Có điều kiện khí hậu thích hợp với đặc tính của hoa lan nên hiện nay, ở nước ta nhiều loại lan quý như ngọc điểm đai trâu, ngọc điểm đuôi cáo, hoàng thảo thủy tiên… Bên cạnh phương pháp trồng lan phổ biến hiện nay là ghép, còn có kỹ thuật trồng phong lan trong chậu. Hãy cùng xem qua bài viết sau để hiểu rõ hơn nhé.
-
Đặc điểm của hoa lan
– Rễ: Đây là một loài sống bám, treo lơ lửng trên những cây thân gỗ lớn, rễ cây làm nhiệm vụ hấp thu dưỡng chất. Phần này được bao bởi một lớp mô hút dày, ẩm, bao gồm các lớp tế bào chết chứa đầy không khí, có khả năng hấp thụ nước mưa chảy dọc trên vỏ cây hay nước lơ lửng trong không khí. Chính vì thế mà thường thấy rễ lan ánh lên màu xám bạc.
– Thân: Hoa lan có đa thân và đơn thân. Ở những loài lan sống phụ có nhiều đoạn phình lớn thành củ giả hình cầu hay hình thuôn dài, cũng có thể là hình trụ. Củ giả giúp dự trữ nước và chất dinh dưỡng nuôi cây trong điều kiện khô hạn.
– Hoa: Hoa lan đối xứng qua một mặt phẳng, mỗi bông hoa thường có 6 cánh bên ngoài, Trong đó: 3 cánh ngoài cùng là 3 cánh đài thường có màu sắc và kích thước như nhau; nằm kề bên trong và xen kẽ với 3 cánh đài là 3 cánh hoa cũng giống nhau về màu sắc, hình dáng và kích thước.
Ngoài ra, còn có 1 cánh khác hẳn, nổi bật hơn so với những cách còn lại gọi là cánh môi. Chính cánh môi này tạo nên giá trị thẩm mỹ của hoa lan.
Ở giữa bông hoa có một trụ nổi lên, bao gồm nhị và nhụy. Sau khi thụ phấn, các cánh hoa sẽ héo và rụng đi còn cuống hoa sẽ hình thành quả lan.
– Quả: Thuộc dạng quả nang, nở theo 3 – 6 đường nứt dọc. Khi chín, quả lan nở ra, mảnh vỏ dính lại với nhau ở phía đỉnh và phía gốc.
– Hạt: Mỗi quả lan có chứa rất nhiều lạt nhỏ li ti. Hạt được cấu tạo bởi một lớp chưa phân hóa trên một mạng lưới nhỏ, xốp và chứa đầy không khí.
-
Cách trồng hoa lan trong chậu
– Thời vụ:
Thời điểm tốt nhất để trồng hoa lan là vào khoảng tháng 3 – tháng 4 dương lịch.
– Chọn chậu:
Hiện nay, có khá nhiều loại chậu được dùng để trồng lan, chậu đất nung, chậu bằng nhựa, hay cũng có thể trồng trong quả dừa khô. Những chậu trồng lan cần phải có nhiều lỗ để đảm bảo độ thông thoáng, thoát nước tốt.
– Giá thể trồng:
Yêu cầu những loại giá thể xốp, nhẹ, có khả năng giữ ẩm cao như xơ dừa, xỉ than, vỏ thông, gỗ nhỏ,…
– Chọn giống:
Tùy theo sở thích mà mỗi người chơi lan có thể chọn giống lan mà mình thích, nhưng nên đến những để điểm uy tín để được đảm bảo. Với những người mới tập tành chơi lan thì có thể chọn những giống cây khỏe mạnh, lá xanh tốt và cũng khá phổ biến hiện nay như đại châu, quế lan hương, lan kiều, phi điệp, đuôi cáo,…
Với những cành lan lấy từ tự nhiên về thì cần phải xử lý trước khi trồng. Sau khoảng 1 tháng, khi cây nhú rễ thì có thể tiến hành đem trồng vào chậu.
– Chi tiết cách trồng hoa lan trong chậu:
Sau khi đã chọn được giống phù hợp, chuẩn bị chậu trồng kích thước cân đối và giá thể thì ta sẽ tiến hành trồng lan.
+ Cho giá thể vào khoảng 1/5 chậu. Nên cho những giá thể có kích thước lớn xuống phần đáy trước, giá thể có kích thước vừa và nhỏ ở giữa và trên. Luôn đảm bảo lượng giá thể trong chậu thấp hơn so với mép chậu từ 1 – 2 cm.
+ Nếu trồng loại lan đa thân nên cắm cọc nhỏ ở mép chậu, còn cắm ở giữa chậu nếu đó là loại lan đơn thân. Cọc này là để giúp cành lan được đứng vững vì nó khá mỏng manh, yếu ớt.
+ Sau đó, dùng dây buộc lan vào cọc sao cho hướng phát triển của cành luôn hướng vào giữa chậu.
+ Khi trồng, không cho gốc cây nằm ở sát đáy chậu và chỉ để lưng chừng giữa lớp giá thể. Trên mặt, phủ một lớp xơ dừa hay dớn để tăng độ ẩm cho cây.
+ Đối với cây mới trồng nên che nắng, giảm ánh sáng, đến khi rễ non phát triển thì mới chuyển dần sang nơi có ánh sáng tốt hơn.
-
Kỹ thuật nhân giống hoa lan
– Giao phấn:
Giao phấn trong tự nhiên là một hiện tượng thông thường gần như bắt buộc với với đa phần các loại lan. Chính vì điều này mà hoa lan có sự phong phú về chủng loại như thế. Giao phấn thường tạo ra những giống mới, qua chọn lọc, những cây con có đặc tính hơn hẳn cây bố mẹ.
– Chiết tách cây con:
Khi chậu lan quá đầy thì người ra dùng phương pháp này để tách cành làm tăng số lượng cây mới. Khi tách, chỉ tách những giả hành già khi hoa tàn và có tuổi từ 2 – 3 năm.
Sau khi tách, giả hành được ươm lại trên giá thể ẩm để tạo chồi con. Các chồi con này được nuôi cùng với giả hành cho đến khi mọc rễ mới, đủ sức phát triển ổn định mới tiến hành tách lần 2.
Khi áp dụng phương pháp chiết tách này, tuy nó sẽ đảm bảo được tính di truyền của cây bố mẹ song thế hệ cây con lại sinh trưởng không đồng đều. Trong trường hợp cần phục vụ cho nuôi trồng quy mô lớn là rất khó.