Rau gia vị là gì? Các loại rau gia vị phổ biến và dễ trồng trong khu vườn nhà bạn

0
344
Rau gia vị là gì? Các loại rau gia vị phổ biến và dễ trồng trong khu vườn nhà bạn
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Rau là một loại thực phẩm quan trọng hầu như không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Rau chứa một lượng lớn nước, vitamin, đạm, đường, carbohydrat, tinh dầu, các hợp chất khoáng, acid hữu cơ,…. giúp nhuận trường, tăng khả năng tiêu hóa. Đặc biệt, một số loại rau có chứa tinh dầu, một số chất có tác dụng kháng sinh, hoặc có khả năng sử dụng làm dược liệu phòng trị bệnh cho con người. Trong đó không thể không nhắc tới rau gia vị. Ngày nay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng rau xanh nói chung và rau gia vị nói riêng cũng hết sức phong phú về chủng loại, đa dạng về số lượng và đặc biệt phải an toàn. Vậy bạn có biết những loại rau gia vị nào phổ biến và dễ trồng trong vườn nhà không? Và bạn hiểu rau gia vị là gì không? Hãy theo dõi bài viết của chúng tôi để hiểu thêm nhé.

  1. Rau gia vị là gì?

Rau gia vị hay còn gọi là rau thơm, rau có hương thơm đặc trưng, được trồng để thường sử dụng trong ẩm thực như ăn kèm (rau sống) hoặc chế biến với những loại thực phẩm khác để kích thích ăn ngon miệng do đặc điểm của các loại rau này có mùi vị đặc biệt làm cho món ăn thơm hơn, ngon hơn. Hơn thế nữa, rau gia vị còn chứa những chất có tác dụng dược lý nên được sử dụng làm những vị thuốc nam có giá trị sử dụng rất an toàn và hiệu quả cao như Diếp cá, Húng quế, Húng lũi, Rau răm, Kinh giới….Chính vì vậy mà ở nhiều khuôn viên trường học, trạm xá thường dành riêng một khu vực làm “vườn cây thuốc nam” với chủ yếu các loại rau thơm này.

Rau gia vị có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, phải chủ động được nguồn nước tưới và thoát nước tốt. Nếu trồng trong mùa mưa cần phải làm giàn che hoặc trồng trong nhà lưới để giảm tổn thất. Nếu trồng trong mùa nắng cần đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ.

Rau gia vị là gì? Các loại rau gia vị phổ biến và dễ trồng trong khu vườn nhà bạn
Rau gia vị có hương thơm đặc trưng, được trồng để thường sử dụng trong ẩm thực.

Cây rau gia vị có thể sinh trưởng phát triển trên các loại đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát hoặc đất phù sa. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất cần lựa chọn đất có pH từ 5,0 – 7,0, hàm lượng chất hữu cơ cao, hệ thống tưới và thoát nước tốt. Đất phải được xới hay cày bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, bằng phẳng, sạch cỏ dại. Lên liếp rộng 0,8 – 1,2m; cao 0,1 – 0,3m. Ngoài ra, để rau gia vị thu hoạch đảm bảo an toàn, bạn cần chọn khu đất trồng xa nguồn nước thải, xa khu công nghiệp, bệnh viện,….

Do thời gian thu hoạch ngắn, thu nhiều lứa và ăn lá là chủ yếu nên nếu muốn bón phân bạn cũng cần có chế độ bón phân hợp lý, cân đối và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch rau gia vị.

  1. Một số rau gia vị phổ biến và dễ trồng

2.1. Húng cây (Mentha arvensis L.)

Húng cây, tên khoa học Mentha arvensis, họ Hoa môi. Tên khác là Bạc hà nam. Thân thảo, thân cây hình vuông, trên thân có nhiều chồi mầm và rễ mầm ở các đốt, màu hơi tím; Cây có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Lá màu xanh, hơi nhăn, mọc đối, ở nách lá có những chồi non.

Húng cây có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là bạn nên chọn trồng cây vào những ngày mưa, đầu mùa mưa hay những ngày trời mát mẻ. Trồng bằng phương pháp giâm cành, vì trên thân có nhiều mầm rễ.

Rau gia vị là gì? Các loại rau gia vị phổ biến và dễ trồng trong khu vườn nhà bạn
Bạc hà thân thảo, thân cây hình vuông, trên thân có nhiều chồi mầm và rễ mầm ở các đốt, màu hơi tím.

Bạn nên làm đất kỹ, nhuyễn, sạch cỏ, lên liếp chiều rộng 1 – 1,2m, chiều cao 10 – 15cm, chiều dài tùy kích thích vườn. Chọn những cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, tiến hành cắt cành khỏe, mỗi đoạn cành dài 10 – 15cm. Sau đó giâm xuống đất khoảng 2/3 chiều dài của cành, uốn cong phần giâm dưới đất để tăng diện tích tiếp xúc với đất, cây mau ra rễ. Giâm cành cách cành 10 – 15cm, hàng cách hàng 20cm. Tưới nước đủ ẩm kích thích cành ra rễ. Sau khi trồng tưới nước giữ đủ ẩm cho cây và sau 7 ngày có thể bón phân. Tuỳ theo trời nắng hay mưa, có thể mỗi ngày tưới nước 2 lần. Thường xuyên làm cỏ, tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây rau. Húng cây có thể cho thu hoạch nhiều đợt. Sau trồng 1 tháng có thể thu hoạch đợt thứ nhất, cắt chừa gốc khoảng 5cm để cây tiếp tục mọc chồi và phát triển. Đợt thu hoạch thứ 2 cách đợt thứ nhất 15 – 20 ngày. Mỗi chu kỳ sinh tưởng của cây có thể cho thu hoạch 7 – 10 đợt.

2.2. Diếp cá (Houttuynia codada Thumb.)

Diếp cá, hay còn gọi Dấp cá có tên khoa học là (Houttuynia codada). Cây thân thảo, cao 20 – 40cm. Thân cây màu lục hay tía đỏ, đốt than có rễ phụ nên có khả năng sinh sản vô tính rất cao. Lá mọc so le, có bẹ. Phiến lá hình tim, nhọn về phía đỉnh. Hoa nhỏ, màu vàng nhạt, mọc thành bông. Quả nang, hạt hình trứng. Cây ưa nhiệt độ cao (25 – 35oC), chịu hạn và chịu úng khá. Cây có thể sống trong điều kiện ngập úng 5-7 ngày.

Rau gia vị là gì? Các loại rau gia vị phổ biến và dễ trồng trong khu vườn nhà bạn
Các đối tượng bệnh thường xuất hiện trên diếp cá: Sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ, bệnh thối gốc.

Đối với diếp cá, bạn có thể trồng quanh năm, tốt nhất là những ngày mát mẻ, ngày mưa hay đầu mùa mưa ở Miền Nam. Bạn trồng cây diếp cá bằng phương pháp giâm cành. Đất được làm kỹ, tơi xốp, nhuyễn, sạch cỏ, lên liếp chiều rộng 1 – 1,2m, cao 10 – 15cm, chiều dài tùy kích thích vườn. Khi trồng bạn có thể cắt sát gốc của bụi diếp cá hoặc nhổ cả bụi để làm giống trồng. Trồng cây cách cây 30  50cm. Sau khi trồng, tưới nước giữ ẩm kích thích cây mau ra rễ. Mỗi ngày tưới nước 2 lần. Thường xuyên làm cỏ, tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây rau.

Các đối tượng thường xuất hiện trên cây rau diếp cá: Sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ, bệnh thối gốc. Bạn cần thường xuyên theo dõi vườn rau để đề phòng và phòng trị kịp thời. Sau khi trồng 1 – 1,5 tháng thì bạn đã có thể thu hoạch bằng cách cắt cả cây, chừa phần gốc 2 – 5cm, hoặc bạn cũng có thể hái mỗi lá khi sử dụng.

2.3.  Húng quế (Ocinum basilicum L.)

Húng quế tên khoa học Ocinum basilicum L. Thân thảo cao 40 – 70cm. Thân cây hình vuông, màu tím, thân phân nhiều nhánh. Rễ ăn nông, lá hình thoi, dài 3- 6cm. Rau húng quế Có thể trồng quanh năm, và vẫn trồng tốt nhất là những ngày mát mẻ, mưa hay đầu mùa mưa ở Miền Nam. Trồng Húng quế có 2 phương pháp: Gieo hạt trực tiếp trên luống hoặc gieo trong vườn ươm sau đó đem ra vườn trồng cây.

Đối với đất bạn cần phải xử lý đất bằng một trong các loại thuốc phòng trừ kiến. Rải đều hạt giống trên mặt liếp, sau đó phủ một lớp đất mỏng đồng thời một lớp mỏng rơm rạ để giữ ẩm kích thích hạt nảy mầm. Còn nếu bạn gieo giống trồng vườn ươm thì sau gieo 15 – 20 ngày cây cao khoảng 10cm (5 – 6 lá), bạn tiến hành nhổ đem trồng ngoài vườn. Bạn cần lựa chọn cây con khỏe, không sâu bệnh để trồng, cây cách cây 30cm. Sau khi trồng, tưới nước giữ đủ ẩm cho cây. Tuỳ theo trời nắng hay mưa, có thể mỗi ngày tưới nước 2 lần. Thường xuyên làm cỏ, tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây rau.

Rau gia vị là gì? Các loại rau gia vị phổ biến và dễ trồng trong khu vườn nhà bạn
Húng quế thân hình vuông, màu tím, thân phân nhiều nhánh, rễ ăn nông, lá hình thoi.

Các đối tượng thường xuất hiện trên rau húng quế: Sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ, bệnh thối gốc. Thường xuyên theo dõi đồng ruộng phòng trị kịp thời. Có thể dùng tay bắt giết; làm đất kỹ trước khi trồng, nhất là chỗ có ổ bệnh vụ trước, nhổ bỏ, tiêu huỷ các cây bị bệnh nặng.

Sau trồng khoảng 1 tháng có thể thu hoạch bằng phương pháp cắt cành, sau thu hoạch đợt 1 khoảng 15 ngày thì có thể thu hoạch đợt đợt hai.

2.4. Húng Lủi (Mentha aquatica)

Húng lủi là một cây rau thơm phổ biến ở nước ta. Húng lủi tên khoa học là Mentha aquatica. Loại rau này thuộc họ Hoa Môi, thân thảo, và có bề ngoài tương đối giống với rau bạc hà. Chính vì vậy rất nhiều người thường nhầm lẫn hai loại rau thơm này với nhau. Tuy nhiên, cây bạc hà khi ngửi sẽ có mùi thơm mát, vị cay the, mát lạnh. Trong khi đó, húng lủi có mùi hương nhẹ, vị cay nhẹ chứ không the cay mạnh đặc sắc như bạc hà. Lá của húng lủi có màu xanh đậm, hình dạng không đều, và có lông phủ trên cả hai mặt của lá. Mép lá có răng cưa nhỏ. Rễ của cây mọc nông và lan ra dưới mặt đất. Rau húng lủi là một trong những loại rau thơm rất giàu chất chống oxy hóa, phải kể đến như limonen hay cineol.

Để trồng húng lủi thì đất trồng rau giữ ẩm nhưng phải thoát nước tốt, chọn và làm đất trồng tơi xốp và có nhiều mùn hữu cơ, có thể dùng đất dinh dưỡng phân trùn quế trộn với tro trấu – trấu sống với tỷ lệ 1:2:1.

Bạn có thể trồng rau húng lũi bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành. Nếu trồng theo phương pháp giâm cành thì bạn cần chọn cây giống từ cây mẹ to khỏe. Sau đó, cắt đoạn hom giống dài từ 15-20 cm, gim nhánh vào chậu đất với khoảng cách 8-10cm và nghiêng gốc với mặt đất khoang 30 độ. Cuối cùng, sau khi trồng xong bạn dùng vòi nước nhẹ tưới đẫm rau, giữ độ ẩm cho cây. Tuỳ theo trời nắng hay mưa, có thể mỗi ngày tưới nước 2 lần, nhằm đảm bảo vườn rau luôn luôn ẩm. Nếu để rau bị khô hay úng đều làm cho rau bị đen thân lá và chết dần, hay còn gọi là hiện tượng rau trồng bị lụi. Thường xuyên làm cỏ, tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây rau.

Là loại cây cần 100% ánh sáng, nhưng đối với những khu đô thị thì sự bức xạ nhiệt do bê tông hóa làm cho không khí luôn luôn oi bức rất dễ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của rau trồng. Vậy nên, bạn cần có biện pháp che mát bằng lưới 70% ánh sáng hay trồng cây lớn tạo bóng râm giúp giảm nhiệt cho căn nhà.

Rau gia vị là gì? Các loại rau gia vị phổ biến và dễ trồng trong khu vườn nhà bạn
Lá húng lủi có màu xanh đậm, hình dạng không đều, và có lông phủ trên cả hai mặt của lá. Mép lá có răng cưa nhỏ.

Rau húng lũi thích hợp với phân hữu cơ hoai mục như phân bò hoai, phân trùn quế…có thể bổ sung thêm ít phân urê pha nước tưới lúc chiều mát với liều lượng 1 muỗng cà phê nhỏ pha trong 2lít nước tưới khi rau trồng đã cho vài đợt lá mới, hàng tháng tưới phân urê một lần. Khi thời tiết chuyển mùa cần dùng khoảng muỗng canh vôi bột rải trên mặt chậu để khử trùng cho đất trồng rau.

Một số tác nhân thường tấn công rau húng lủi tiêu biểu phải kể đến như là rệp mềm. Rệp mềm phá hoại làm rau húng lủi quăn lá, xoăn ngọn. Cách tốt nhất đó là cắt bỏ toàn bộ những nơi mà rệp gây hại. Khi đó, cây húng lủi sẽ nứt chồi và có xu hướng ra lá mới.

Sau khi trồng 2 tháng là có thể cắt thu hoạch, dùng kéo hay dao bén và sạch cắt gốc chừa lại khoảng 3-4 cm ( tính từ mặt chậu), sau mỗi đợt thu hái thì bón thêm ít phân trùn quế lớp 2 cm để giúp cây rau húng lũi cho thêm nhiều cây mới. Nếu cắt chừa phần gốc quá dài sẽ làm cho rau mau bị già thân, cây rau sẽ suy yếu từ từ.

Rau húng lũi trồng tại nhà có thể thu hái nhiều đợt và sống cả năm, trường hợp thấy rau húng lũi cho nhánh mới ít dần, cành rau mới nhỏ đi, khi đó có thể trồng lại chậu rau mới.

2.5. Rau răm (Polygonum odoratum)

Là loại cây thân thảo, sống nhiều năm. Toàn thân rễ, lá có mùi thơm đặc biệt dễ chịu. Thân mọc bò, có nhiều đốt, từ mỗi đốt mọc ra rất nhiều rễ phụ và nhiều nhánh. Thân mọc vươn đứng lên cao khoảng 30 – 40 cm. Lá cân, mọc so le hình mác hay hình trứng mác, cuống ngắn. Lá có màu xanh nhạt, phớt tím màu huyết dụ rõ nhất là ở mép và chót lá. Hoa hợp thành bông dài. Quả nhỏ, có 3 cạnh, hai đầu nhọn. Có thể thu hoạch quanh năm.

Mùa vụ trồng rau răm tốt nhất là những ngày mát mẻ, đầu hoặc cuối mùa mưa. Cây thích hợp ở những vùng đất thấp, có thể sống trên vùng đất ngập nước. Tuy nhiên, không được ngập ngọn cây lâu ngày. Rau răm được trồng bằng giâm cành.

Rau gia vị là gì? Các loại rau gia vị phổ biến và dễ trồng trong khu vườn nhà bạn
Rau răm là thân thảo, sống nhiều năm.

Bạn cần chọn khu đất thấp, ẩm. Làm đất kỹ, tơi xốp, dọn sạch tàn dư thực vật. Lên liếp rộng 1,2 – 1,5m, dài tùy theo khu đất trồng. Giống trồng được chọn từ những cành khỏe không sâu bệnh. Cắt từng đoạn cành dài 12 -15cm, có khoảng 5 – 6 mắt. Cành giống sau khi cắt có thể đem trồng liền hoặc đặt vào nơi râm mát, phần gốc đặt sát mặt đất, rồi tưới nước đều để rễ phụ đâm ra sau đó đem trồng cây sẽ mau hồi phục. Ngoài ra, có thể giâm rau răm giống vào đất bùn ẩm sau đó đem trồng. Khi trồng, lấp đất khoảng 2/3 đoạn cành. Khoảng cách trồng đối với rau răm là cành cách cành 10cm, hàng cách hàng 15cm. Sau trồng cần tưới nước đủ ẩm. Bạn có thể bỏn phân sau trồng 7 đến 10 ngày, cây ra rễ, lá non ở nách, ngọn bắt đầu nhú ra thì bắt đầu bón thúc định kỳ và sau mỗi lần thu hoạch cho cây. Chăm sóc cây bằng cách tưới nước đầy đủ, làm sạch cỏ dại.

Các đối tượng thường xuất hiện trên vườn rau rau răm: Sâu khoang, rệp sáp giả, bọ trĩ, bệnh thối gốc. Vậy nên bạn phải thường xuyên theo dõi vườn rau để có thể phòng trị kịp thời. Hoặc có thể dùng tay bắt giết; làm đất kỹ, nhất là chỗ có ổ bệnh vụ trước, nhổ bỏ, tiêu huỷ các cây bị bệnh nặng nhằm phòng trừ sâu bệnh hại cây.

Rau răm phát triển tốt, đâm nhiều chồi, lá vươn dài kín cây, là có thể thu hoạch được. Có 2 cách: Cắt tỉa các cành dài hoặc cắt luân phiên từng khu. Thu hoạch chừa phần gốc 3 – 5cm.

Trên đây là một trong những cây rau gia vị được chúng tôi tìm hiểu và đánh giá là phổ biến và dễ trồng đối với khu vườn nhà bạn. Và bạn còn muốn biết thêm thông tin về những loại rau gia vị nào dễ trồng? Vậy hay theo dõi phần tiếp theo của bài viết sau nhé. Hi vọng với những gì chúng tôi chia sẻ, các bạn có thể sớm trồng được vườn cây gia vị trong khu vườn của mình nhé.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây