Giải Đáp Thắc Mắc Về Kỹ Thuật Nuôi Lươn Sinh Sản

0
2755
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Những năm gần đây, nghề nuôi lươn phát triển khá rộng rãi và trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên người  nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp giống. Vì vậy kỹ thuật  nuôi lươn sinh sản chính là giải pháp tốt,  nhằm  chủ động sản xuất được con giống và đảm bảo chất lượng con giống cho người nuôi.

Nội dung chính

Chuẩn bị bể nuôi lươn sinh sản

Địa điểm: nên chọn  nơi yên tĩnh, có bóng râm, có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm  để làm bể cho lươn sinh sản

  • Nếu là bể xây

Bể xây thường có dạng hình chữ nhật, xung quanh xây gạch xi măng, tường tô bóng nhẵn, đáy tráng xi măng và đặt những ống để cấp thoát nước. Diện tích mỗi  bể từ 20m2 trở lên, bể có chiều cao 1m, chiều rộng 2m – 4m, dài 10 m hoặc lớn hơn, mực nước duy trì 0,3m.

Cho đất vào bể, đất cho vào có độ cao 0,4m, rộng 0,5 – 0,8m tùy theo chiều rộng của bể. Có thể trồng cỏ xung quanh rìa để giữ đất cũng như tạo môi trường giống ngoài tự nhiên cho lươn sống. Hoặc nếu sử dụng bể xi măng  không đắp mô đất thì phải tạo  giá thể  bằng dây nylon cột thành chùm treo trong bể để lươn trú ẩn.

  • Nếu là bể lót bạt

Kích thước của bể lót bạt tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình,  tốt nhất là làm bể nuôi dạng chữ nhật, chiều dài bể nên gấp đôi chiều rộng, tổng diện tích mỗi bể từ 15m2– 30m2. Chiều cao của bể khoảng 0,8-1,2 m.

Dùng tre, gỗ hoặc cọc sắt đóng xuống đất làm khung cho bể. Đáy bể và thành bể được lót bằng bạt, nilon hoặc  cao su. Đổ vào xung quanh bể một lượng khoảng 0,4 – 0, 5 m đất sét hoặc bùn sạch để tạo độ nghiêng từ thành bể ra giữa bể.

Sau khi kiểm tra bể đã hoàn toàn kín thì cấp nước vào bể với mức nước khoảng 0,2 – 0,3m. Trên mặt bể có thể thả bèo tây,lá dừa hoặc cây trúc nhỏ, bó thành bó xếp trên mặt nước để che nắng và ngăn ánh sáng, đồng thời làm nơi trú ẩn của lươn. Bố trí từ 8 – 10 khoảng trống để làm chỗ cho lươn ăn.

Nuôi lươn bằng bể lót bạt cần sử dụng thêm cọc bằng tre hoặc gỗ
Nuôi lươn bằng bể lót bạt cần sử dụng thêm cọc bằng tre hoặc gỗ

Chọn lươn giống bố mẹ, mật độ thả

  • Lươn bố mẹ

Chọn lươn bố mẹ có thời gian nuôi từ 10 – 12 tháng tuổi. Chọn những lươn khoảng 150-200g, khỏe mạnh, không bị xây xát. Lươn có chiều dài nhỏ hơn 30 cm đa số là lươn cái, lươn có chiều dài lớn hơn 50 cm đa số là lươn đực. Tỷ lệ phối giống thích hợp nhất là 1 lươn đực/1,5 lươn cái.

Việc chọn lươn sinh sản giống đóng vai trò quyết định đến năng suất
Việc chọn lươn sinh sản giống đóng vai trò quyết định đến năng suất

Khi mua lươn giống nên chọn mua từ nhiều nguồn khác nhau (ít nhất là 2 nguồn) để tránh  đồng huyết và nên mua ở những nơi uy tín.

Thời điểm mang lươn về thả tốt nhất là vào buổi chiều tối. Sau khi mang về đến nhà thì cho lươn vào một thau nước khoảng 2 tiếng rồi cho lươn tắm nước muối loãng khoảng 15 phút.

  • Mật độ thả

Thả với mật độ tùy theo khối lượng, thấp nhất 15 con/m2, nhiều nhất 20 con/m2.

Lươn sinh sản

Khi thấy có tổ bọt xuất hiện trên miệng hang hoặc trên mặt nước và tổ bọt lớn dần vào chiều tối, sáng hôm sau thì lươn đã đẻ. Trứng bám vào tổ bọt và có màu vàng nhạt, trong suốt.

Số lượng trứng thu được rất khác nhau, dao động từ vài chục đến vài trăm trứng trên ổ trứng. Đường kính trứng mới đẻ trung bình khoảng 3,5 mm.

Ấp trứng

Có thể sử dụng  bể ấp hoặc các dụng cụ thông thường như xô, thau nhựa để ấp trứng lươn.

Dùng vợt chuẩn bị sẵn, vớt nhẹ ổ bọt mang lên rửa sạch và cho vào bể ấp hoặc các thau  nước sạch, sục khí liên tục.

Giữ nhiệt  độ trong chậu khoảng 28 – 30C, độ pH khoảng 6 – 8. Thay nước 1 lần/ngày.Trong vòng 10 ngày toàn bộ số trứng sẽ nở. Lươn con mới nở thân rất nhỏ, dưới bụng mang noãn hoàng rất to, chiều dài tối đa 2 cm ít cử động, chỉ nằm im dưới đáy bể.Thả vào bể  hoặc thau ấp một số chùm tua nylon làm nơi trú ẩn cho lươn con khi nở. Sau 7 – 10 ngày tiêu hết noãn hoàng chuyển sang bể ương.

Trứng lươn sau khi vớt dưới bể lên ấp khoảng 10 ngày sẽ nở
Trứng lươn sau khi vớt dưới bể lên ấp khoảng 10 ngày sẽ nở

Thức ăn nuôi lươn sinh sản

Thức ăn cho lươn sinh sản  chủ yếu là thức ăn tươi sống có nguồn gốc động vật như cá tạp, tôm con, ốc bươu vàng, ếch nhái, trùn quế,dòi… hoặc các loại thức ăn bằng thực vật như: rau muống, bèo tấm ủ chua trộn với cám, bã đậu( lươn không ưa thích thức ăn thực vật bằng thức ăn động vật). Có thể phối trộn với thức ăn công nghiệp 26 -30% đạm với tỷ lệ 70% thức ăn tươi sống và 30% thức ăn công nghiệp để cho lươn ăn.

Thức ăn cho lươn phải tươi, không cho ăn thức ăn cũ, ôi thiu.  Thức ăn tươi được băm nhỏ vừa với cỡ miệng của lươn.
Thức ăn cho lươn phải tươi, không cho ăn thức ăn cũ, ôi thiu.  Thức ăn tươi được băm nhỏ vừa với cỡ miệng của lươn.

Cần bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa… vào thức ăn hàng ngày cho lươn. Trước khi lươn chuẩn bị đẻ (khoảng 30 ngày) cần bổ sung thức ăn trộn thêm các loại vitamin B1, B12…

Như vậy, kỹ thuật nuôi lươn sinh sản không phức tạp lắm nhưng mang lại hiệu quả cao.  Bà con hoàn toàn có thể tự nuôi lươn sinh sản để có thể chủ động tạo cho mình nguồn lươn giống với chất lượng cao để nuôi lươn thịt hoặc xuất bán lươn giống. Chúc bà con thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây