Với nguồn giống mới chất lượng và quy trình sản xuất mới, mô hình liên kết sản xuất khoai tây ở vùng Tây Nguyên cho năng suất tăng vọt với 26 tấn/ha.
Năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) triển khai dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất khoai tây nguyên liệu gắn với hệ thống tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Tây Nguyên”. Dự án được thực hiện với quy mô 5ha tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông, Gia Lai) và 27ha tại xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng).
Giống khoai tây được áp dụng trong dự án là các giống phổ biến, phù hợp với điều kiện sinh thái vùng Tây Nguyên. Các giống này phục vụ cho nhu cầu ăn tươi và chế biến.
Ông Trần Anh Thông (cán bộ phụ trách xây dựng mô hình của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa) cho biết, đối với khoai tây ăn tươi, đơn vị sử dụng giống TK15.80. Đây là giống có thời gian sinh trưởng khoảng 95 – 100 ngày, dạng cây nửa đứng, củ có dạng hình oval ngắn, mắt nông, vỏ củ hồng đậm, ruột củ màu vàng đậm và trung bình đạt từ 6 – 8 củ/cây.
Đối với khoai tây sử dụng cho chế biến, đơn vị sử dụng giống Atlantic có thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày, chín sớm, có tiềm năng năng suất cao. Các giống sử dụng cho dự án (TK15.80 và Atlantic) là những giống được nghiên cứu, chọn tạo và đang được sản xuất tất cả các cấp giống tại Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa.
Tại các mô hình, chất lượng giống và vật tư được kiểm soát chặt chẽ. Vật tư có nguồn gốc xuất xứ và thông số kỹ thuật rõ ràng… Các mô hình được thực hiện sản xuất theo quy trình chuẩn, mỗi mô hình có 1 – 2 cán bộ trực tiếp theo dõi.
Theo đánh giá, mô hình 5ha sử dụng giống TK15.80 tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông, Gia Lai) có sự sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao. Tại thời điểm 50 – 60 ngày, mức độ phủ luống đạt 100%, không xuất hiện các triệu chứng bệnh héo xanh và virus. Bệnh mốc sương chỉ ở mức khoảng 2% tại thời điểm 50 – 60 ngày sau trồng, tuy nhiên sau đó được kiểm soát hoàn toàn.
Về mô hình sản xuất khoai tây nguyên liệu được thực hiện trên quy mô 27ha tại xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) với giống Atlantic và TK15.80, kết quả cho thấy các giống này sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao. Tại thời điểm 50 – 60 ngày, mức độ phủ luống đạt 100% và không xuất hiện các triệu chứng bệnh héo xanh, virus trên đồng ruộng, bệnh mốc sương bị nhiễm nhẹ với khoảng 2%.
Ông Trần Anh Thông – Cán bộ phụ trách xây dựng mô hình cho biết, các mô hình với giống Atlantic và TK15.80 ở Lâm Đồng và Gia Lai đều thu hoạch đảm bảo thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày. Đặc biệt, năng suất trung bình đều đạt khoảng 26 tấn/ha, cao hơn mục tiêu của dự án 30% và cao hơn hẳn năng suất tại các ruộng khoai tây ngoài mô hình (năng suất chỉ đạt 16 – 19 tấn/ha). Các mô hình đều mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, phù hợp nhân rộng trong thời gian tới.
Nhiều hộ ngoài dự án đã liên hệ, tìm hiểu, học hỏi để thực hiện. Đặc biệt, hiệu quả từ các mô hình sẽ góp phần chủ động nguồn khoai tây nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến tại địa phương cũng như các vùng khác trên cả nước.