Trồng rau gia vị theo mô hình hiện đại

0
1991
Cách trồng rau gia vị
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Rau xanh, rau gia vị là nguồn thực phẩm quan trọng, món ăn trở nên hấp dẫn hơn khi có thêm rau gia vị. Agri sẽ giới thiệu cho bạn mô hình trồng rau an toàn hiện đại không chỉ phù hợp cho canh tác tập trung mà các hộ gia đình tại đô thị hoàn toàn có thể tận dụng được các diện tích nhỏ hẹp như sân thượng, lan can để trồng. Cùng Agri tìm hiểu cách trồng rau gia vị theo mô hình hiện đại này là gì nhé!

Quy trình và phương pháp thực hiện trồng rau gia vị

Các điều kiện sản xuất

Đất trồng: chọn loại đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát hoặc đất phù sa có độ pH từ 5-7, hàm lượng chất hữu cơ cao, có hệ thống tưới và thoát nước tốt. Đất phải được cày bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, bằng phẳng, sạch cỏ dại trước khi trồng. Ngoài ra, khu đất trồng phải xa nguồn nước thải, xa khu công nghiệp, bệnh viện, đường giao thông, khu dân cư đông đúc …

Phân bón: sử dụng các loại phân bón cho cây như: NPK, DAP, urê, super lân, clorua kali, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, các loại phân bón lá, phân bò ủ hoai…. Tuyệt đối không dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng chưa hoai bón cho rau.

Máy móc thiết bị

  • Dụng cụ làm đất: bao gồm các loại máy móc phục vụ làm đất như cuốc các loại, cào nhiều răng phục vụ san bằng mặt luống…
  • Dụng cụ gieo ươm cây con: khay gieo hạt, nylon làm bầu…
  • Thiết bị tưới: mô tơ, máy bơm nước, bình tưới ô doa, hệ thống tưới phun, bình phun thuốc…
  • Phương tiện vận chuyển: xe cải tiến vận chuyển sản phẩm, vật tư phân bón. Chú ý phải có phương tiện chuyên dùng, tránh gây ô nhiểm sản phẩm rau.

Điện nước, nguyên nhiên liệu: khi tưới cần chú ý tưới đủ ẩm và tưới nhẹ nhàng để tránh gây vết thương cho cây.

Giống và quản lý giống: chọn giống có tỷ lệ nảy mầm trên 90%, độ sạch trên 98%, ẩm độ hạt nhỏ hơn 10%, không có hiện tượng bị sâu mọt, phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu, cũng như với thị hiếu của thành phố.

Quy trình thực hiện

Cách trồng rau gia vị

Diếp cá (Dấp cá)

Thời vụ: diếp cá có thể trồng quanh năm, tốt nhất là đầu mùa mưa. Trồng bằng cách giâm cành. Có thể cắt sát gốc của bụi diếp cá hoặc nhổ cả bụi để làm giống trồng.

Làm đất: đất cần được cày bừa kỹ, nhuyễn, sạch cỏ, lên liếp rộng 1-1,2 m, cao 10-15 cm, chiều dài tùy kích thước vườn và trồng cây cách cây 30-50 cm.

Bón phân: bón lót cho 1 ha đất trước khi trồng khoảng 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100-150 kg super lân. Sau khi trồng 7-10 ngày, bón thúc phân urê pha loãng với nồng độ khoảng 1% cho cây định kỳ 10 ngày/lần (có thể thay thế bằng các loại phân khác).

Chăm sóc: tưới nước 2 lần/ngày và làm cỏ thường xuyên.

Thu hoạch: sau 1-1,5 tháng là có thể thu hoạch bằng cách cắt cả cây, chừa phần gốc 2-5 cm.

Phòng trừ sâu bệnh: các loại sâu bệnh thường gặp là sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ và bệnh thối gốc. Có thể dùng tay hoặc một số loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để giết sâu hại, kết hợp làm đất kỹ ở chỗ có ổ bệnh vụ trước, nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh nặng.

Húng cây (Bạc hà nam)

Thời vụ: húng cây có thể trồng quanh năm, tốt nhất là đầu mùa mưa.

