Nói đến những loại rau màu quen thuộc của người Việt, không thể kể thiếu cà tím. Trái cà tím có thể góp mặt trong nhiều món ăn được chế biến theo những hình thức khác nhau. Cây cà tím thuộc cùng họ với cây ớt và cà chua. Tuy nhiên những đặc tính của cây cà tím yêu cầu kỹ thuật chăm sóc đặc biệt. Nội dung bài viết này chính là thông tin liên quan đến kỹ thuật trồng cà tím chúng tôi muốn chia sẻ. Mời bạn cùng dành chút thời gian theo dõi nhé.
Chọn giống
Hiện nay, cà tím giống trên thị trường có nhiều loại khác nhau. Về hình dáng có thể chia thành cà tím dẹt, cà tím tròn, cà tím dài. Về màu sắc, các giống cà tím có màu từ đậm đến nhạt. Đặc biệt là trọng lượng trung bình của trái cà tím cũng sẽ có sự khác biệt giữa các giống. Tuy nhiên, đa số nông dân nước ta đều chọn cà tím F1 để trồng vì đây là loại giống có khả năng kháng bệnh cao, năng suất lớn, trái đồng đều, chất lượng ổn định.
Thời vụ trồng
Thông thường cà tím sẽ được trồng và vụ Hè Thu, Đông Xuân hay Xuân Hè. Riêng cà tím trồng vào mùa Thu Đông nên chọn những vùng đất cao, có khả năng thoát nước tốt vì đây là mùa mưa nhiều dễ làm cây bị ngập úng.
Chuẩn bị đất trồng
Yêu cầu đất trồng cây cà tím cần có khả năng thoát nước tốt, được cày bừa tơi xốp. Những loại đất thích hợp trồng cây cà tím đó là: Đất sét pha cát, đất phù sa ven sông, đất thịt pha cát…
Tuy nhiên dù trồng trên loại đất nào bà con cũng cần chú ý, đất đảm bảo không nhiễm phèn mặn, độ pH của đất khoảng 6, nếu độ pH quá thấp có thể rải vôi để cải thiện
Gieo hạt
-
Hạt giống
Tùy vào kích thước hạt giống cà tím lớn hay nhỏ mà 100m2 có thể sử dụng từ 7 – 12g. hạt giống cần trải qua quá trình ngâm ủ đến khi nảy mầm thì gieo vào bầu đất. Thông thường tính từ thời điểm ngâm ủ đến lúc hạt nảy mầm là khoảng 50 – 70 tiếng. Nhiệt độ phù hợp nhất để ủ hạt cà tím nảy mầm là 25 – 30 độ C.
-
Gieo hạt
Thông thường trong bầu trồng cây cà tím, tỷ lệ đất và phân bón sẽ là: 20% tro trấu + 1 phân chuồng + 2 đất.
Nếu bạn sử dụng loại đất thịt pha cát thì tỷ lệ tro trấu được sử dụng sẽ ít đi. Hỗn hợp đất cần đảm bảo mịn, xốp để cây có khả năng nảy mầm cao hơn.
Thời gian nuôi cây cà tím con trong bầu thường là 15 – 20 ngày, sau đó có thể đem gieo trồng ra môi trường bên ngoài.
Khoảng cách và mật độ trồng
Thông thường khoảng cách và mật độ trồng cây cà tím sẽ phụ thuộc vào vụ mùa. Cụ thể:
Trồng cây vào mùa mưa: mỗi hàng cây cách nhau từ 1 – 1,2m, mỗi cây cách nhau khoảng 70cm. Tính ra, mỗi 1000m2 có thể trồng từ 1.200 – 1.400 cây.
Trồng cây vào mùa nắng: Mỗi hàng đôi cách nhau 1,2m, hàng cách hàng của hàng hàng đôi là khoảng 50cm, mỗi cây cách nhau 70cm. vậy, mật độ trồng cây lúc này khoảng 1.600 cây/1000m2.
Cách trồng
Bạn cần phun một lượt thuốc phòng trừ sâu bệnh, nấm lên cây con trước khi đem gieo trồng ở môi trường bên ngoài. Thời gian trồng cây cà tím thích hợp nhất là vào chiều mát.
Sau khi đào hố trồng có kích thước phù hợp với bầu đất, bạn đặt cây con xuống bên dưới sao cho bầu đất ngang bằng với mặt líp. Tránh trường hợp đặt bầu đất quá sâu vì có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. Tuy nhiên nếu đặt bầu đất quá nông thì bộ rễ khó đâm sâu xuống đất nên cây dễ bị lung lay và chết do không nhận được dinh dưỡng.
Sau khi trồng cây cà tím khoảng 3 ngày, với những cây con bị chết, bà con có thể nhỏ đi và dặm lại cây khác. Bà con cần rà soát kỹ để đảm bảo mật độ cây trồng với diện tích vườn.
Tưới nước
Nhu cầu nước của cây cà tím sẽ còn phụ thuộc vào thời vụ, cách tưới, dạng đất. Số lần tưới cây cà tím trong tuần sẽ được sắp xếp cách hợp lý nhất để cây luôn giữ được độ ẩm tối ưu.
Thông thường những cách tưới cà tím được áp dụng phổ biến để giữ độ ẩm đất phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của cây là: Tưới phun mưa, tưới thấm, tưới bằng thùng búp sen…
Kỹ thuật bón phân trồng cà tím
Tùy vào tình trạng đất trồng cây cà tím và giai đoạn phát triển là lượng phân bón cung cấp có thể khác nhau. Thông thường với 1hecta cây cà tím sẽ sử dụng lượng phân bón như sau:
Supe lân/lân vi sinh: 300 – 500 kg
NPK: 600 – 800 kg
Urê: 200 kg
Phân chuồng: 20 – 30 tấn
Kali: 250 kg
- Bón lót cho cây cà tím
Bà con sử dụng toàn bộ lượng phân chuồng và phân lân, cùng với 50Kg phân Kali, 200Kg phân NPK.
- Bón thúc cho cây cà tím
Bà con sử dụng toàn bộ lượng phân còn lại chia thành 4 – 6 lần bón. Phân bón nên được vùi vào đất dưới gốc cây để tránh tình trạng phân bị rửa trôi bốc hơi.
Lưu ý: Giữa những lần bón thức và trong giai đoạn thu hoạch bà con có thể kết hợp sử dụng thêm phân bón lá.
Phòng trừ sâu bệnh khi trồng cà tím
Cây cà tím dễ gặp phải những loại sâu bệnh như:
Tuyến trùng, sâu đất: bà con có thể ưu tiên xử lý đất trước khi trồng cây cà tím với thuốc Basudin 10H.
Nhóm côn trùng chích hút như nhện, rầy xanh, bọ trĩ: Loại thuốc sử dụng là Actara, nên sử dụng theo nồng độ khuyến cáo.
Sâu xanh: Loại thuốc cần sử dụng để loại bỏ mầm bệnh là Karate. Thuốc phát huy công dụng hiệu quả nhất khi phun vào thời điểm sâu còn nhỏ.
Sâu vẽ bùa: Những loại thuốc có thể sử dụng là Triggard, SK99, Dragon, Pyrinex, Ofunack. Thời điểm phun thuốc thích hợp nhất là vào sáng sớm.
Bệnh chết cây: Bà con có thể sử dụng những loại thuốc như: Vanicide, Hexin, Luster, Coc 85, Topsin, Polygam.
Bệnh phấn trắng: Loại thuốc sử dụng để loại bỏ mầm bệnh này trên cây cà tím là: Thio-M, Dipomate, Dithane – M45, Derosal, Polygam, Kumulus, Topsin, Sulox.
Thu hoạch cây cà tím
Cà tím tính từ thời điểm gieo xuống đất, nếu chăm sóc đúng tiêu chuẩn thì sau 60 ngày có thể thu hoạch. Thông thường từ 3 – 4 ngày sẽ thu một đợt, trong quá trình thu hoạch bà con nên kết hợp loại bỏ những quả bị sâu.
Nội dung bài viết kỹ thuật trồng cà tím này chính là những gì chúng tôi muốn chia sẻ đến bà con. Bà con nông dân có thể lưu lại và áp dụng vào thực tế, chúc bà con thành công. Cảm ơn bà con đã quan tâm theo dõi bài viết.