Cá bống bớp là loài có chất lượng thịt thơm ngon, không những được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu sống sang như Trung Quốc, Hồng Kông,…Mô hình nuôi cá bống bớp muốn đạt sản lượng cao thì cần đầu tư rất nhiều yếu tố. Nội dung bài viết hôm nay sẽ giúp bà con biết rõ hơn về kỹ thuật nuôi cá bống bớp thương phẩm. Mời bà con cùng dành chút thời gian theo dõi bài viết.
Chuẩn bị ao nuôi
Nơi có giao thông và địa hình thuận tiện, có điện sinh hoạt, có chất đáy là cát bùn hoặc bùn cát. Ao nuôi cá bống bớp tốt nhất là những vùng triều nước lợ, ở trong và ngoài đê, độ mặn từ 5 – 25‰, có nguồn nước cấp chủ động.
Ao nuôi có diện tích từ 500 – 5.000 m2 là thích hợp, có hình vuông, hình chữ nhật. Độ sâu của ao từ 1,2 – 1,5 m. Nền đáy có thể thiết kế mương rộng 1,5 – 2 m, sâu 30 – 40 cm. Ao có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Đáy ao bằng phẳng, hơi nghiêng về phía cống thoát. Ao nuôi có thể bố trí 1 – 2 dàn quạt nước, ở các vị trí đối diện nhau.
Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, nếu bờ rò rỉ có thể khắc phục bằng cách đào rãnh giữa bờ, độ sâu của rãnh thấp hơn độ sâu của đáy ao 50 cm, rãnh được lót bạt ni lông, giữa đổ cát. Với những vùng đất khó giữ nước, đáy ao cần lót bạt, sau đó đổ lớp cát dày khoảng 15 – 20 cm.
Ao nuôi cá bống bớp cần có ao dự phòng đề phòng khi môi trường thay đổi hay cá bị bệnh cần chuyển sang ao dự phòng để xử lý cá và diệt trùng, cải tạo ao nuôi cũ.
Trước khi thả nuôi khoảng 2 tuần, cần tháo cạn nước, lấp hết các lỗ hổng ở chân bờ và bờ, làm sạch cỏ dại. Ao nuôi được vét bớt bùn đáy, tu sửa bờ ao, cống ao. Dùng bạt lót quanh bờ ao tránh tình trạng cá đào hang xuyên bờ đi mất. Tiến hành cày bừa, trang phẳng đáy ao. Bón vôi với liều lượng 5 – 7 kg/100 m2, phơi đáy 3 – 5 ngày, sau đó ngâm nước 2 – 3 ngày rồi bơm nước ra. Lấy nước vào ao đến khi đạt mức 1,2 m, sau 3 ngày toàn bộ trứng cá tạp nở hết, tiến hành diệt tạp bằng saponin, liều lượng 5 – 10 kg/1.000 m2, sau đó vớt xác cá chết ra khỏi ao.
Gây màu nước trong ao bằng cách bón 3 – 5 kg urê và 5 – 7 kg lân/1.000 m2. Khi thấy ao lên màu xanh nhạt hoặc vàng nâu, độ trong đạt 40 – 50 cm thì tiến hành thả giống. Môi trường ao nuôi thích hợp khi thả cá là pH 7,5 – 8,5; độ mặn 10 – 15‰, độ sâu mực nước 1,2 – 1,5 m.
Chọn và thả giống
Chọn giống khỏe mạnh, không dị hình, không có dấu hiệu mắc bệnh, bơi lội linh hoạt, phản xạ nhanh; có kích thước đồng đều, cỡ giống khoảng 6 – 8 cm, mật độ thả 10 – 12 con/m2 tùy vào điều kiện đầu tư, chăm sóc. Thời gian thả giống vụ 1 vào khoảng tháng 3, tháng 4; vụ 2 vào tháng 7 đến tháng 8 trong năm. Trước khi thả tắm cá bằng nước ngọt hoặc fomaline, nồng độ 20 ppm trong 10 – 15 phút. Trong quá trình tắm cần quan sát và cung cấp đủ ôxy, nếu cá có biểu hiện sốc cần giảm nồng độ thuốc hoặc rút ngắn thời gian tắm cá. Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Chăm sóc, quản lý
Sử dụng thức ăn viên dạng chìm, loại chuyên dùng cho nuôi cá nước lợ, mặn có hàm lượng đạm trên 40%, hàm lượng lipid 10%, kích thước 1 – 1,5 mm không sử dụng thức ăn kém chất lượng, thức ăn bị ẩm mốc. Cho cá ăn 2 lần/ngày vào 7 – 8 giờ sáng và 17 – 18 giờ chiều, với khẩu phần 10 – 15% trọng lượng thân, sau đó giảm dần đến khi gần thu hoạch còn 2 – 2,5% trọng lượng thân.
Sử dụng sàng ăn bằng khung nhựa hoặc tre, gỗ để cho cá ăn. Cho cá ăn ngày 2 lần. Vào những ngày nhiệt độ nước dưới 200C hoặc trên 370C giảm lượng thức ăn hoặc cho cá nhịn ăn. Cần quan sát khả năng bắt mồi của cá và lượng thức ăn thừa trong sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn một cách thích hợp nhất.
Định kỳ thay nước 2 lần/tháng, mỗi lần từ 10 – 20% lượng nước ao nuôi. Định kỳ sử dụng men vi sinh hoặc chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước ao nuôi.
Từ tháng nuôi thứ 2 cần quạt nước hoặc sục khí để tăng hàm lượng ôxy hòa tan. Thời gian quạt nước khoảng 5 – 8 giờ/ngày vào khoảng 23 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Vào những ngày thời tiết thay đổi, bất thường hay những thời điểm nắng nóng kéo dài cần tăng cường thời gian chạy quạt nước.
Định kỳ bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng, chống sốc cho cá nuôi, đặc biệt vào những thời điểm trước khi giao mùa hay trước những đợt nắng nóng.
Kiểm tra tốc độ tăng trưởng và tình hình bệnh cá để có chế độ điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và biện pháp xử lý bệnh kịp thời.
Sau 6 tháng cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể tiến hành thu tỉa hoặc thu toàn bộ.
Một số bệnh thường gặp
Bệnh đóng dấu (lở loét)
Bệnh thường xảy ra vào các tháng giao mùa cuối thu đầu đông và cuối xuân hè là phổ biến. Trên thân cá xuất hiện các vết loét hình tròn viền đỏ hoặc viền trắng xung quanh. Cá bị bệnh kém ăn và lây lan rất nhanh nhất là những ao nuôi bị ô nhiễm và thả cá với mật độ cao.
Phòng bệnh: Định kỳ thay nước cho cá. Nếu sử dụng thức ăn tươi sống cần khử trùng bằng thuốc tím tránh cá bị lây nhiễm bệnh qua thức ăn. Dùng tỏi xay nhuyễn trộn cùng với thức ăn cộng thêm chất kết dính như bột mỳ, bột sắn… cho ăn dùng 200 g tỏi cho 100 kg cá dùng liên tục trong 3 ngày liền. Định kỳ hàng tháng dùng Tiên Đắc 1 với liều lượng 25 g/100 kg cá/ngày. Trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong 3 ngày.
Trị bệnh: Tát cạn ao, loại bỏ cá đã bị bệnh lở loét ra. Ngoài ra, tiến hành khử trùng lại đáy ao sau đó tắm thuốc tím với lượng 30 g/m3 trong 5 – 7 phút.
Dùng Tiên Đắc 1 với liều lượng 50 g/100 kg cá/ngày. Trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong vòng 1 tuần
Bệnh chướng hơi
Bệnh xuất hiện vào mùa hè khi thời tiết biến động bất thường, cá bị bệnh trướng bụng to, bơi lội kém, mất thăng bằng. Cách phòng, trị bệnh tương tự như bệnh lở loét, hoặc có thể sử dụng kháng sinh Flumequin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bệnh phỏng rạ
Bệnh xuất hiện quanh năm trên thân cá, xuất hiện các vết màu trắng và phổng rộp lên. Bệnh có thể tự khỏi khi môi trường thay đổi. Nguyên nhân gây bệnh do môi trường khắc nghiệt như mưa hoặc nắng kéo dài.
Phòng bệnh: Tiến hành thay nước định kỳ, quản lý tốt chất lượng nước và màu nước trong ao nuôi, nhất là khi có sự biến động của các yếu tố môi trường.
Trị bệnh: Thay nước cho ao nuôi với lượng trên 50% cá sẽ tự khỏi.
Bệnh rận cá
Khi bị bệnh trên thân cá xuất hiện rận bám vào da hút chất dinh dưỡng làm cá chậm lớn hoặc trùng mỏ neo ký sinh vào miệng, mang, mô miền hút máu làm cá chậm lớn.
Trị bệnh: Dùng Diprex phun xuống ao với liều lượng 200 – 400 g/1.000 m3, sau 3 ngày lặp lại và trùng mỏ neo sẽ chết hết.
Trên đây là thông tin liên quan đến kỹ thuật nuôi cá bống bớp mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bà con. Mong rằng nội dung bài viết này sẽ giúp bà con có thêm kinh nghiệm để triển khai mô hình nuôi cá bống bớp của chính mình.