Lợi Nhuận Cao Khi Áp Dụng Kỹ Thuật Nuôi Vịt Siêu Thịt Chuẩn

0
2193
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Vịt là loại thủy cầm phát triển nhanh chóng, kiếm mồi giỏi và ít mắc bệnh tật có ý nghĩa kinh tế cao trong việc cung cấp thịt, lông, trứng đặc biệt là thịt. Áp dụng đúng kỹ thuật nuôi vịt siêu thịt, chỉ sau 2 tháng rưỡi kể từ thời điểm nở, bà con đã có thể xuất bán với cân nặng mỗi con đạt từ 2,5 – 3kg, rút ngắn thời gian nuôi, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm tùy thuộc vào quy mô trang trại.

  1. Nội dung chính

    Chọn giống vịt thịt

Chọn vịt nuôi lấy thịt cần phải đảm bảo các tiêu chí chung về tầm vóc, khả năng linh hoạt nhạy bén, khả năng kiếm mồi. Cụ thể:

  • Tầm vóc: Vịt siêu thịt phải có tầm vóc lớn, có khả năng tăng trưởng nhanh. Vịt cái phải đạt trọng lượng từ 3 – 3,6kg, vịt đực phải đạt trọng lượng từ 3,5 – 5kg.
  • Lựa chọn những con khỏe mạnh, không bị dị tật, mắt sáng, bụng gọn, không bị hở rốn, bết lông, chân không bị quẹo, đi lại nhanh nhẹn, vững vàng…
  • Ngoài ra, vịt nuôi lấy thịt thường bà con nên chọn giống từ các tổ hợp lai 2, 3 , 4 máu để đạt được sản lượng cao, khả năng thích nghi tốt.
Khi chọn mua vịt siêu thịt giống bạn cần quan tâm đến nhiều yếu tố
Khi chọn mua vịt siêu thịt giống bạn cần quan tâm đến nhiều yếu tố   
  1. Chuẩn bị chuồng trại và dụng cụ nuôi

Trong kỹ thuật nuôi vịt siêu thịt, bà con không thể bỏ qua khâu xây dựng chuồng trại. tùy vào điều kiện vị trí nuôi, bà con có thể nuôi vịt theo mô hình bán thâm canh có hồ nước, sông suối, ao, kênh rạch hoặc nuôi nhốt chuồng hoàn toàn, tức là nuôi trên nền hoặc trên sàn. Mô hình thứ 2 hiện nay được nhiều người áp dụng vì không quá phức tạp lại giúp hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường nước…

  1. Yêu cầu về chuồng trại

Vị trí nuôi chuồng phải cách xa khu dân cư, khu nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, đường giao thông để đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Chuồng trại nuôi vịt cần đảm bảo xa khu nhà ở khu dân cư
Chuồng trại nuôi vịt cần đảm bảo xa khu nhà ở khu dân cư

Khu chuồng nhốt phải cao ráo, thoáng mát, tránh gió lùa, tránh chuột, thú hoang. Nên xây theo hướng Đông để đón ánh nắng buổi sáng. Chuồng nuôi phải được xây dựng kiên cố, bên trên có thể lợp bằng lá cọ, tấm ngói hoặc tấm lợp. Phần hiên nhô ra ngoài khoảng từ 1 – 1,5m để mưa không hắt vào.

Nền chuồng nuôi vịt có thể là nền láng xi măng, nền gạch hoặc sàn bằng lưới. Sàn lưới sẽ thích hợp với vịt con từ khi bắt về đến tuần thứ 2. Sàn cần phải làm cao cách mặt đất 0,8 – 1m. Nền chuồng làm với độ nghiêng nhất định để dễ dàng vệ sinh, thoát nước. Trong chuồng nuôi vịt bắt buộc phải có chất độn chuồng dày từ 8 – 10cm.

Nếu xây dựng chuồng trại quy mô lớn thì khoảng cách tối thiểu giữa các chuồng nuôi là 20m để thuận tiện trong việc chăm sóc.

Phía trước chuồng nuôi có khu sân chơi để thả vịt đi lại giúp thịt săn chắc, thơm ngon hơn. Diện tích sân chơi phải rộng gấp 2 – 3 lần chuồng nuôi.

  1. Dụng cụ chăn nuôi vịt cần thiết

Rèm che: Rèm che được bố trí xung quanh chuồng nuôi để giữ ấm, tránh gió lùa vào đàn vịt khi trời lạnh hoặc ngày mưa bão. Bà con có thể sử dụng vải bạt, cót ép hặc phên liếp để quay và buộc cố định, chắc chắn.

Máng ăn: Nên sử dụng máng ăn làm bằng tôn với kích thước 70 x 50 x 2,5cm dùng cho 70 – 100 con/ máng. Đến tuần thứ 3 thì sử dụng máng ăn có kích thước 70 x 50 x 5cm hoặc các máng nhựa.

Máng ăn và máng nước là những dụng cụ chăn nuôi vịt không thể thiếu
Máng ăn và máng nước là những dụng cụ chăn nuôi vịt không thể thiếu

Máng uống: Sử dụng máng uống cho vịt cũng chia theo từng giai đoạn. Vịt từ 1 – 2 tuần tuổi dùng máng tròn loại 2 lít. Từ 3 – 8 tuần tuổi dùng máng tròn loại 5 lít hoặc chậu nhựa, máng tôn có kích thước phù hợp.

Chụp sưởi: Vịt con cũng cần được sưởi ấm để kích thích ăn uống, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, sinh trưởng ổn định. Trong lồng nuôi úm, bà con bố trí bóng đèn 75W cho 60 – 70 con vịt con. Vào mùa đông cần tăng lượng nhiệt bằng cách bổ trí 2 bóng điện.

  1. Cách úm vịt con

Cách nuôi vịt thịt nhanh lớn là bà con cần phải thiết kế lồng úm và nuôi úm trong 2 tuần đầu.

  • Vịt từ 1 – 3 ngày tuổi

 2h đầu khi mới bắt vịt con về, bà con pha cho vịt uống 2g vitamin C, 50g Glucose với 1 lít nước dùng cho từ 80 – 100 con vịt. Tùy thuộc vào số lượng mà bà con pha với lượng nước vừa đủ, tránh dư thừa. Cho đàn vịt con uống liên tục như vậy trong vòng 3 ngày đầu để vịt phục hồi lại sức khỏe, giảm mệt mỏi, stress sau chuyến đi dài.

Sau từ 2 – 4h thì cho vịt con tập làm quen với thức ăn là cám vịt con hoặc cơm nguội không bị ôi thiu trải đều trên giấy. Không nên cho vịt con ăn quá nhiều sẽ dẫn đến bội thực. Mặt khác bên trong bụng của chúng còn dư một phần lòng đỏ, đây sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Đồng thời chúng cũng cần có thời gian để tiêu hóa và nạp thức ăn mới.

Từ ngày thứ 3 trở đi sẽ tập cho vịt con ăn cơm nguội trộn với cám ngô xay mịn và nấu chín. Công thức phối trộn thức ăn trung bình cho 1 con vịt con: 8g cơm nguội + 2g bèo, rau thái nhỏ, chia nhỏ thành từ 6 – 7 bữa/ ngày.

Bà con có thể duy trì mật độ nuôi từ 20 – 25 con/m2 từ 1 – 7 ngày. Vịt con từ 1 – 3 ngày tuổi sẽ bắt đầu tiêm vacxin viêm gan lần thứ nhất.

  • Vịt con từ 4 – 10 ngày tuổi

Cách nuôi vịt con nhanh lớn từ 4 – 10 ngày tuổi là bà con bắt đầu cho vịt con siêu thịt làm quen với nguồn thức ăn tự nhiên từ xác động vật như: ốc, cá con, tôm tép. Tuy nhiên ốc phải luộc chín, khều thịt, cá con và tôm cũng phải băm nhỏ. Bà con nhớ bổ sung thêm một ít thức ăn từ rau xanh băm nhỏ thêm vào cuối bữa cho đàn vịt.

Khi vịt con lớn được khoảng 10 ngày tuổi có thể bắt đầu tập làn quen với thức ăn tự nhiên
Khi vịt con lớn được khoảng 10 ngày tuổi có thể bắt đầu tập làn quen với thức ăn tự nhiên

Lưu ý:

+ Không nên sử dụng quá nhiều muối trong thức ăn của vịt sẽ khiến chúng bị ngộ độc.

+ Nếu có ao nuôi ngay cạnh chuồng thì bà con cũng có thể thả chúng ra ao tắm từ 5 – 10 phút sau đó lại lùa vào chuồng úm để tránh bị cảm lạnh.

+ Mật độ nuôi lúc này nên dãn cách dần ra ở khoảng từ  10 – 15 con/m2 để kích thích và tạo không gian vịt con đi lại, nhanh lớn.

+ Vào ngày thứ 7 có thể tiêm vacxin dịch tả vịt đông khô TW2

  • Vịt con từ 11 – 20 ngày tuổi

Từ ngày thứ 11 đến 14 bà con thay dần sang thức ăn là gạo, gạo tấm hoặc ngô ngâm nước sau đó trộn thêm một ít cám bột sống và rau xanh, bổ sung thêm một 1/3 protein trong khẩu phần ăn hàng ngày từ cua, ốc, hến, cá băm nhỏ.

Từ ngày thứ 15 bà con có thể cho vịt con siêu thịt làm quen với thóc luộc chín đã bung nở hạt gạo bên trong. Cho ăn liên tục như vậy trọng 3 ngày đến ngày thứ 20 thì bỏ gạo ngô và cho ăn thóc hoàn toàn.

  1. Phòng bệnh cho vịt

Vì vịt có sở thích sục nước, đi phân lỏng, té nước lên chất độn chuồng, khi chất độn này bị ẩm ướt vịt con sẽ dễ bị cảm lạnh. Đồng thời tạo điều kiện cho nấm mốc, ký sinh, giun sán, vi khuẩn phát triển gây bệnh cho đàn vịt. Chính vì vậy, bà con cần thường xuyên thay chất độn chuồng khô cho vịt để phòng bệnh, giúp vịt sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh.

Phòng bệnh cho vịt định kỳ là điều chủ trang trại không thể bỏ qua
Phòng bệnh cho vịt định kỳ là điều chủ trang trại không thể bỏ qua

Trước cửa chuồng nuôi cần phải có hố khử trùng để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn vịt.

Mỗi chuồng nuôi, bà con chỉ nên nuôi một loại vịt cùng lứa. Nếu không cùng lứa thì chỉ nên nuôi 2 lứa cách nhau từ 2 – 5 ngày.

Chuồng nuôi cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

Cách li và loại bỏ những con ốm yếu, bệnh tật ra khỏi khu vực chăn nuôi và có biện pháp xử lý, tiêu hủy đúng quy định để không làm ảnh hưởng đến cả đàn.

Bài viết kỹ thuật nuôi vịt siêu thịt lợi nhuận cao đã cung cấp cho bà con đầy đủ thông tin từ cách chọn giống, làm chuồng đến khâu nuôi dưỡng, phối trộn thức ăn… Hy vọng đây sẽ là thông tin hữu ích để bà con áp dụng chăn nuôi mang lại năng suất tốt nhất, gia tăng hiệu quả kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây