Nuôi ốc nhồi hiện nay là một hướng phát triển kinh tế mới, có nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi ốc này. Phần kỹ thuật nuôi ốc nhồi được đánh giá là khá đơn giản với cách chăm sóc không quá phức tạp. Đồng thời, đây là loài thực phẩm được ưa chuộng hiện nay mà ta có thể thấy. Cùng Agri.vn tham khảo xem nhé!
Chuẩn bị gì để nuôi ốc nhồi
Các món ốc nhồi nay xuất hiện nhiều ở quán ốc vỉa vè cho đến các bữa ăn sang trọng, nhu cầu về ốc là cực lớn. Công đoạn chuẩn bị trước khi nuôi ốc nhồi khá quan trọng đó là: chuẩn bị ao nuôi, chuẩn bị giống, chuẩn bị nguồn nước, …
Chuẩn bị ao nuôi ốc nhồi
Nước ngọt không bị nhiễm mặn là môi trường sống lý tưởng của ốc. Tại nhiệt độ 22 – 30 độ C, ốc nhồi phát triển và sinh trưởng mạnh. Vào những ngày trời lạnh hay nóng hơn vùng nhiệt độ trên thì loài ốc này thường có biểu hiện dừng đi tìm thức ăn và lui vào trú ẩn.
Miền bắc vào mùa đông, vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 10 độ C thì khả năng ốc bị chết khá cao trong trường hợp bà con không có biện pháp hỗ trợ.
Chuẩn bị ao hồ nuôi ốc nhồi: Chú ý trước khi tiến hành thả ốc giống, ao, hồ nuôi cần được nạo vét sạch. Song song đó, cũng cần bón vôi bột để trung hòa lượng pH. Giai đoạn chuẩn bị này vô cùng quan trọng, vì nó góp phần loại bỏ các loại thiên địch có thể ăn ốc như cá trắm đen, cá basa hay cá chép.
Cần phát quang bụi rậm xung quanh bờ ao nhằm tránh chuột làm tổ xung quanh bờ và cũng tiện cho việc thu hoạch về sau. Bên cạnh đó, trồng thêm các loài thực vật như rau rút, bông súng, rong tảo để tăng độ mát cho ao cũng như tạo nhiều chỗ bám cho ốc.
Mực nước ao nuôi ốc
Trong trường hợp ao nuôi chỉ thả ốc, thì mực nước lý tưởng là từ khoảng0,8 – 1,5m. Tại các vùng chiêm trũng, bà con có thể kết hợp trồng lúa và nuôi ốc nhồi. Tuy nhiên cần lưu ý là đợi đến khi cây lúa bắt đầu sinh trường tốt mới thả ốc giống.
Nếu nuôi ốc kết hợp trồng lúa, ta cần cân đối lượng nước vừa phải để cây lúa có thể phát triển tốt. Vì cây lúa có thể che chắn ánh nắng mặt trời cho ốc nên lượng nước cũng không cần quá nhiều. Phương pháp kết hợp nuôi này khá tốt, từ đó ốc có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có khi cải tạo đất trồng lúa.
Một trong những đặc tính của ốc là không phân bố đều, chúng thường tập trung ở một số khu vực nhất định trong ao. Chính vì thế, bà con nên tạo ra địa hình có độ nông sâu khác nhau để đa dạng môi trường sống. Cái chính hướng đến là để dễ dàng theo dõi cũng như chăm sóc ốc bươu đen hiệu quả.
Chuẩn bị ốc giống
Cần chọn ốc nhồi giống đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng tốt. Chọn ốc có phần vỏ không bị sứt, dập và phần đỉnh vỏ cần có màu tươi sáng. Chọn con giống có kích thước từ 0,4-0,6g/con.
Quá trình vận chuyển con giống cần sử dụng phương pháp giữ ẩm, việc bơm O2 là không nhất thiết. Bà con không được đóng kín túi bọc con giống, mà phải tạo độ thông thoáng với môi trường bên ngoài.
Kỹ thuật nuôi ốc nhồi hiệu quả
Tiến hành thả ốc
Tiến hành thả ốc con
Ta không nên thả ốc xuống ao luôn mà cần phải thả ốc vào chậu, sau đó ta cho từ từ nước vào chậu để ốc thích nghi tốt với môi trường nước mới. Trong vòng khoảng 30-45 phút sau mới thả ốc xuống ao. Chú ý mật độ ốc phù hợp khoảng 70 con/m2 trên bề mặt ao.
Thời gian thích hợp để thả ốc giống khoảng tháng 4 – tháng 6 hàng năm. Bà con cần thu hoạch ốc trước mùa lạnh để giảm thiểu rủi ro, tác hại.
Nhân giống ốc trong ao
Một trong những phương pháp mới cũng được nhiều bà con lựa chọn là nhân giống ốc tại ao. Ta chọn và sử dụng những ao đất mà phần đáy có bùn mềm, nhiều mùn hữu cơ. Mực nước nên giữ ở độ cao khoảng 0,5m và tạo ra những dòng chảy nhẹ trong ao.
Phần đáy ao nên được bón lót trước bằng phân chuồng, phân gà hay phân trâu bò hoai mục. Song song với đó là trộn lẫn với rơm rạ băm nhỏ. Nên bón phân cho ao trước khi thả ốc bố mẹ 3 ngày. Ta thả với mật độ khoảng 15-20 con/ mét vuông. Bà con nên thả ốc vào thời điểm trước mùa sinh sản để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ốc nhồi ăn gì?
Thức ăn nuôi ốc nhồi
Nhằm làm ốc phát triển tốt, thu hoạch nhanh thì chế độ dinh dưỡng khá quan trọng. Phần thức ăn mỗi ngày chiếm 10% trọng lượng tổng số ốc ở dưới ao. Cên cho ốc ăn 1 lần mỗi ngày và vào một giờ cố định. Lúc gần thu hoạch ốc, ta có thể tăng lượng thức ăn của ốc lên. Và nếu trong ao có nhiều thức ăn tự nhiên thì nên giảm khẩu phần ăn của ốc.
Thức ăn của loài ốc rất đa dạng và dễ kiếm. Ví dụ như: bèo lục bình, các loại cỏ dại xung quanh hồ, rau muống, lá sắn, … Bên cạnh đó, ta có thể cho ốc ăn các loại thức ăn tinh như bột cám ngô, các loại cám gạo.
Hướng dẫn thu hoạch ốc nhồi
Lúc trọng lượng ốc trong ao đạt khoảng 25-30 con / kg chính là lúc bà con có thể thu hoạch. Có thể thu hoạch ốc theo hình thức tỉa dần. Bà con bắt những con lớn trước, và để những con bé lại nuôi. Chính với hình thức gối vụ này mà rất thích hợp cho ốc phát triển, giảm lượng thức ăn không cần thiết.
Thời điểm tốt nhất để thu hoạch ốc là chiều tối mát hoặc sáng sớm. Chọn lúc ốc đi tìm ăn và nổi lên trên, bà con rất dễ thu hoạch. Bên cạnh đó, mỗi mùa thu hoạch, ta có thể bớt lại số lượng ốc bố mẹ nhất định để nuôi cho sinh sản năm sau.
Xem thêm: https://agri.vn/huong-dan-nuoi-cua-dong-tren-can-hieu-qua/