Hiện nay, mô hình nuôi dê sinh sản đang dần trở thành hướng đi bền vững cho bà con nông dân. Bởi tình hình thực phẩm bẩn ngày càng gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng thì việc lựa chọn những sản phẩm sạch, an toàn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu, và dê là một trong những loài vật nuôi được cho là có lượng thịt sạch, ít nhiễm bệnh nhất. Bài viết này Agri.vn sẽ giới thiệu chi tiết cho bà con về kỹ thuật nuôi dê sinh sản.
Kỹ thuật nuôi dê sinh sản
Chọn dê sinh sản giống
– Dê cái: Nên chọn con có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng vì sức sinh sản của dê cái bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dê mẹ. Bà con nên chọn dê cái từ dê mẹ khỏe mạnh, lông mượt, không mắc bệnh về vú, nhìn nhanh nhẹn.
– Dê đực (dê nọc): Giống dê nọc được ưa chuộng nhất hiện nay là dê Boer vì sức khỏe tốt, tỷ lệ đậu thai cao. Cần chọn dê đực được sinh từ dê mẹ khỏe mạnh, không dị tật.
Phối giống
Khi dê cái đến tuổi động dục (6-8 tháng) sẽ có những dấu hiệu nhận biết (hiện tượng đòi nọc) và chỉ kéo dài khoảng 3 ngày, người chăn nuôi phải cho dê cái phối giống vào thời điểm này nếu không sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Trọng lượng dê cái khi cho phối giống có trọng lượng lý tưởng nhất là 20kg, dê nọc phải được 17kg.
Nếu dê cái sinh sản tốt vẫn có thể để được đến 10 năm, thông thường sau 5 năm nếu năng suất sinh sản giảm thì nên thải loại. Khi thành công trong phối giống, dê mẹ sẽ mang thai trong vòng khoảng 5 tháng. Mỗi con dê giống cái thường sinh trung bình từ khoảng 2 – 3 con/lứa (dê Boer). Dê mẹ sau khi sinh khoảng từ 1,5 – 2 tháng là có thể lên giống lại được.
Làm chuồng nuôi dê sinh sản
Nuôi dê sinh sản thường có hai hình thức là nuôi dê chăn thả và nuôi dê nhốt. Song, hình thức chăn thả hiện nay còn ít người áp dụng (chỉ có những hộ nuôi trên đồi, thảo nguyên) vì khó kiểm soát sự phá hoại mùa màng của chúng.
Đối với nuôi dê sinh sản nhốt, việc làm chuồng cho dê là cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sinh trưởng, sinh sản của dê sau này.
Một số điểm cần lưu ý khi làm chuồng cho dê sinh sản:
– Khoảng cách từ mặt đất đến chuồng phải cao khoảng 0,8-1m, cao, thoáng, không bị ẩm.
– Bà con nên dùng gỗ hoặc tre, khi xây dựng phải chú ý về khoảng cách khi ghép các thanh gỗ/tre dưới sàn chuồng, chỉ cần chân dê bị kẹt sẽ có nguy cơ bị bệnh về móng và rất khó lành.
– Mật độ dê sinh sản phù hợp trong chuồng là 1 mét vuông cho 1 con.
– Cần phải chọn hướng có ánh nắng và tránh gió.
– Bà con cần ngăn riêng khu vực dê đực và dê cái.
Thức ăn cho dê thời kỳ mang thai
Thức ăn là yếu tố quan trọng nhất trong việc sinh trưởng và phát triển của dê sinh sản. Dê thuộc loài động vật ăn tạp, do đó chúng có thể ăn được rất nhiều loại thức ăn. Có 2 nhóm thức ăn chính cho dê sinh sản: Thức ăn thô xanh và thức ăn tinh (thức ăn công nghiệp, hỗn hợp).
– Loại thức ăn thô xanh: bao gồm các loại cây cỏ được trồng hoặc có sẵn trong tự nhiên (so đũa, các loại cỏ, dâm bụt, keo, đước, gòn, mắm, xanh, thầu đâu …)
– Loại thức ăn tinh: cám dừa, cám gạo, thức ăn công nghiệp …
-
- Khi dê cái chưa mang thai: 1kg TA tinh + 10kg TA thô xanh
- Khi dê mẹ mang thai từ 20 ngày – 3 tháng: 2kg TA tinh + 15kg TA thô xanh
- Khi dê mẹ mang thai từ tháng 4 đến lúc sinh: 1kg TA tinh + 7kg TA thô xanh
Bổ sung các khoáng chất cần thiết cho dê mẹ khi thai được 4 tháng tuổi.
– Loại thức ăn thô xanh đã được đề cập ở trên là các loại thức ăn tươi như cỏ, lá tươi,… Bạn cũng có thể cho ăn các loại cỏ khô, với khối lượng là 1kg cỏ khô tương đương 3kg cỏ tươi.
Những lưu ý khi nuôi dê sinh sản mẹ thời kỳ mang thai
- Từ tháng thứ 4 trở đi phải giảm khẩu phần ăn cho dê mẹ nếu không sẽ sinh khó.
- Khoảng từ 5 – 7 ngày trước khi sinh, bà con cần giảm các loại thức ăn tinh, thay thế bằng các loại thức ăn thô để tránh sau sinh dê mẹ bị viêm vú, sốt sữa.
- Khi dê mẹ mang thai khoảng hơn 20 ngày, không được cho ăn dâm bụt vì sẽ dễ bị sẩy thai.
Trên đây là toàn bộ kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản đem lại nguồn thu hàng chục triệu cho những hộ nào tham khảo. Chúc bà con thành công!