Sầu riêng hiện tại đang là loại trái cây mang đến nguồn thu nhập cao cho các hộ gia đình nông dân. Tại nước ta, Sầu riêng được trồng nhiều ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long. Kỹ thuật trồng cây Sầu riêng chính là điều được các hộ gia đình nhà nông quan tâm vì nó quyết định đến năng suất và tuổi thọ của cây. Không để bà con phải chờ lâu, nội dung bài viết hôm nay chúng tôi sẽ dành riêng đến nói về kỹ thuật trồng cây Sầu riêng. Bà con đừng vội bỏ qua bài viết này nhé.
Nhân giống cây sầu riêng
Hiện tại, có những cách nhân giống cây Sầu riêng được áp dụng phổ biến đó là:
-
Nhân giống bằng phương pháp hữu tính
Đây là phương pháp bà con nhà nông sẽ sử dụng hạt Sầu riêng để ươm. Những hạt Sầu riêng đạt tiêu chuẩn là hạt có cơm vàng, chắc, bụ bẫm, không có dấu hiệu tổn thương hay sâu bệnh. Hạt sau khi ngâm qua nước sẽ được ươm vào bầu đất hoặc gieo trực tiếp xuống đất trồng.
Tuy nhiên trong những năm gần đây phương pháp nhân giống này lại ít được bà con sử dụng. Vì cây Sầu riêng nhân giống hữu tính có thời gian thu hoạch chậm, phải từ 8 – 9 năm mới cho thu lứa quả đầu tiên.
-
Nhân giống bằng phương pháp vô tính : ghép cành chữ U, T
Với cây Sầu riêng ghép, có thể ghép chữ U hoặc chữ Y. Việc ghép cây không quá khó khăn và đảm bảo cây con có những đặc tính tốt nhất. Điều khiến cây Sầu riêng ghép nhận được sự quan tâm nhiều từ nhà vườn là thời gian thu hoạch ngắn, trái to, đồng đều về kích thước và chất lượng.
-
Chiết cành sầu riêng
Phương pháp chiết cành sầu riêng để tạo cây con hiện nay cũng được áp dụng khá phổ biến. Cây con được tạo ra có đặc tính của cây mẹ và thời gian thu hoạch không quá lâu.
Kỹ thuật trồng cây sầu riêng
Sau khi bà con đã chọn được cây giống khỏe mạnh, đảm bảo không có dấu hiệu sâu bệnh. Đồng thời hố trồng cây Sầu riêng đã được đào trước ngày gieo cây giống khoảng 3 tuần và thực hiện bón lót.
Mật độ trồng cây không nên quá dày để có đủ khoảng trống cho cây đón nhận ánh sáng và hạn chế mầm bệnh phát sinh. 1 hecta trồng khoảng 70 – 100 gốc cây Sầu riêng là hợp lý.
Những bước trồng cây Sầu riêng cụ thể:
Bước 1: Bà con cần đảo đều phân bón lót trong hố theo hướng từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong.
Bước 2: Giữa hố trồng cây bà con cần tạo một lỗ nhỏ lớn hơn bầu đất với độ sâu khoảng 20cm.
Bước 3: Bà con có thể dùng dao hay kéo sắc để loại bỏ đi phần rễ cây thừa, rễ bị cong. Tiếp đến nhẹ nhàng rọc 1 đường dài để lấy bọc nilon ra khỏi bầu đất. Chú ý bước này cần thực hiện cẩn thận để tránh trường hợp làm tổn thương rễ cây.
Bước 4: Phủ đất lên hố và nén chặt, đất quanh miệng bầu nên cao hơn so với vùng đất ngoài để tránh trường hợp đọng nước.
Bước 5: để đảm bảo rễ cây không bị bật lên khi có gió lớn, bà con có thể dùng 1 cọc tre, nứa để cố định thân cây.
Bước 6: Sau khi trồng cây cần tưới nước để giữ độ ẩm cần thiết giúp cây sinh trưởng.
Bước 7: Cây Sầu riêng non mới trồng chưa đủ khả năng chống chịu lại điều kiện thời tiết khắc nghiệt. bà con nên sử dụng thêm lá chuối, lá dừa khô để che nắng cho cây. Phần gốc cây nên có cỏ hoặc rơm khô phủ lên để giữ độ ẩm cho cây.
Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng
Kỹ thuật bón phân
Cây Sầu riêng là loại thân gỗ lớn sống lâu năm, tán cây rộng và bộ rễ phát triển mạnh mẽ. Vì thế, nhu cầu dinh dưỡng của cây Sầu riêng rất cao. Những giai đoạn cần cung cấp dinh dưỡng cho cây Sầu riêng là:
Giai đoạn mới trồng cây (giai đoạn kiến thiết)
Sau khi làm bồn cho cây xong nên bón 3kg phân hữu cơ sinh học. sau đó khoảng 3 tuần mới có thể xuống cây giống. Với quy trình này, bà con nông dân sẽ giúp cây con phát triển tốt hơn và tăng khả năng chống lại các mầm bệnh.
Giai đoạn Sầu riêng 1 – 3 năm tuổi (Sầu riêng tơ)
Trong 1 năm chia thành 6 lần bón cho cây, 3 lần vào mùa nắng và 3 lần vào mùa mưa. Mỗi lần bón nên cách nhau 2 tháng.
Năm cây Sầu riêng cho trái
Trong năm cây Sầu riêng cho trái nên chia thành 4 lần bón phân.
Những năm tiếp theo, lượng phân bón cung cấp cho cây sẽ phụ thuộc vào giai đoạn phát triển. Thông thường lượng phân bón sẽ tăng từ 10 – 15% cho đến khi cây bắt đầu cho trái ổn định.
Tưới nước cho cây sầu riêng
Sầu riêng là loại cây ăn trái ưa ẩm nhưng khả năng chịu ngập úng rất kém. Vì vậy chế độ tưới nước cho cây cần được xây dựng cách hợp lý.
Khi cây Sầu riêng mới trồng, cây luôn cần một lượng nước vừa đủ để giữ độ ẩm cần thiết cho đất. Trong giai đoạn này nếu cây Sầu riêng không được cung cấp một lượng nước đầy đủ thì sẽ dễ héo và chết.
Vào giai đoạn trước khi cây Sầu riêng ra hoa, cách 2 ngày bà con nên tưới nước cho cây 1 lần. Lượng nước trong giai đoạn này nên giảm xuống.
Khi cây Sầu riêng đã đậu quả, nhu cầu nguồn nước cho cây sẽ cao hơn. Thời điểm này nếu cây không nhận đủ nước sẽ rất dễ bị rụng trái.
Trong thời kỳ trái chín, nhu cầu độ ẩm của cây sẽ giảm nên lượng nước tưới lúc này cũng cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Thời điểm này nếu bà con tưới nhiều nước có thể làm trái chín muộn.
Sâu bệnh hại trên cây sầu riêng
-
Rầy phấn (Bemisia tabaci)
Đây là loại bọ gây hại cây bằng cách chích hút nhựa, những cây Sầu riêng bị rầy phấn tấn công sẽ nhanh chóng lây lan virus, vi khuẩn gây hại.
-
Nhện đỏ (Tetranychus urticae), rầy lửa (Thrips palmi)
Đây là những loại bọ thường làm hại cho cây Sầu riêng vào mùa khô. Vào mùa mưa chúng cũng sẽ xuất hiện để gây hại nhưng mới mật độ ít hơn.
-
Sâu đục thân, đục cành sầu riêng
Sâu đục thân trưởng thành thường sẽ đẻ trứng vào bên trong kẽ cây, nhánh cây có vết nứt và đục vào bên trong thân cây. Cây Sầu riêng bị sâu đục thân tấn công sẽ thối cành, khô cành và chết.
-
Các bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra
Loại nấm này có thể gây ra nhiều loại bệnh khác nhau trên cây Sầu riêng như: Xì mủ, thối rễ, chảy gôm, chảy nhựa, nứt thân…để loại bỏ nấm, bà con cần sử dụng những loại thuốc phun chuyên dụng.
Nội dung bài viết chúng tôi chia sẻ chính là thông tin về kỹ thuật trồng cây sầu riêng. Mong rằng qua bài viết này, bà con sẽ có thêm kinh nghiệm để trồng và chăm sóc vườn Sầu riêng của chính mình. Cảm ơn bà con đã quan tâm theo dõi bài viết.