Từ giữa tháng 10, giá tôm sú, tôm thẻ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhích lên, giúp bà con phấn khởi khi tái đầu tư. Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đông lạnh của các nước nhập khẩu sẽ tăng cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến tôm gia tăng sản lượng xuất khẩu, cũng như cơ hội cho giá tôm tăng mạnh trở lại.
Xuất khẩu tôm vẫn chưa có gam màu sáng
Thông thường dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đông lạnh của các nước nhập khẩu sẽ tăng cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến tôm gia tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình năm nay lại khá ảm đạm, đặc biệt với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xuất khẩu hơn 70.000 tấn tôm đông lạnh, mang về 700 triệu USD, chủ yếu sang các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, EU. Theo ngành Công Thương, con số này chưa như kỳ vọng.
“Sản lượng xuất khẩu so với năm 2022 có tăng nhưng so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng này không cao, dù chỉ tiêu đưa ra là khoảng 1 tỷ USD. Mặc dù chúng ta phấn đấu quyết liệt nhưng khả năng đạt được rất khó”, ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10, con tôm chỉ mang về 318 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ.
Hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra, như: sự cạnh tranh khá khốc liệt về giá bán từ Ecuador và Ấn Độ; giá nguyên vật liệu đầu vào cao; giá logistics không ổn định; doanh nghiệp mất cân đối vốn; khó tiếp cận nguồn vốn vay; rào cản thương mại, kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
“Các đơn hàng thu mua tôm từ Việt Nam bị đình trệ, nói cách khác kinh tế khó khăn, dân ở các quốc gia hạn chế tiêu thụ”, ông Tô Minh Đương cho biết thêm.
Thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Bạc Liêu đã phải tạm ngưng một phần hoạt động sản xuất và chờ đợi tín hiệu khả quan của thị trường cuối năm. Tuy nhiên, càng chờ đợi sẽ khiến doanh nghiệp gánh thêm nhiều áp lực.
Niềm hy vọng cuối năm của người nuôi tôm
Sau thời gian dài ngưng sản xuất vì giá tôm rớt thê thảm, hện nay, người nuôi tôm bắt đầu cải tạo ao và thả giống để đón dịp tiêu thụ cuối năm. Tuy nhiên, bà con cũng không dám đầu tư lớn bởi lo ngại sẽ không có lời nếu giá tôm không tăng.
Những ao tôm đã thả giống được một tháng. Tôm phát triển tốt và thời tiết cũng tương đối thuận lợi. Vì vậy, bà con rất mong chờ một vụ nuôi cuối năm thành công, nhất là giá bán sẽ có chuyển biến tích cực.
“Năm nay đa số là bỏ nhiều, gần gần đây trúng mà không có giá, nản bỏ. Đợt này cố gắng thả xem Tết tôm có lên giá không”, ông Nguyễn Văn Hiền, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ.
Theo nông dân, dù giá tôm giảm kỷ lục trong nhiều tháng qua, nhưng giá vật tư đầu vào vẫn không giảm, thậm chí có một số mặt hàng còn tăng cao. Mặt khác do vốn không còn sau nhiều vụ lỗ, bà con phải chấp nhận nuôi tôm theo kiểu nợ vật tư nên giá đầu vào tiếp tục đội thêm.
Năm 2023, năng suất tôm được đánh giá là đạt cao so với mọi năm. Tuy nhiên, giá tôm lại xuống rất thấp và kéo dài 10 tháng qua khiến người nuôi tôm chật vật để tìm lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ dù sản xuất khá thành công.
Từ giữa tháng 10, giá tôm sú, tôm thẻ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nhích lên, giúp bà con phấn khởi khi tái đầu tư. Cụ thể, tôm thẻ tăng 10.000 – 15.000 đồng/kg; tôm sú tăng từ 20.000 – 30.000 đồng kg.
Theo đó, giá tôm thẻ loại 30 con/kg giá khoảng 140.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con có giá từ 125.000 – 130.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, bất ngờ giá tôm tăng mạnh trở lại trong những ngày qua là do thị trường tiêu dùng gia tăng, nhu cầu xuất đi các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc tăng vọt, trong khi nguồn cung hạn chế.