Xuất khẩu gừng tăng vọt

0
400
Xuất khẩu gừng tăng vọt
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xem thêm:

Trong 9 tháng, xuất khẩu gừng của Việt Nam đạt gần 26 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu trên vừa được Hiệp hội rau quả Việt Nam tổng hợp cập nhật. Theo đó, gừng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở Australia, Ấn Độ, Pakistan và các nước châu Âu. Tại Australia, gừng đông lạnh Việt Nam vừa được bán tại siêu thị, cửa hàng, và cả kênh online. Giá gừng Việt Nam tại Australia khoảng 9 – 13 AUD/kg (150.000 – 200.000). Gừng được đóng gói nửa ký hoặc một kg chủ yếu phục vụ các nhà hàng.

Ngoài gừng đông lạnh, gừng chế biến của Việt Nam cũng được tiêu thụ khá mạnh. Đặc biệt, mứt gừng là sản phẩm rất được ưa chuộng tại xứ lạnh.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gừng cho biết những tháng cuối năm, đơn đặt hàng gừng cho các thị trường Mỹ, Ấn Độ, UAE và Pakistan tăng mạnh đã khiến giá tăng cao kỷ lục.

Tại các nhà vườn, gừng đang có giá bán 20.000 – 26.000 đồng/kg (tùy loại). Đối với gừng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu giá tới 30.000 đồng một kg.

Theo thương vụ Việt Nam tại Australia, Ấn Độ… tiềm năng xuất khẩu gừng từ Việt Nam sang các thị trường này là rất lớn. Giá sản phẩm này cũng đang cạnh tranh so với hàng đến từ các quốc gia khác. Ngoài chất lượng thơm, ngon, gừng Việt giá cũng rẻ hơn so với hàng nội địa tại các nước.

Xuất khẩu gừng tăng vọt
Gừng Việt Nam bày bán tại siêu thị ở khu Haymarket, Sydney.

Bên cạnh xuất khẩu gừng, thì các sản phẩm như ớt, cà tím… của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài đang có nhiều chuyển biến tích cực, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 20 – 60%.

Hiện nước ta tự hào đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Các mặt hàng cây gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng. Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm cây gia vị. Năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Trần Văn Công – Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU, thị trường châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển. Ngoài ra, giá nhập khẩu trung bình ở châu Âu cao hơn so với hầu hết các khu vực khác. Điều này khiến châu Âu trở thành thị trường mục tiêu cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Châu Âu ngày càng tăng nhu cầu đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới, các sản phẩm gia vị có lợi cho sức sức khỏe và dùng gia vị, hương liệu trong ẩm thực. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý thị trường này sẽ áp dụng một số yêu cầu bắt buộc đối với gia vị, hương liệu nhập khẩu vào châu Âu như kiểm soát thực phẩm chính thức, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất gây ô nhiễm,….

Xuất khẩu gừng tăng vọt
Việt Nam sẽ có cơ hội lớn nếu nỗ lực thúc đẩy sản xuất, chế biến gia vị theo xu thế của thị trường.

Ông Lê Việt Anh – Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam chia sẻ, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về xuất khẩu gia vị nhất là khi có các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… Đặc biệt, nhận thức về canh tác và thương mại bền vững, chất lượng sản phẩm của người nông dân Việt Nam ngày càng được cải thiện; các doanh nghiệp chủ động tham gia liên kết sản xuất, tăng cường chế biến sâu cũng là những lợi thế của Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu về gia vị của các thị trường vẫn ở mức cao, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn nếu nỗ lực thúc đẩy sản xuất, chế biến gia vị theo xu thế của thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây