Nghề nuôi chim trĩ đỏ mới xuất hiện trong những năm gần đây là một loại mô hình chăn nuôi hiệu quả mới, góp phần bảo vệ nguồn gen hiếm, song song đó là cung cấp con giống cho các khu bảo tồn và các khu du lịch sinh thái. Kỹ thuật nuôi chim trĩ được đánh giá vô cùng có tiềm năng, tuy nhiên nó vẫn rất còn xa lạ với nhiều người. Hãy cùng Agri tìm hiểu về kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ ngay dưới đây.
Kỹ thuật chọn giống
Đối với những người mới bắt đầu hoặc chưa có kinh nghiệm nuôi chim trĩ đỏ thì nên chọn mua những cá thể chim ở thời kỳ 3 – 5 tháng tuổi hay chim hậu bị để dễ dàng cho việc chăn nuôi và chăm sóc.
Phải chia ra giống mái và trống. Ở cùng độ tuổi thì chim trĩ trống thường có ngoại hình to hơn chim trĩ mái. Bằng việc quan sát mắt thường ta có thể dễ dàng phân biệt qua việc so sánh kích thước cơ thể, chiều cao chân, lỗ huyệt. Chọn giống chim trống có ngoại hình to, cao, dáng khỏe mạnh, đuôi dài, lông mượt; còn chim mái thì bầu chim, nở hậu, không bị dị hình.
Đến hiện nay, giống chim trĩ đỏ vẫn còn nằm trong danh mục động vật hoang dã nên việc việc chăn nuôi vẫn phải có giấy khai báo chi cục kiểm lâm. Bà con mua chim ở những cơ sở được cấp phép bán giống, tránh mua trôi nổi trên thị trường.
Xây dựng chuồng trại
Vị trí xây dựng chuồng nuôi phải ở nơi cao ráo, thoáng mát, cách xa các trang trại nuôi gia súc, gia cầm khác để nhằm hạn chế tối thiểu mức rủi ro lây nhiễm chồng chéo.
Phải đảm bảo cho chuồng trại ấm áp về mùa đông, mát về mùa hè. Nền chuồng phải san bằng phẳng để tiện lợi cho công tác dọn vệ sinh, rải chất độn chuồng bằng phôi bào hoặc trấu, có thể trộn với cát phơi khô đã được khử trùng. Đồng thời phải đảm bảo thực hiện biện pháp an toàn sinh học.
Điều kiện chăm sóc chim trĩ
Mật độ
0 – 30 ngày tuổi nên nuôi 40 – 15 con/m2
30 – 60 ngày tuổi nên nuôi 12 – 6 con/m2
60 – 90 ngày tuổi nên nuôi 4 – 2 con/m2
Đến sau 90 ngày tuổi có thể đưa chim ra chuồng lớn với mật độ nuôi 1 – 2 con/m2.
Nhiệt độ và độ ẩm
Hai tuần đầu chim trĩ không thể tự điều chỉnh thân nhiệt một cách chính xác, vì vậy các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá sẽ dễ phát sinh khi ẩm độ môi trường lên cao, rất ảnh hưởng đến tỷ lệ nuôi sống và khả năng sinh trưởng của chim. Thời điểm khi chim xuống chuồng thì nên để nhiệt độ ở 350C, sau đó nhiệt độ được giảm dần xuống 300C khi chim được 3 tuần ngày tuổi.
Từ tuần tuổi thứ 2 trở đi bà con cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở chim để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp. Trong quá trình nuôi chim phải quan sát phản ứng của chim đối với nhiệt độ. 4 tuần đầu chim con cần chiếu sáng 24/7, sau 5 – 9 tuần tuổi thì giảm thời gian chiếu sáng còn 16h, từ tuần thứ 7 – 9 trở đi lợi dụng ánh sáng tự nhiên, đảm bảo được cường độ ánh sáng 3W/m2 là đủ.
Thức ăn và nước uống
Giai đoạn 0-4 tuần tuổi và giai đoạn 1- 2 tháng tuổi
Thức ăn: sau khi đưa chim trĩ mới nở ra khỏi máy ấp trứng thì cho vào lồng úm càng sớm càng tốt, luôn thắp bóng đèn để giữ ấm, sau khi cho vào lồng úm 1-2 giờ là cho ăn luôn.
Thức ăn của chim trĩ con có thể dùng hỗn hợp cám bao gồm cám gà con trộn với bột đỗ tương rang với tỉ lệ 10kg cám gà con – 1 kg đỗ tương rang. Đỗ tương rang này cung cấp thêm protein, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho chim non phát triển. Nên chia ra cho ăn nhiều lần, thường từ 8-10 lần/ngày. Tăng thêm phần rau xanh, rau muống, 5-10 gam/ngày. Có thể sử dụng mẹt tròn hoặc vuông để rải đều thức ăn cho chim dễ ăn hơn.
Nước uống: sử dụng nước sạch, ấm khoảng 20°C , bổ sung thêm vitamin C, đường, pha thêm gluco kc. Có thể dùng chụp nước để cho chim uống.
Giai đoạn 2- 4 tháng tuổi
Được trộn sẵn với công thức như sau: 50kg cám trộn = 35 kg(cám gà đẻ)+3,5 kg(cám tẻ) + 6,5 kg(bột đỗ tương rang) + 4kg(bột khô đỗ tương) + 1kg bột đá (bổ sung thêm canxi).
Với chim trĩ từ 2-4 tháng tuổi cho ăn từ 50-60gam cám/ngày/con, trên 5 tháng tuổi cho ăn từ 70-80g cám/ngày/con. Mỗi ngăn chuồng nên bố trí 2 máng ăn – 1 máng uống.
Phòng bệnh
Khả năng chim trĩ bị nhiễm bệnh là rất cao. Việc đảm bảo nghiêm ngặt những quy định về vệ sinh phòng bệnh là rất quan trọng. Phải quan sát và theo dõi đàn chim thường xuyên, ví dụ trạng thái ăn, ngủ, thể trạng, âm thanh tiếng thở, chất bài tiết v.v. để xử lý kịp thời.
Vệ sinh chuồng trại 2- 3 lần / tuần và nhớ phải phun thuốc khử trùng định kỳ. Kiểm tra loại bỏ các vật sắc, nhọn, sợi nilong trong khu vực nuôi để đề phòng chim ăn phải sẽ dẫn đến tủng diều, chết.
Không nuôi chung với các động vật khác. Diệt trừ các loài động vật gặm nhấm, chim hoang và côn trùng có hại khác theo định kỳ.