Cá hô được mệnh danh là loài thủy sản “trăm năm hạnh phúc”, nghe thật lạ phải không? Tất thảy đều bắt nguồn từ tập tính sinh sản của loài cá này đấy. Cá bố kết hợp cùng cá mẹ sau khi sinh sản sẽ sống cùng nhau, đó là lý do mà cá hô được gọi như vậy. Điều lý thú này đã khiến bà con muốn bắt tay vào nuôi loài cá này hay chưa? Hãy cùng agri.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi có diện tích càng lớn thì càng thuận lợi cho tăng trưởng của cá hô. Tối thiểu, diện tích từ 1.000 m2 trở lên, với độ sâu ao 1,5 đến 2 m là phù hợp.
Chọn vị trí ao ở nơi có giao thông thuận tiện, gần nguồn nước sạch để dễ dàng thay nước cũng như thêm nước trong quá trình nuôi. Ao xây dựng sao cho tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời giúp cá hô hấp. Gây nuôi thức ăn tự nhiên để giúp cá phát triển. Bà con cũng để ý tránh lá cây rụng xuống làm thối nước ao ảnh hưởng đến việc nuôi.
Đáy ao cần được xây dựng bằng phẳng, đổ dốc về phía cống thoát để dễ tháo nước và thuận lợi cho việc thu hoạch. Độ bùn đáy ao nuôi công nghiệp để khoảng 15 đến 20 cm là phù hợp. Đáy ao nên được nạo vét bùn hàng năm, không nên để lớp bùn quá dày.
Trước khi thả cá vào nuôi cần tháo cạn nước và nạo vét bùn. Sau đó, dùng vôi để cải tạo đáy ao, kết hợp cùng diệt tạp. Lượng vôi dùng 7 đến 10 kg/100 m2, phơi nắng trong thời gian từ 3 đến 5 ngày. Ao sau khi được cải tạo thì nhớ cấp đủ lượng nước từ 1,5 đến 1,8 m. Đảm bảo nguồn nước cấp sạch sẽ, không bị nhiễm bẩn.
Mùa vụ và mật độ thả cá phù hợp
Cá hô là loài cá vùng nhiệt đới, thích nghi với nhiệt độ nóng. Vì vậy ở miền Nam có thể thả nuôi quanh năm.
Mật độ nuôi đơn là 1 con/m2. Nếu nuôi mật độ thưa từ 0,05 đến 0,1 con/m2 thì tính đến biện pháp thả ghép thêm cá mè trắng, mè hoa, sặc rằn với tỷ lệ 20% tổng số lượng cá hô thả trong ao.
Chọn giống cá hô
Bà con cần chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng tốt. Chú ý chọn những con cá khỏe mạnh, vây, vẩy, thân không xây xát, không mất nhớt, chú ý chọn kích cỡ cá hô đồng đều. Quan sát và lựa chọn những con cá bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn, không có dấu hiệu bệnh tật.
Cỡ cá hô thả giống thích hợp là > 10 g/con. Vận chuyển cá hô vào lúc thời tiết mát mẻ, có thể là vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Chăm sóc đàn cá
Sử dụng các loại thức ăn công nghiệp 30% đạm, cho cá hô ăn 2 lần/ngày, khẩu phần ăn hàng ngày 5 đến 7% trọng lượng cơ thể. Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh trường hợp dư thừa thức ăn gây ô nhiễm ao nuôi.
Theo dõi sự thay đổi của môi trường, dòng chảy, tốc độ, màu sắc cũng như độ trong của nước. Tiến hành vệ sinh thường xuyên và kiểm soát số lượng cá hô. Cần giữ nước ao luôn sạch bằng cách quản lý thức ăn tốt, không để nước trong ao bị bẩn. Nếu nước bẩn, thì thay khoảng 20 đến 30% lượng nước trong ao. Kiểm tra cống, bờ ao cũng như lưới bao xung quanh bờ.
Đầu mùa mưa, dùng lượng vôi bột 10 kg/100 m2 rải xung quanh bờ, hạn chế nước mưa rửa trôi chảy xuống ao. Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá hô về chiều dài kết hợp cùng trọng lượng để điều chỉnh lượng thức ăn định kỳ 15 ngày một lần.
Bà con có thể thu hoạch sau 18 tháng nuôi. Thế nhưng, càng nuôi lâu, cá càng lớn thì giá trị càng cao. Cá hô nuôi đến năm thứ ba có thể đạt trọng lượng từ 3 đến 5 kg, có giá trị 900.000 đến 1.500.000 đồng/con. Một con số thật khổng lồ phải không?
Bà con nếu có ý định kiếm nguồn thu lợi nhuận từ mô hình này thì hãy mau mau “bỏ túi” những phương pháp trên nhé! Chúc bà con thành công!
Xem thêm: Nuôi cá chép cảnh như thế nào để cá không chết bây giờ?