Xôi là một trong những món ăn quen thuộc trên mâm cơm mỗi gia đình Việt từ lâu đời. Tuy nhiên, xôi nếp cái hoa vàng lại là một cái tên khá lạ với hương vị thơm dẻo, ngon đặc biệt. Nhiều người sau khi thưởng thức thì lập tức muốn tìm hiểu ngay cách nấu món xôi này nhưng để có thể nấu thành những chõ xôi thơm lựng, ngon thật sự thì đòi hỏi người nấu phải có đôi bàn tay khéo léo cùng sự tỉ mỉ trong khâu chọn nguyên liệu. Hôm nay, hãy cùng Agri vào bếp để tự tay nấu món xôi đặc biệt này cho gia đình, bạn bè cùng thưởng thức nhé!
Công thức đặc biệt nấu xôi nếp cái hoa vàng ngon dẻo
Cách nấu xôi bằng nếp cái hoa vàng có gì khác biệt so với cách đồ xôi thông thường? Có lẽ đây cũng là điều khiến nhiều người thắc mắc vì khi có dịp thưởng thức xôi nếp cái hoa vàng, bao giờ cũng cảm nhận vị thơm dẻo, ngon lạ đặc trưng hơn so với những loại nếp khác. Liệu công thức chế biến món ăn này có gì đặc biệt? Hãy cùng Agri khám phá ngay sau đây!
Lựa chọn nguyên liệu nấu xôi
Trên thực tế, tất cả các loại gạo nếp đều có thể đồ xôi được nhưng không phải loại nào cũng ngon, dẻo thơm. Chẳng hạn các loại nếp cẩm, nếp Tú Lệ, nếp hương,… đều được người tiêu dùng đánh giá, xếp vào những loại nếp ngon, đặc sắc nhất nhưng chưa hẳn chúng khi đồ xôi lại có thể cho ra món xôi dẻo ngon bằng nếp cái hoa vàng.
Nếp cái hoa vàng là giống lúa đặc biệt chịu được thời tiết và những điều kiện khắc nghiệt nên được trồng nhiều ở đồng bằng và trung du miền núi Bắc Bộ. Người ta thường gieo mạ vào mùa vụ từ tháng 5, đến tháng 9 – tháng 10 thì bắt đầu gặt lúa, phơi nắng để lúa có độ khô tốt nhất.
Một trong những công đoạn quan trọng, quyết định trực tiếp đến độ ngon của xôi nếp cái hoa vàng chính là khâu chọn gạo. Theo kinh nghiệm của những người trồng, nếp cái hoa vàng chuẩn ngon phải có màu trắng hơi đục như sũa, hạt căng mẩy, bóng bẩy. Khi chọn còn phải lưu ý không nên chọn gạo quá cũ hay quá mới, tốt nhất là gạo vừa được thu hoạch tầm 3 tháng để giữ được mùi thơm đặc trưng của nó đồng thời làm cho món xôi trở nên hấp dẫn hơn. Đặc biệt là để đảm bảo sức khỏe khi thưởng thức.
Ngâm nếp
Khi đã xong khâu chọn nếp cái hoa vàng, chúng ta tiếp tục đến với công đoạn ngâm gạo. Nhiều người đã bỏ qua bước này, nấu nếp trực tiếp vì không có thời gian hay không muốn chờ đợi thêm. Tuy nhiên, để có được một mẻ xôi nếp cái hoa vàng ngon hơn, dẻo thơm hơn và không bị khô nhanh, chúng ta cần vo sạch gạo và ngâm trong khoảng 6-7 tiếng. Dù không có nhiều thời gian thì cũng nên ngâm ít nhất 1-2 tiếng trước khi nấu.
Bạn có thể cho một chút muối vào nước ngâm cùng gạo để giúp món xôi có hương vị đậm đà hơn. Lưu ý, chỉ ngâm tối đa 7-8 tiếng để xôi có thể giữ được mùi thơm cũng như không bị chua đi. Nếu thấy món xôi trắng quá đơn điệu, thiếu hấp dẫn thì bạn có thể kết hợp thêm với đỗ hoặc gấc như khi nấu xôi bình thường.
Quy trình nấu xôi
Khi đồ xôi, điều quan trọng nhất là bạn phải căn được lượng nước hợp lý để xôi không bị khô hoặc quá nhão. Nếu cho quá nhiều nước, chúng bốc hơi hoặc trào mạnh trong quá trình nấu làm cho xôi ở phía dưới bị nhão mà phần xôi phía trên lại sống. Đặc biệt, bạn đừng quên trùm thêm một chiếc khăn ẩm ở bên ngoài chõ xôi để giữ nhiệt ổn định đồng thời giúp xôi mềm dẻo hơn.
Trong quá trình nấu, bạn cũng nên để ý thi thoảng mở nắp ra để đảo cho xôi chín đều. Khi xôi chín, chúng ta đổ ra mâm hoặc bất kỳ vật nào có bề mặt phẳng, sạch sẽ rồi dùng đũa đảo cho tơi ra. Thưởng thức xôi nếp cái hoa vàng ngon nhất là khi ăn kèm với cốt dừa hay thêm hành, mỡ gà tùy theo ý thích bạn muốn ăn ngọt hay mặn.
Nếu bạn không có thời gian hay không được khéo léo thì hoàn toàn có thể nấu xôi với nồi cơm điện.
Bí quyết cho món xôi nếp cái hoa vàng ngon tuyệt hảo
Nhiều người thường có sở thích nấu nếp cái hoa vàng cùng nước cốt dừa, dừa nạo và bắp vàng để cho ra món xôi ngọt ngon lạ miệng, hấp dẫn. Khi nấu xôi cùng nước cốt dừa, hãy lưu ý đợi cho đến khi xôi chín tới rồi mới cho một ít nước cốt dừa vào, đảo đều tay cho xôi ngấm.
Nếu có bếp than, bạn hãy thử cách đồ xôi bằng bếp than để cho ra món xôi ngon nhất, dẻo nhất nhé!
Cách nấu xôi bằng nếp cái hoa vàng ngày càng được biến đổi trở nên cầu kỳ, phức tạp hơn để khiến hương vị trở nên ngon miệng, hấp dẫn. Nhưng dù là cách nào thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là giữ được mùi vị nguyên bản của nếp.
Xem thêm: