Nuôi cá nước ngọt hiện tại là mô hình chăn nuôi đơn giản và mang đến lợi nhuận tương đối cao. Tuy nhiên để ao nuôi cá nước ngọt đạt những tiêu chuẩn nhất định nhằm duy trì năng suất cá ở mức tốt nhất. Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt đúng chuẩn từ những người đã có kinh nghiệm đi trước là điều không thể bỏ qua. Nội dung về chủ đề này sẽ được chia sẻ ngay bên dưới
Chuẩn bị ao nuôi cá nước ngọt
Bà con cần chuẩn bị ao nuôi cá gần nguồn cấp nước và không bị ô nhiễm để tiện cho công tác cấp thoát nước vào trong ao. Nên đào ao hình vuông hoặc hình chữ nhật và có bo góc. Độ sâu của ao nên dao động khoảng 2m là hợp lý.
Trước khi thả cá cần tiến hành khử trùng ao nuôi bằng cách: tát cạn nước ao, tiêu diệt cá tạp, cá dữ rồi tiến hành bón vôi, phơi nắng và bón phân lót chuồng để gây màu nước ao. Cuối cùng mới tiến hành cấp nước sạch để làm nước nuôi cá.
Chọn và thả cá giống trong ao nước ngọt
Tùy vào điều kiện cụ thể để bà con lựa chọn phương pháp nuôi đơn hoặc nuôi ghép. Tuy nhiên, nên giữ mật độ hợp lý ở mức 1 – 2 con/mét vuông với phương pháp nuôi cá đơn và 3 – 5 con/ mét vuông với phương pháp nuôi cá ghép.
Lựa chọn đàn cá giống có kích cỡ đồng đều, bơi nhanh, khỏe mạnh, màu da tươi sáng và không bị dị tật. Tốt nhất bà con nên lựa chọn những cơ sở cung cấp cá giống uy tín để đảm bảo chất lượng con giống.
Trước khi thả cá cần tắm cho cá bằng nước muối pha loãng hoặc dung dịch thuốc tím trong khoảng 15 phút để tiêu diệt ký sinh trùng ngoài da, nguyên nhân gây bệnh cho cá. Sau đó ngâm bao chứa cá giống xuống ao nuôi để ổn định nhiệt độ và tránh cá bị shock nhiệt rồi mới tiến hành mở bao để cá tự chui ra.
Quản lý và chăm sóc cá nuôi trong ao nước ngọt
Tùy theo điều kiện thực tế và điều kiện tài chính, bà con có thể cân nhắc lựa chọn loại thức ăn cho phù hợp. Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn nuôi cá đều được. Chỉ cần lưu ý đảm bảo lượng đạm trong khẩu phần ăn để cá phát triển đều. Khi cá còn nhỏ, bà con cho ăn với lượng bằng 5 – 7% khối lượng cơ thể và giảm dần xuống 2 – 3% khi cá lớn.
Nên cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát. Giảm lượng cho ăn khi thời tiết trở lạnh. Khi cá ăn xong cần vớt hết thức ăn thừa, tránh làm ô nhiễm nguồn nước. Bổ sung vitamin C vào thức ăn giúp cá tăng cường sức đề kháng và hạn chế nhiễm bệnh.
Định kì bón vôi bột với lượng từ 2 – 3 kg/100 mét vuông bề mặt ao và thay khoảng 30% nước ao 2 tuần/lần để đảm bảo chất lượng nước nuôi cá. Đối với những con cá sử dụng thực vật làm nguồn thức ăn chủ yếu, bà con nên bón phân định kì để gây màu nước ao, đảm bảo cho cá có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào.
Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, lượng oxy trong nước giảm mạnh, bà con có thể sục khí để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe đàn cá.
Với kỹ thuật nuôi cá ao nước ngọt vừa chia sẻ phía trên đây, chúc bà con nắm vững thông tin và áp dụng thành công vào ao nuôi nhà mình.