Làm đất: đất cần được cày bừa kỹ, nhuyễn, sạch cỏ và lên liếp đất rộng 1-1,2 m, cao 10-15 cm, chiều dài tùy kích thước vườn.

Giâm cành: cắt khoảng 10-15 cm cành khỏe của những cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh. Sau đó giâm xuống đất khoảng 2/3 chiều dài của cành, cành cách cành 10-15 cm, hàng cách hàng 20 cm, uốn cong phần giâm dưới đất và tưới nước đủ ẩm cho cây mau ra rễ.

Bón phân: sau khi trồng khoảng 7 ngày thì bón thúc định kỳ phân Urê pha loãng (0,3–0,5%) bằng cách tưới hoặc sử dụng các loại phân khác.

Chăm sóc: tưới nước 2 lần/ngày (tùy theo thời tiết) và làm cỏ thường xuyên.

Thu hoạch: sau khi trồng 1 tháng là có thể thu hoạch đợt 1, đợt thu hoạch thứ 2 cách đợt thứ nhất 15-20 ngày. Mỗi chu kỳ sinh trưởng, cây có thể cho thu hoạch 7-10 đợt.

Phòng trừ sâu bệnh: các loại sâu bệnh thường gặp là sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ và bệnh thối gốc. Có thể dùng tay hoặc một số loại thuốc BVTV để giết sâu hại, kết hợp làm đất kỹ ở chỗ có ổ bệnh vụ trước, nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh nặng.

Cách trồng rau gia vị

Húng quế

Thời vụ: cây có thể trồng quanh năm, tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa.

Làm đất và gieo hạt: trong vườm ươm, xử lý đất trước bằng thuốc phòng trừ kiến. Với lượng hạt giống 50-80 g/100 m2, rải đều hạt giống trên mặt liếp, sau đó phủ một lớp đất mỏng và một lớp mỏng rơm rạ để kích thích hạt nảy mầm. Sau gieo 15-20 ngày, cây cao khoảng 10 cm (5-6 lá) tiến hành nhổ những cây con khỏe mạnh đem cấy ngoài ruộng. Trồng cây cách cây 30 cm.

Bón phân: bón lót cho 1 ha đất trước khi trồng khoảng 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100-150 kg super lân. Sau khi trồng 10 ngày thì bón thúc phân đạm bằng cách pha loãng phân urê và tưới cho cây định kỳ 10 ngày/lần (có thể thay thế bằng các loại phân khác).

Chăm sóc: tưới nước 2 lần/ngày (tùy theo trời nắng hay mưa) và làm cỏ thường xuyên.

Thu hoạch: sau trồng khoảng 1 tháng thì thu hoạch bằng cách cắt cành, sau đợt 1 khoảng 15 ngày thì có thể thu hoạch đợt 2.

Phòng trừ sâu bệnh: các loại sâu bệnh thường gặp là sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ và bệnh thối gốc. Có thể dùng tay hoặc một số loại thuốc BVTV để giết sâu hại, kết hợp làm đất kỹ ở chỗ có ổ bệnh vụ trước, nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh nặng.

Kinh giới

Thời vụ: cây có thể trồng quanh năm, tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa. Có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.

Làm đất và gieo hạt: làm đất tơi xốp, bằng phẳng và xử lý đất bằng thuốc phòng trừ kiến trong vườn ươm. Rải đều hạt giống trên mặt liếp, sau đó phủ một lớp đất mỏng và một lớp mỏng rơm rạ để kích thích hạt nảy mầm. Khi cây con được 25-30 ngày sau gieo, tiến hành nhổ và đem cấy ngoài ruộng, trồng cây cách cây 15×15 cm (thu hoạch cả cây) hoặc 25-30 cm (thu hoạch nhiều lần).

Giâm cành: cắt những đoạn dài từ 12-14 cm và có khoảng 3-4 mắt từ những cây khỏe, không sâu bệnh, không quá non hoặc quá già để làm cành giống giâm ngoài ruộng trồng. Giâm xuống đất khoảng 2/3 chiều dài của cành, cành cách cành 10-15 cm, hàng cách hàng 20-25 cm. Tưới nước đủ ẩm kích thích cành ra rễ.

Bón phân: bón lót cho 1 ha đất trước khi trồng khoảng 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100-150 kg super lân. Sau khi trồng 7 ngày thì bón phân đạm bằng cách pha loãng phân urê (0,3–0,5%) và tưới cho cây định kỳ 10 ngày/lần (có thể thay thế bằng các loại phân khác).

Chăm sóc: tưới nước 2 lần/ngày (tùy theo trời nắng hay mưa) và làm cỏ thường xuyên.

Thu hoạch: thu hoạch sau khi trồng 30 ngày bằng cách cắt ngang cây chừa phần gốc khoảng 10 cm cách mặt đất. Nếu thu hoạch nhiều lần, thì thu hoạch đợt 2 cách đợt 1 từ 20-30 ngày.

Phòng trừ sâu bệnh: tuy kinh giới không có nhiều sâu bệnh hại nhưng nên thường xuyên thăm ruộng. Nếu có sâu bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV.

Cách trồng rau gia vị

Ngò gai

Thời vụ: cây ngò gai rất dễ trồng, dễ chăm sóc, có khả năng chịu rợp, ít bị ảnh hưởng của thời tiết và có thể canh tác không theo mùa vụ nên có thể chủ động mùa vụ và trồng được 2 vụ/năm.

Chuẩn bị đất gieo hạt: trước khi gieo hạt cần cày bừa kỹ và san phẳng đất. Hạt ngò gai dễ mọc nên có thể gieo trực tiếp xuống đất, sau đó rải thuốc trừ kiến, dế, mối và phủ một lớp rơm mỏng lên trên tạo độ ẩm để giúp hạt nẩy mầm nhanh.

Bón phân: bón lót cho 1 ha đất trước khi trồng khoảng 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100-150 kg super lân, bón thúc bằng cách pha loãng phân urê (0,3-0,5%) và tưới cho cây định kỳ 10 ngày/lần (có thể thay thế bằng các loại phân khác).

Chăm sóc: ngò gai là cây ưa ẩm nên phải thường xuyên tưới nước cho cây, đồng thời thường xuyên làm sạch cỏ dại và có hệ thống thoát nước tốt để chống úng khi có mưa to và kéo dài.

Thu hoạch: thu hoạch sau khi trồng khoảng 2 tháng (nếu ăn sống), sau trồng 4 tháng thì thu hoạch đại trà.

Phòng trừ sâu bệnh: ngò gai dễ sống và ít sâu bệnh hại.

Rau răm

Thời vụ: trồng rau răm tốt nhất là đầu hoặc cuối mùa mưa. Cây thích hợp trồng ở những vùng đất thấp và có thể sống trên vùng đất ngập nước, nhưng không được ngập ngọn cây lâu ngày.

Làm đất và giâm cành: chọn khu đất thấp, ẩm, cày bừa đất kỹ và dọn sạch tàn dư thực vật. Lên liếp chiều rộng 1,2-1,5 m, chiều dài tùy theo khu đất trồng. Chọn những cành khỏe, không sâu bệnh (đoạn cành dài 12-15 cm, có khoảng 5-6 mắt) đế làm giống sau đó đem trồng liền hoặc đặt vào nơi râm mát, rồi tưới nước đều để rễ phụ đâm ra và khi đem trồng, cây sẽ mau hồi phục. Ngoài ra, có thể giâm rau răm giống vào đất bùn ẩm sau đó đem trồng. Khi trồng, lấp đất khoảng 2/3 đoạn cành.

Khoảng cách trồng: cành cách cành 10 cm, hàng cách hàng 15 cm.

Bón phân và chăm sóc: sau khi trồng 7-10 ngày (cây bắt đầu mọc rễ, lá non và nhú ngọn) bắt đầu bón thúc định kỳ cho cây bằng phương pháp tưới phân urê nồng độ loãng (khoảng 1%). Tưới nước đầy đủ cho cây và làm sạch cỏ dại.

Thu hoạch: khi cây đâm nhiều chồi, lá vươn dài kín ruộng thì thu hoạch bằng cách cắt tỉa các cành dài hoặc cắt luân phiên từng khu.

Phòng trừ sâu bệnh: các loại sâu bệnh thường gặp là sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ và bệnh thối gốc. Có thể dùng tay hoặc một số loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để giết sâu hại, kết hợp làm đất kỹ ở chỗ có ổ bệnh vụ trước, nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh nặng.

Cách trồng rau gia vị

Tía tô

Thời vụ: cây tía tô có thể trồng được quanh năm.

Làm đất và gieo hạt: đất và liếp cần được cày bừa kỹ, nhuyễn, sạch cỏ. Lên liếp đất rộng 1-1,2 m, cao 10-15 cm, chiều dài tùy kích thước ruộng trồng. Trước khi gieo nên rải Basudin, sau khi gieo phủ thêm rơm và khi hạt nẩy mầm thì lấy lớp rơm rạ đi để cây phát triển. Nếu gieo trong vườn ươm, khi cây đạt 5-6 lá thật thì nhổ những cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh đem trồng ngoài ruộng, cây cách cây 15-20 cm.

Bón phân: bón lót cho 1 ha đất trước khi trồng 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100-150 kg super lân. Sau trồng khoảng 10 ngày thì có thể bón thúc bằng phân urê pha loãng với nồng độ 20 g phân/10 lít nước và tưới cho cây định kỳ 10 ngày/lần.

Chăm sóc: tưới nước 2 lần/ngày (tùy theo trời nắng hay mưa) và làm cỏ thường xuyên.

Thu hoạch: khi cây đạt 25-30 ngày tuổi thì thu hoạch. Tùy theo mật độ cây mà có thể nhổ cả cây hoặc dùng phương pháp tỉa cành (tỉa chừa lại phần gốc khoảng 10cm). Sau khi tỉa cành cần tưới nước, tưới phân để giúp cây mau hồi phục.

Phòng trừ sâu bệnh: các loại sâu bệnh thường gặp là bệnh chết rạp cây con do nấm Fusarium sp. gây nên và sâu ăn lá. Thường xuyên theo dõi đồng ruộng và xử lý đất bằng vôi trước khi trồng. Vào mùa mưa nên làm chân liếp cao, trồng thưa, thu gom tàn dư cây trồng đem hủy. Tùy theo đối tượng sâu bệnh, có thể phòng trị bằng một số loại thuốc BVTV.

Rau om

Thời vụ: rau có thể trồng quanh năm.

Đất trồng: đất trồng rau om cần nhiều bùn và ẩm độ cao, đồng thời được cày bừa, sục bùn kỹ và làm sạch cỏ. Có thể lên liếp để trồng rau om ở những vùng đất thấp, trũng với chiều rộng khoảng 2 m, chiều cao khoảng 30 cm.

Giâm cành: cắt những đoạn thân sinh trưởng khỏe, không sâu bệnh (đoạn dài 15-20 cm) đem giâm trực tiếp ngoài ruộng đã chuẩn bị trước, cây cách cây 3-4 cm.

Bón phân: bón lót trước khi trồng khoảng 2-3 tấn phân hữu cơ vi sinh, 100-150 kg super lân, phân đạm được dùng để bón thúc cho cây. Sau trồng 10 ngày, bắt đầu bón phân cho cây bằng cách tưới với nồng độ loãng và bón định kỳ đến cách ngày thu hoạch ít nhất 10 ngày.

Chăm sóc: sau khi giâm cành xong cần tưới nước để kích thích cây ra rễ, thường xuyên thăm và làm sạch cỏ dại trên ruộng trồng.

Thu hoạch: khoảng 30-35 ngày sau trồng thì có thể thu hoạch.

Phòng trừ sâu bệnh: cây rau om ít có sâu bệnh, nhưng nên thường xuyên theo dõi ruộng để phòng trị kịp thời nếu có xuất hiện sâu, bệnh gây hại. Tùy theo đối tượng sâu bệnh, có thể phòng trị bằng một số loại thuốc BVTV.

Thì là

Thời vụ: thời gian trồng thì là thích hợp nhất là vào tháng 9-10.

Làm đất và gieo hạt: đất trồng cần được cày tơi xốp và lên liếp với chiều rộng 1,2-1,5 m, chiều cao 20-30 cm. Trước khi gieo hạt cần bón lót và sang phẳng mặt luống. Sau khi gieo thì phủ 1 lớp đất mỏng, sau đó phủ 1 lớp vỏ trấu và tưới nước đầy đủ để hạt mau mọc mầm. Có thể gieo vãi hoặc gieo theo hàng, hàng cách hàng 10-15 cm.

Bón phân và chăm sóc: bón lót phân hữu cơ sinh học và phân lân trước khi trồng. Khi cây cao 10-15 cm, bắt đầu bón thúc phân đạm đã được pha loãng bằng phương pháp tưới, sau đó bón thúc định kỳ cho cây. Thường xuyên tưới nước và làm sạch cỏ trên ruộng trồng.

Thu hoạch: thu hoạch sau khi gieo 40-50 ngày và trước khi cây ra hoa.

Phòng trừ sâu bệnh: thì là ít bị sâu bệnh gây hại. Nếu xuất hiện sâu bệnh hại thì tùy theo đối tượng sâu bệnh, có thể phòng trị bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Lá lốt

Thời vụ: cây có thể trồng được quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa.

Làm đất: cây có thể sinh trưởng trên nhiều chân đất nhưng nên chọn chân đất nhiều mùn, nhiều dinh dưỡng và ẩm ướt để cây phát triển tốt.

Giâm cành: chọn những cây có lá màu xanh bóng, mượt, to và không sâu bệnh, cắt thành từng đoạn dài 20-30 cm. Sau đó giâm khoảng 2/3 đoạn thân giống trực tiếp trên liếp đã chuẩn bị trước và tưới nước nhẹ cho cây đủ ẩm.

Bón phân: bón lót cho 1 ha đất trước khi trồng khoảng 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100-150 kg super lân. Sau trồng khoảng 10 ngày thì có thể bón thúc phân đạm định kỳ cho cây. Điều chỉnh lượng phân tùy theo đất và sự sinh trưởng của cây.

Chăm sóc: thường xuyên tưới nước cho cây và làm sạch cỏ dại. Nếu trời không mưa, có thể tưới 2 lần/ngày.

Thu hoạch: lát lốt sau khi trồng khoảng 1 tháng thì có thể thu hoạch bằng cách cắt thân hoặc hái lá. Khi cắt thân nên chừa lại 10–15 cm để cho cây tái sinh.

Phòng trừ sâu bệnh: lá lốt rất ít bị các loại sâu bệnh gây hại.

Tần dày lá (Húng chanh)

Thời vụ: tần dày lá có thể trồng quanh năm.

Làm đất và gieo hạt: đất trồng cần được cày bừa kỹ tơi xốp, mặt liếp bằng phẳng với chiều rộng 1,2-1,5 m, dài tùy theo chiều dài của ruộng trồng. Nếu trồng bằng hạt thì gieo hạt đều trên mặt liếp, sau gieo phủ một lớp rơm rạ giữ ẩm kích thích hạt nảy mầm, tưới nước đầy đủ cho cây con. Nếu trồng bằng phương pháp giâm cành, thì chọn những đoạn thân dài khoảng 5 cm, giâm xuống đất khoảng 2/3 đoạn thân vào lúc trời mát, cành cách cành 10-20 cm.

Bón phân: bón lót cho 1 ha đất trước khi trồng khoảng 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100-150 kg super lân. Sau khi cây ra rễ, bắt đầu bón thúc định kỳ cho cây bằng phương pháp tưới phân đạm pha loãng.

Chăm sóc: sau trồng tưới nước giữ ẩm thường xuyên và bấm ngọn cây.

Thu hoạch: dùng dao cắt chừa phần gốc mang vài lá để cây tiếp tục mọc cành mới. Sau mỗi đợt thu hoạch thì bón phân để cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch nhiều lần.

Phòng trừ sâu bệnh: cây ít bị các loại sâu bệnh gây hại.

Ngò rí

Thời vụ: ngò rí có thể trồng quanh năm, nhưng là thích hợp nhất là trồng vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô (tháng 10-11).

Làm đất: cày bừa đất kỹ, tơi xốp, mặt liếp bằng phẳng, ngang 1,2 m, cao 30-35 cm.

Gieo hạt: gieo 10-12 kg hạt giống/ha (tùy độ nảy mầm của hạt và mật độ cây). Trước khi gieo, ngâm hạt trong nước ấm 24-30 giờ, sau đó rải đều hạt trên mặt liếp, gieo phủ một lớp đất mịn và một lớp rơm rạ để kích thích hạt nảy mầm.

Bón phân: khi cây được 15 ngày tuổi bắt đầu bón phân, định kỳ 7-10 ngày/lần.

Chăm sóc: Thường xuyên tưới nước nhưng không tưới quá nhiều. Giảm dần lượng nước tưới trong thời gian gần thu hoạch.

Thu hoạch: Sau trồng 1 tháng có thể thu hoạch.

Phòng trừ sâu bệnh: Các loại sâu bệnh thường gặp là sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ và bệnh thối gốc. Có thể dùng tay hoặc một số loại thuốc BVTV để giết sâu hại, kết hợp làm đất kỹ ở chỗ có ổ bệnh vụ trước, nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh nặng.

Hành lá

Giống: sử dụng giống địa phương (thân trắng và thân đỏ). Chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh làm giống. Cần khoảng 180-240 kg hành giống/1.000 m2. Trước khi nhổ hành giống 1-2 ngày, phun Regent 800WP hoặc Map-permethrins 50EC để xử lý giống, nếu sâu nhiều có thể xử lý bằng Secure 10EC theo nồng độ khuyến cáo.

Thời vụ: hành lá có thể được trồng quanh năm, nhưng năng suất mùa nắng cao hơn mùa mưa. Trồng hành trong mùa nắng chú ý sâu xanh da láng, mùa mưa chú ý bệnh khô đầu lá.

Làm đất: sử dụng loại đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH từ 6-6,5. Đất trồng hành cần được phơi ải, lên liếp tùy vào chân đất và tập quán canh tác (liếp vồng cao 35-45 cm, chân liếp rộng 1 m, khoảng cách giữa hai liếp là 30 cm). Trước khi trồng 3 ngày, rải thuốc Mocap (1 kg/1.000 m2) lên liếp rồi đảo đều lớp đất mặt để xử lý đất và ủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng.

Khoảng cách trồng: hàng cách hàng 20 cm, cây cách cây 10 cm.

Bón phân: dùng 1-2 tấn phân chuồng hoai mục, 30 kg tro, 12,5 kg phân urê, 28 kg super lân và 8 kg kali để bón lót cho 1000 m2 đất trồng. Có thể sử dụng phân urê, DAP, NPK và tăng cường thêm các chế phẩm vi lượng, chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá. Thời gian cách ly là 10 ngày trước khi thu hoạch.

Chăm sóc: tưới phun, tưới đủ ẩm cho hành lá, giữ mực nước tưới thấm trong rãnh hành lá và chú ý làm cỏ kịp thời. Có thể trồng xen ngò rí, cải xanh hoặc cải ngọt quanh mép liếp.

Thu hoạch: khi hành đủ tuổi (sau trồng 42–45 ngày) là có thể thu hoạch tùy vào tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Trường hợp hành xấu có thể lưu thêm vài ngày, nhưng không nên kéo dài.

Phòng trừ sâu bệnh: các loại sâu bệnh thường gặp là sâu xanh da láng, dòi đục lá, bù lạch, bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ…. Để phòng trừ sâu bệnh phải thường xuyên thăm đồng, bắt sâu, ngắt bỏ ổ trứng sâu và kết hợp làm cỏ, bón phân. Dùng Antracol 50 WP và Dithan M45 nếu cây mắc bệnh đốm tím hoặc bệnh khô đầu lá.

Xử lý sau thu hoạch

Thiết bị, thùng chứa và vật tư phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.

Không được để sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với đất và hạn chế để qua đêm.

Phải có biện pháp xử lý rác thải và và hệ thống thoát nước.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Sản xuất ra rau đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, cải tạo nguồn nước và hạn chế ô nhiễm môi trường.
  • Hạn chế sử dụng thuốc hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
  • Cải thiện môi trường địa phương và sức khỏe của người sản xuất.

Nguồn:http://cesti.gov.vn/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây