Xuất khẩu bưởi ở Miền Bắc rục rịch vào mùa

0
178
Xuất khẩu bưởi ở Miền Bắc rục rịch vào mùa
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xem thêm:

Các địa phương miền Bắc đang tích cực chuẩn bị cho mùa thu hoạch bưởi cuối năm. Ngay từ đầu vụ thu hoạch, nhà vườn, doanh nghiệp đã đón tin vui khi bưởi xuất khẩu có thêm những đơn hàng, thị trường mới.

Sản lượng xuất khẩu tăng vọt

Khảo sát tại tỉnh Hòa Bình, vườn bưởi đỏ Tân Lạc tại xóm Tân Hương (xã Thanh Hối, H.Tân Lạc) của gia đình ông Dương Tất Tính rộng 2 ha, sản lượng ước tính khoảng 40.000 quả đã được một doanh nghiệp tại Hà Nội chọn làm vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Theo ông Tính, sau nhiều ngày thương thảo, hai bên đã ký xong hợp đồng thu mua với giá bán tại vườn là 19.000 đồng/kg. Dự kiến từ ngày 30.11, nhà vườn bắt đầu cắt bưởi bán cho doanh nghiệp xử lý bảo quản, đóng container xuất khẩu.

“Giá bưởi bán cho doanh nghiệp xuất khẩu thường ổn định, không quá cao nhưng nhà vườn đã có lãi. Năm nay, tôi chỉ bán cho doanh nghiệp một phần sản lượng, còn lại sẽ bán cho khách quen hoặc bán tự do”, ông Tính nói.

Xuất khẩu bưởi ở Miền Bắc rục rịch vào mùa
Nhiều vườn bưởi đã được doanh nghiệp đặt mua xuất khẩu.

Tại Bắc Giang, thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng bưởi tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế đang tập trung chăm sóc, chuẩn bị cho vụ thu hoạch cuối năm. Trong đó, bưởi thu hoạch hiện nay là bưởi da xanh, giá bán dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 – 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng bưởi này chưa nhiều, chưa có hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, các nhà vườn bắt đầu thu hoạch bưởi đào đường, đây là giống bưởi từng được xuất khẩu rất nhiều sang Nga. Theo các nhà vườn, nhiều doanh nghiệp bắt đầu rục rịch khảo sát, lấy mẫu đánh giá chất lượng chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Công ty RYN, cho biết, qua đánh giá thấy người tiêu dùng ở Anh khá ưa chuộng loại bưởi này, năm nay, doanh nghiệp và đối tác sẽ tăng sản lượng xuất khẩu. Cũng theo bà Hương, ngoài thị trường Anh, doanh nghiệp có thêm đơn hàng xuất khẩu bưởi sang các nước EU và Mỹ.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, chỉ sau 1 năm xuất khẩu, bưởi Diễn Yên Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc đã mở rộng được thị trường ở nước ngoài. Năm nay, sản lượng xuất khẩu dự kiến tăng vọt so với năm 2022. “Mùa vụ năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi chủ yếu để chào hàng, thử nghiệm thị trường, sản lượng chỉ được hơn 10 tấn. Năm nay, hiện tại, đơn hàng xuất khẩu đã đăng ký lên tới 70 – 80 tấn”, ông Yến nói.

Sản xuất phải hướng đến tiêu chuẩn xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, sau hơn 1 năm bưởi Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ, đây thực sự là cú hích khiến loại trái cây này được quan tâm nhiều hơn. Tại Hòa Bình, nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến các nhà vườn để liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, cuối năm 2022, Hòa Bình chính thức xuất khẩu thành công bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy. Năm nay, để mở rộng vùng nguyên liệu xuất khẩu, Hòa Bình đã cấp thêm các mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu tại Huyện Lương Sơn.

Ông Đặng Văn Tặng – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, chia sẻ từ năm 2020, một doanh nghiệp tại Huyện Lục Ngạn đã thành công khi xuất khẩu quả bưởi đào đường sang Nga, nhưng số lượng chưa nhiều. Để giải quyết câu chuyện đầu ra cho 5.669 ha trồng bưởi, sản lượng hơn 45.000 tấn/năm, ngoài thị trường trong nước, Bắc Giang định hướng xuất khẩu bưởi đến các thị trường lớn, thậm chí là “khó tính”.

Xuất khẩu bưởi ở Miền Bắc rục rịch vào mùa
Công nhân đang đóng gói dán tem sản phẩm bưởi Diễn chuẩn bị xuất khẩu.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Đoan Hùng… trồng tại các tỉnh phía bắc đều là những loại bưởi đặc sản, chất lượng rất ngon. Khác với bưởi da xanh – sản lượng xuất khẩu nhiều nhất hiện nay, những loại bưởi này chủ yếu bán tại chuỗi siêu thị, hệ thống cửa hàng phục vụ người châu Á, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nên số lượng chưa nhiều. Nếu đứng vững được ở phân khúc này, nhiều loại bưởi trồng ở miền Bắc sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong những năm tới khi tiếp cận, chinh phục được người tiêu dùng bản địa.

Ông Đặng Phúc Nguyên lưu ý, từ kinh nghiệm xuất khẩu quả bưởi da xanh, điều kiện tiên quyết để các loại bưởi đặc sản ở miền Bắc có thể xuất khẩu được là các nhà vườn phải thay đổi quy trình canh tác, sản xuất hướng đến các tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây