dòng “siêu lợi” Mimas có thể sản xuất 16-17 chim non/cặp/năm, khối lượng chim non lúc 28 ngày tuổi đạt 590g; Dòng “siêu nặng” Titan chỉ sản xuất 12-13 chim non/cặp/năm nhưng khối lượng chim non lúc 28 ngày tuổi lại có thể đạt 700 g.
Thức ăn và thuốc phòng chữa bệnh
Nếu bà con tập cho bồ câu thói quen ăn đúng giờ, sự phát triển thể chất của chúng sẽ tốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Một ngày nên cho ăn 2 lần: 6 giờ sáng và 2 giờ chiều. Bồ câu thích ăn các loại đậu, ngô, thóc. Chim nuôi nhốt rất cần được bổ sung thêm chất khoáng, đặc biệt là muối ăn. Thức ăn khoáng bổ sung được trộn gồm: Chất khoáng Premix khoảng 90% + muối ăn 5% + viên sỏi nhỏ cỡ bằng hạt đậu xanh khoảng 5%.
Về nước uống, chim bồ câu chỉ có nhu cầu uống khoảng 50 – 90ml/ngày. Nước cho chim uống nên là nước sạch pha với vitamin và được thay hàng ngày. Máng đựng thức ăn và nước uống nên làm bằng vật liệu mềm dẻo, dễ vệ sinh.
Rất mong rằng với lượng thông tin mà chúng tôi chia sẻ. bà con nông dân đã cập nhật thêm cho mình lượng kiến thức bổ ích trong kỹ thuật nuôi bồ câu nhốt. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết.