Việt Nam được biết đến với nhiều loại rượu truyền thống tuyệt hảo, men say đậm đà có thể chinh phục được bất cứ người sành rượu nào. Một trong số đó không thể không kể đến rượu Sán Lùng truyền thống trứ danh đến từ xứ sở sương mù Sapa khiến ai từng nếm qua một lần cũng đều đắm say, ngây ngất. Độc lạ trong cả cái tên lẫn hương vị, mùi thơm, đây thực sự là mĩ tửu của núi rừng Tây Bắc!
Giới thiệu đôi nét về rượu Sán Lùng truyền thống
Là thứ mĩ tửu truyền thống đặc sản, rượu Sán Lùng đã làm nức lòng và gắn kết bao con người dù thân quen hay lạ lẫm về thăm đồng bào dân tộc Dao ở thôn Sán Lùng, thị trấn Bản Xèo, huyện Bát Xát. Cùng với rượu ngô Bắc Hà, rượu táo mèo,… loại rượu trứ danh này của xứ sở sương mù Sapa được rất nhiều người sành rượu yêu thích, đắm say.
Nguồn gốc của rượu Sán Lùng truyền thống được người Dao kể lại vô cùng bí hiểm, huyền ảo. Sán Lùng dịch theo tiếng của dân tộc này có nghĩa là tam long – ba con rồng. Truyền thuyết kể rằng người dân bản hàng trăm năm trước trồng lúa ở trên một ngọn núi. Lúa mùa nào cũng trĩu nặng hạt, thơm hương khắp núi rừng, nước từ khe núi chảy ra có vị ngọt và thơm đến lạ.
Từ đó, người dân Dao đỏ nghĩ ra phương pháp nấu rượu truyền thống từ những hạt thóc ấy và nước suối tinh khiết để tạo ra một loại rượu có mùi thơm cùng vị đặc trưng không rượu vùng nào có thể sánh được – rượu Sán Lùng truyền thống.
Từng giọt rượu tinh túy được chưng cất công phu
Rượu Sán Lùng truyền thống có quá trình chưng cất, chế biến vô cùng công phu, đòi hỏi ở người nấu rượu một sự tâm huyết, tỉ mỉ, khéo léo. Từ công đoạn đầu tiên là chọn lựa những hạt gạo trên nương đã đủ để thấy được điều đó. Lúa phải được thu hoạch ngay khi phôi sữa bắt đầu vào trạng thái đặc khô, không quá sớm cũng không quá muộn, phải canh đúng thời điểm. Sau đó, thóc được xay xát, loại bỏ lớp trấu bên ngoài, giữ lại hạt gạo to tròn, mẩy trắng.
Ngoài gạo nương thì nguyên liệu men lá thuốc bắc gia truyền của người Dao đỏ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến hương vị rượu Sán Lùng. Để có men lá tốt nhất, người ta phải nghiền gạo nếp thơm cùng với 15 loại lá trên rừng khác có tác dụng chống lạnh, trừ cảm, giảm đau nhức,… Bên cạnh đó, rượu sẽ có hương vị ngon chuẩn khi được nấu từ thứ nước suối Pò Sèn tại đây.
Gạo nương sau khi được xay xát thì đem đi rửa sạch rồi cho vào nấu như bình thường trong một chiếc chảo gang to trong khoảng 3-4 tiếng. Lúc này những hạt gạo chín sẽ nở ra, bung đều, trắng xóa. Người ta sẽ tiến hành đổ cơm ra mâm, khay hay một mặt phẳng sạch bất kỳ, dàn đều.
Khi cơm đã nguội bớt, vẫn còn hơi âm ấm thì cho men lá thuốc bắc đã giã bột mịn vào trộn đều theo tỉ lệ tiêu chuẩn. Hỗn hợp cơm và men lá được cho vào thúng để ủ, lưu ý lót lá chuối dưới thúng và phủ cả bên trên.
Sau 2 đêm, khi men lá đã làm cả mẹt cơm rượu bốc hơi khói thì sẽ chuyển sang thùng để ủ tiếp. Thời gian ủ có thể từ 4 – 6 ngày tùy thuộc vào thời tiết nóng hay lạnh. Khi ủ xong, người ta cho men vào nồi cách thủy để chưng cất thành giọt rượu. Công đoạn này không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật công phu nhưng cần kiên nhẫn, cẩn thận, đặc biệt phải canh lửa thật đều không quá to cũng không quá nhỏ.
Hương vị say đắm của mĩ tửu Tây Bắc – rượu Sán Lùng truyền thống
Rượu San Lùng là loại rượu đặc sản truyền thống có một không hai với mùi thơm lạ của lá rừng và vị đậm đà của cơm khô. Nhiều người khi thưởng thức đã không thể cầm lòng mà thốt lên rằng Sán Lùng chính là thứ mĩ tửu mà đất trời ban tặng cho núi rừng Tây Bắc.
Nó khiến cho những người đã nhấm nháp thử một lần phải say đắm, ngất ngây! Những giọt rượu tinh túy được chưng cất công phu thơm ngon, đậm đà không chỉ mang ý nghĩa ẩm thực mà còn là nét văn hóa tâm linh đặc trưng của người dân tộc Dao đỏ ở Sapa. Rượu Sán Lùng thường chỉ được dùng vào những dịp quan trọng như cúng giỗ tổ tiên, lễ hội, giỗ chạp,… kết hôn và biếu tặng bạn bè thân thiết.
Xem thêm: