Đang hoàn tất thủ tục để được xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ

0
1680
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Cục Bảo vệ Thực vật Bộ NN & PTNT cho biết, hiện Cục đang hoàn tất thủ tục để mở cửa xuất khẩu cho quả sầu riêng Việt Nam sang Ấn Độ – một thị trường tỷ dân rất tiềm năng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Bộ NN & PTNT nhận định, ngoài Trung Quốc là thị trường chủ đạo thì những những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển.

Bà Hương cho biết, “Sắp tới đây, Cục Bảo vệ Thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ – một thị trường tỷ dân rất tiềm năng. Như vậy nghĩa là sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường”.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp kêu gọi phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Toản cũng đề xuất doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến các thị trường tiềm năng khác, thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

“Hiện Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP,… cùng với việc tham gia các cộng đồng lớn như ASEAN, Liên minh Kinh tế Á – Âu,… đây là dư địa để sầu riêng có thể tăng trưởng hơn nữa về giá trị xuất khẩu” – ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến các thị trường sầu riêng tiềm năng khác.

Bà Hương chia sẻ, thời gian tới, mong muốn Bộ NN & PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số tại địa phương… Đối với các địa phương, cần tăng tính chủ động; bố trí đủ nguồn lực để tăng cường thanh tra, kiểm tra; đào tạo tập huấn; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mã số….

Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu… đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.

Sầu riêng tươi Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 24 thị trường. Sầu riêng đông lạnh cũng đang xuất khẩu sang 23 thị trường. Trong 8 tháng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đạt trên 300.000 tấn.

Sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi ngày càng có sự đầu tư các vùng trồng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả mang về 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mặt hàng sầu riêng mang về doanh thu xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch và gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022 (420 triệu USD). Dự kiến, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi ngày càng có sự đầu tư các vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe khác.

Tham khảo thêm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây