Mô hình chăn nuôi bò hướng thịt (chăn nuôi bò thịt) trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hiệu quả bền vững, những năm gần đây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân dần ổn định cuộc sống.
Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận vừa tổ chức tham quan, hội thảo đầu chuồng mô hình chăn nuôi bò hướng thịt cho 40 hộ chăn nuôi tại xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Tháng 8/2018, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” đã được Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận chủ trì triển khai. Vừa qua Trung tâm đã tổ chức buổi hội thảo tại hộ ông Trần Ngọc Tuân, thôn An Thạnh, xã An Hải nhằm đánh giá những kết quả sơ bộ mà mô hình đã mang lại. Từ đó có cơ sở để các hộ dân nhân rộng mô hình và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi của gia đình giúp phát triển kinh tế.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số”
Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” thực hiện tại xã An Hải với 3 mô hình:
- Mô hình nuôi bò thuần hướng thịt (Bò cái Brahman), quy mô 10 con bò cái giống đã phối có chửa 10/10 bò cái có chửa, số bê sinh ra: 4 con.
- Mô hình nuôi bò lai hướng thịt (Bò cái lai Zebu), quy mô 2 bò đực giống, thụ tinh nhân tạo (TTNT) với các giống tinh Brahman, Angus. Đã phối giống trực tiếp được 51/80 con bò cái có chửa. Đã thụ tinh nhân tạo (TTNT) có chửa 90 con; tỷ lệ phối có chửa lần 1 đạt 86,1%, số bê sinh ra: 33 con, khối lượng sơ sinh bình quân 26kg/con.
- Mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ (VA06, Sả lá lớn) làm thức ăn cho bò, quy mô 2 ha. Cỏ sinh trưởng, phát triển tốt, đã cắt lứa 4; ủ được 8,5 tấn thức ăn.
Sau khi nghe ông Đỗ Ngọc Sơn, Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông Ninh Phước báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện dự án, các hộ dân đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ nhiều kinh nghiệm tại buổi hội thảo.
Ông Trần Ngọc Tuân tham gia mô hình nuôi bò cái thuần cho biết: “Hiện tại bò cái của gia đình đã có chửa, sắp sinh bê con. Còn với đàn bò vỗ béo chỉ sau 6 tháng nuôi có thể cho xuất chuồng nhờ dự án hướng dẫn cách chế biến thức ăn nên bò lớn nhanh”.
Ông Huỳnh Ngọc Lợi, thôn Tuấn Tú cũng cho biết: “Gia đình TTNT cho bò cái lai và nhận thấy bê sinh ra to, khỏe, phàm ăn nên quyết định TTNT cho 7 con bò cái. Cả 7 con đều có chửa. Hiện tại bò đã sinh được 2 bê con”.
Với những kết quả dự án đạt được thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu nhằm cải thiện tầm vóc, thể trọng, nâng cao chất lượng đàn bò của địa phương. Từ đó giúp cho các hộ chăn nuôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nguồn:https://nongnghiep.vn/