Thanh long là một trong những loại trái cây phổ biến ở nước ta, được bán rất nhiều ngoài thị trường. Quan trọng hơn, loại quả này còn đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam. Thanh long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, nhiều tỉnh thành miền tây cho năng suất, chất lượng rất cao. Do đó, bài viết dưới đây hãy cùng bỏ túi kỹ thuật trồng thanh long của bà con tại những vùng miền này nhé.
-
Làm đất, chọn thời vụ trồng thanh long
Có thể bạn chưa biết, các vùng đất thuộc các tỉnh thành như Bình Thuận, Vũng Tàu, Long An,… hầu như là đất cao. Không chỉ thế, đất ở đây còn là đất xám bạc màu, đất pha cát hay đất dốc dễ xói mòn. Vì thế, canh tác đất là bước không thể thiếu để tạo ra môi trường giàu dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển.
Các bước làm đất diễn ra như sau:
- Làm sạch cỏ dại, cày bừa kỹ, rắc vôi phơi ải để xử lý mầm bệnh có trong đất
- Chuẩn bị các cọc để đào lỗ, cắm xuống đất
- Đào âm quanh các trụ đã cắm, độ sâu từ 10 – 20cm, đường kính 1,2 – 1,5m, bón lót bằng phân chuồng hoai mục rồi phủ một lớp đất lên trên
- Ở các vùng đất thấp, cần chủ động lên liếp (mô) trước khi xuống hom giống, liếp cần cách mặt ruộng khoảng 40cm để tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa
Thời vụ thích hợp nhất để trồng thanh long trong năm là khoảng tháng 10 đến tháng 11 dương lịch. Nếu là vùng miền có mùa khô hạn kéo dài, thiếu đi nguồn nước thì nên trồng vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa khoảng tháng 5 – 6 dương lịch.
-
Thiết kế trụ trồng thanh long, chọn hom giống
Thiết kế trụ trồng thanh long
Trước đây, trụ trồng thanh long rất phổ biến có thể dùng trụ bằng gỗ, bằng gạch hay xi măng cốt thép. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, trụ trồng thanh long bằng xi măng cốt thép đang được khuyến khích sử dụng hơn.
Kích thước tiêu chuẩn của các trụ và cách thiết kế có thể tham khảo cụ thể như sau:
- Cạnh vuông từ 12 – 15cm
- Chiều cao mỗi trụ từ 1,6 – 2m
- Chôn trụ sâu xuống đất khoảng 40 – 50cm tùy thuộc vào đặc điểm của đất trồng
- Chiều cao tình từ mặt đất đến đỉnh của trụ từ 1,2 – 1,5m vừa tầm với của người trồng
- Phía trên của trụ thiết kế 2 – 4 thanh sắt đưa ra ngoài 20 – 25cm, bẻ cong 4 hướng để làm giá đỡ cho cây thanh long khi đã trưởng thành
Chọn hom giống
Chọn các cành thanh long làm hom giống đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Tuổi trung bình từ 1 – 2 năm trở lên
- Chiều dài tốt nhất là khoảng 50 – 70cm
- Hom mập mạp, khỏe mạnh, có màu xanh đậm, các mắt mang chùm gai phải phát triển tốt , mẩy, tăng tỷ lệ nảy mầm chồi mới
- Hom giống phải không có khuyết tật, không sâu bệnh
- Đặt hom giống nơi thoáng mát trên nền đất, đợi khoảng 10 – 15 ngày hom bắt đầu ra rễ mới đem đi trồng
Mật độ và khoảng cách xuống hom giống
- Mật độ trồng thanh long: 900 – 1100 trụ cho mỗi ha
- Khoảng cách: cây cách cây từ 3 – 3,5m, hàng cách hàng 3 – 3,5m
-
Cách trồng
Sau khi đã có hom giống đạt chất lượng, nhà vườn sẽ tiến hành xuống hom giống theo các bước:
- Đặt 4 hom quanh 4 hướng của trụ vuông, lưu ý đặt cao hơn mặt đất khoảng 0,5cm để tránh tình trạng thối gốc
- Áp sát mặt phẳng của hom vào mặt phẳng của trụ, dùng dây nilon hay dây vải buộc nhẹ hom vào trụ để cố định hom
- Tưới nhẹ ngay sau khi cố định hom, dùng rơm hay cỏ khô phủ quanh để giữ ẩm
-
Kỹ thuật chăm sóc cây thanh long theo từng giai đoạn phát triển
Tưới nước
Thanh long chịu hạn tốt nhưng thiếu nước cũng dẫn đến giảm sút về sản lượng. Do đó, hãy ghi nhớ một số biểu hiện thiếu nước của cây để tiếp ứng nước kịp thời:
- Cành mới ra ít và chậm phát triển
- Cành teo lại, chuyển vàng
- Đợt hoa đầu có tỷ lệ rụng hoa cao lên đến 80%
- Quả nhỏ
Duy trì mức độ tưới nước 3 – 7 ngày/ lần để giữ ẩm cho cây trồng phát triển tốt nhất.
Bón phân
Ngoài bón lót trước khi xuống hom giống, nhà vườn nên tiến hành bón thúc cho thanh long theo từng đợt:
- Bón ure theo dạng hòa tan, phun lên thân cành thúc cành nhanh phát triển vào năm đầu
- Các năm sau chỉ cần hòa tan ure tưới nhẹ quanh gốc
Các bạn cũng có thể tham khảo thêm cách bón phân cho vườn thanh long kinh doanh hay dùng đèn thắp sáng. Đừng quên chủ động theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại cây để không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sau này.
Thu hoạch
Sau năm trồng đầu tiên nếu chăm sóc tốt, thanh long sẽ bắt đầu cho trái bói. Các năm thứ 2, 3, 4 cây sẽ cho năng suất cao và ổn định. Người nông dân nên thu hái sau khi thấy trái chuyển từ xanh sang đỏ được khoảng 3 ngày, dùng liềm hay dao để cắt.
Bằng những kinh nghiệm từ thực tiễn của bà con các vùng chuyên trồng thanh long, hi vọng các nhà vườn trồng thanh long sẽ học hỏi và đạt được mùa vụ bội thu.