Nuôi trồng thủy sản đang ngày càng được “săn đón” và phát triển bởi những nhà nông Việt nhờ thị trường thủy, hải sản đang đi lên đầy hứa hẹn cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiểu biết sai lệch phổ biến về nuôi trồng thủy sản khiến nhiều người phải thất vọng với năng suất không cao và lợi nhuận thấp. Vậy hôm nay hãy cùng tìm hiểu về những sai lầm cần tránh và mẹo nhỏ cần lưu ý để tay nghề “vỗ béo” vật nuôi được nâng cao nhé!
Không thẩm định trước chất lượng nguồn nước
Mỗi một loài lại có một yêu cầu riêng về môi trường nước nuôi thả. Một số nguồn nước dễ bị ô nhiễm từ những lần chăn nuôi trước đó, nếu người chăn nuôi chủ quan không vệ sinh, sát khuẩn và thực hiện các khâu đảm bảo an toàn vệ sinh trước cho “ngôi nhà” của những vật nuôi thủy sản thì sẽ dẫn đến việc lứa nuôi thả tiếp theo có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra cũng cần cân nhắc lựa chọn địa điểm chăn nuôi phù hợp để làm nền móng bền vững cho các công đoạn tiếp theo, ví dụ đất phải có hơn 20% hàm lượng đất sét để có thể xây nền vững, đảm bảo hệ thống truyền nước; hoặc nên tránh những nơi gần nhà máy, chợ thủy, hải sản để phòng tránh những mầm bệnh nguy hiểm.
Chọn con giống không đạt yêu cầu
Bên cạnh việc chọn được nơi nuôi thả lý tưởng thì người chăn nuôi cũng cần xem xét kĩ lưỡng và chọn được con giống tốt để đảm bảo chất lượng đàn thủy sản mới. Con giống không chỉ phải mang các đặc điểm thể hiện sự khỏe mạnh đối với từng loài tương ứng mà còn đáp ứng các tiêu chí đảm bảo năng suất sinh sản và năng lực thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Các loài thủy sản, đặc biệt là cá và tôm, là những loài khó quan sát các đặc điểm hình thể để đánh giá chất lượng và dễ bị nhầm với con con, vì thế nên nhiều người chăn nuôi mắc sai lầm là chọn giống không đạt yêu cầu, không khỏe mạnh, dễ mắc bệnh và mang sẵn mầm bệnh tiềm ẩn đe dọa.
Ngược lại, một số người chăn nuôi lại đánh giá quá cao con giống sau khi đã bỏ công chọn được giống tốt đáp ứng đủ yêu cầu. Việc nuôi trồng thủy sản dựa trên nhiều yếu tố bên cạnh việc chọn con giống, một đàn giống tốt mà không được đảm bảo về nguồn nước, nguồn thức ăn hoặc không được áp dụng đúng kĩ thuật chăn nuôi thì cũng sẽ không cho ra năng suất cao như mong đợi.
Mật độ nuôi quá dày đặc để tiết kiệm diện tích nuôi trồng
Mỗi loài đều có một mật độ nuôi trồng tiêu chuẩn riêng để người chăn nuôi lưu ý áp dụng, và dưới bất kì trường hợp nào thì việc nuôi trồng thủy sản với mật độ quá dày so với mức độ trung bình mà không đảm bảo kĩ thuật sẽ dẫn đến sự thiếu hụt không gian phát triển và lượng không khí cần thiết, không chỉ làm giảm tốc độ phát triển của vật nuôi mà còn tăng cao tỉ lệ lây truyền dịch bệnh và tỉ lệ chết hàng loạt.
Ví dụ đối với loài tôm sú thì mật độ nuôi lý tưởng là 15-20 con trên một m2 để đảm bảo phân chia đủ lượng thức ăn và phát triển tối đa chất lượng con giống.
Không áp dụng đúng kĩ thuật và coi nhẹ các quy trình
Nhiều người chăn nuôi là các hộ gia đình kinh doanh và nuôi trồng thủy sản với quy mô nhỏ để kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn thường xem nhẹ kĩ thuật nuôi trồng thủy sản và không áp dụng đúng.
Kĩ thuật nuôi trồng thủy sản đúng quy trình và đảm bảo các bước sẽ phòng tránh tối đa nhất các tác động xấu từ môi trường và tạo nên một vùng đất sinh sống lí tưởng cho vật nuôi, có một nền tảng kiến thức kĩ thuật vững sẽ giúp người chăn nuôi hiểu biết không bị bối rối trước một số vấn đề có thể phát sinh như mất cân bằng pH, nhiễm mặn, thiếu oxi,… Mỗi người nuôi trồng thủy sản hãy nên kiên nhẫn áp dụng các kinh nghiệm tích lũy được và thực hiện đúng các quy trình để bảo vệ đàn thủy sản của mình.
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Kháng sinh được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản để ngăn ngừa vi khuẩn, thị trường thuốc kháng sinh cho vật nuôi thủy sản ở Việt Nam đang ngày càng đa dạng hơn về số lượng cũng như mặt hàng thuốc kháng sinh, nhiều người tiêu dùng chủ quan đã làm gia tăng mức lạm dụng sản phẩm này trong việc nuôi trồng thủy sản.
Thuốc kháng sinh chỉ được chỉ định khuyên dùng như là biện pháp cuối cùng khi đã không còn cách nào đẩy lùi được vi khuẩn gây bệnh, bởi thuốc kháng sinh có thể làm mất cân bằng hệ thống cấu tạo sinh học tự nhiên của các loài và dẫn dến nhiều hệ lụy ở các lứa chăn nuôi sau đó.
Lượng thuốc kháng sinh không thể tiêu hóa hết còn thừa trong thủy sản đem bán đến tay người tiêu dùng tuy không đáng kể nhưng vẫn đủ để ảnh hưởng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, hơn nữa có thể khiến cơ thể con người sinh ra kháng thể với thuốc liều nhỏ và mất khả năng kháng sinh với vi khuẩn đó. Ngoài ra, nhiều trường hợp nguồn nước và ao, hồ… nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm vì bị thừa quá nhiều thuốc kháng sinh.
Dùng quá liều vôi
Người nuôi trồng thủy sản thường dùng vôi để vệ sinh nguồn nước, đảm bảo một môi trường tốt cho vật nuôi phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải lưu ý không dùng vôi quá nhiều, quá thường xuyên hoặc vôi kém chất lượng để tránh hiện tượng oxi trong nước khó lưu thông, tôm chậm phát triển và cản trở các hợp chất thải độc, khử trùng nguồn nước.
Không xây dựng chế độ dinh dưỡng, ăn uống phù hợp cho vật nuôi
Đa số các người nuôi trồng thủy sản đều tận dụng các thức ăn thừa, tạp nham và sản phẩm rẻ tiền mà chất lượng không đảm bảo, mà không biết rằng đó có thể là nguyên nhân khiến vật nuôi phát triển kém, bị nhiễm bệnh và làm ô nhiễm nguồn nước.
Chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi thủy sản vô cùng quan trọng, kể cả là đối với động vật có kích thước nhỏ như tôm, người nuôi trồng thủy sản cần chú ý phối hợp các nhóm dinh dưỡng để đưa ra thực đơn hợp lý. Bên cạnh đó, hãy kết hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, bổ sung các khoáng chất trong quá trình cho ăn, như vậy sẽ giúp vật nuôi hấp thu tốt hơn.
Trên đây là những sai lầm cần tránh và mẹo khắc phục trong nuôi trồng thủy hải sản. Mong những người bạn nhà nông đã có thể bỏ túi cho riêng mình những kiến thức hữu ích để có thể nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh năng suất và thu được nhiều lợi nhuận nhé!