Trong trồng trọt, để đảm bảo được sự sinh trưởng và phát triển tốt nhất cho mỗi loại cây, người trồng không thể bỏ quân bước bón phân. Đây là giải pháp giúp người nông dân cung cấp dinh dưỡng cho cây trong từng giai đoạn phát triển, đâm hoa, kết trái. Vậy có tất cả bao nhiêu loại phân có thể dùng để bón cho cây? Bài viết sau chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu tất tần tật các loại phân bón và cách sử dụng chúng để đạt hiệu quả cao nhất.
-
Phân bón hữu cơ
Theo đúng tên gọi, phân bón hữu cơ là loại phân gồm những hợp chất hữu cơ giàu các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng.
Phổ biến nhất mà chúng ta thường thấy như phân xanh từ các loại rau củ quả phân hủy, phân chuồng từ các chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, than bùn,…
Phân bón hữu cơ thường được dùng để bón lót cho đất có vai trò cung cấp chất mùn, chất hữu cơ cho đất trồng. Từ đó giúp đất tăng độ tơi xốp, phì nhiêu, giàu dinh dưỡng hơn. Sau khi trồng cây người ta vẫn tiếp tục bón loại phân này để cung cấp dinh dưỡng, kích thích cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, phân bón hữu cơ không chỉ có duy nhất một loại mà được phân ra thành nhiều loại khác nhau. Bao gồm: phân xanh, phân chuồng, phân rác, phân vi sinh, phân sinh học hữu cơ.
Phân xanh
- Thành phần: các loại cây lá tươi bón trực tiếp vào đất, thường lá các loại cây họ đậu
- Cách sử dụng: dùng bón lót cải tạo đất hay bón khi cây đang trong thời kỳ ra hoa
Phân chuồng
- Thành phần: là hỗn hợp gồm phân, nước tiểu của gia súc gia cầm và chất độn, thường phải ủ cho hoai mục trước khi bón bằng 1 trong 3 phương pháp là ủ nóng, ủ nguội hoặc ủ nóng trước nguội sau
- Cách sử dụng: dùng bón lót giúp đất tơi xốp và tăng độ phì nhiêu, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng
Phân rác
- Thành phần: các loại cỏ dại, thân lá cây xanh, rác, rơm,… ủ chung với phân men như phân chuồng, vôi, lân,… đến khi mục
- Cách sử dụng: thường dùng bón lót cải tạo đất
Phân vi sinh
- Thành phần: sản xuất từ các loại vi sinh vật có ích cho đất cấy vào chất hữu cơ như than bùn
- Phân loại: phân vi sinh phân giải chất xơ, phân vi sinh phân giải lân, phân vi sinh cố định đạm
- Cách sử dụng: dùng bón lót cải tạo đất ở các vùng đất phèn, đất thoái hóa nghèo dinh dưỡng,… đồng thời cung cấp hoạt chất kích thích sự tăng trưởng của cây từng giai đoạn phát triển thân, lá, rễ, ra hoa và kết trái
Phân sinh học hữu cơ
- Thành phần: phối hợp men vi sinh trộn thêm một số hoạt chất sinh học có lợi khác, sản xuất bằng công nghệ sinh học tiên tiến
- Cách sử dụng: phun lên lá hoặc bón gốc, kích thích sự tăng trưởng, phát triển của cây trồng hiệu quả
-
Phân bón vô cơ
Phân bón vô cơ hay còn được gọi là phân bón hóa học, là loại phân sản xuất theo quy trình công nghiệp, có chứa dinh dưỡng dưới dạng muối khoáng vô cơ.
Theo thành phần có trong phân, phân bón vô cơ chia làm 2 loại chính là phân bón vô cơ dạng đơn và phân bón vô cơ dạng hỗn hợp.
Phân bón vô cơ dạng đơn
- Thành phần: chỉ chứa một trong ba chất dinh dưỡng khoáng là N, P hoặc K
- Phân loại: chia làm 3 loại là phân đạm (phân urea, đạm sunfat, nitrat, clorua amon,…), phân lân (gồm phân super lân và phân lân nung chảy) và phân kali (gồm clorua kali, sunfat kali và nitrat kali)
- Hiệu quả sử dụng: Phân đạm giúp thúc đẩy cây ra lá, cành, tăng năng suất, phân lân dùng bón lót thúc đẩy rễ phát triển, phân kali dùng bón thúc tăng năng suất và chất lượng cây trồng
Phân bón vô cơ dạng hỗn hợp
- Thành phần: là loại phân chứa từ 2 chất dinh dưỡng khoáng N, P, K trở lên
- Phân loại: Phân trộn (gồm phân NPK, phân đôi và phân chuyên dùng), phân phức hợp
- Hiệu quả sử dụng: Kích thích sự phát triển các bộ phận của cây bao gồm cả rễ, thân, nhánh và lá, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng, có thể dùng bón lót hoặc bón thúc đều được
-
Phân vôi
Vôi cũng được coi là một loại phân dùng bón cho cây trồng nhằm cải tạo đất chua, mặn, cung cấp canxi cho cây, phân giải chất hữu cơ và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng.
Có 2 loại vôi thường được dùng để bón cho cây là:
- Vôi nghiền: là các loại đá vôi, vỏ ốc, sò,… nghiền thành bột dùng bón lót lúc làm đất, không bón chung với phân đạm
- Vôi nung: là thành phẩm từ quá trình nung CaCO3 thành CaO dùng xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, hiệu quả nhanh hơn vôi nghiền
Như vậy có thể thấy, mỗi loại phân bón đều có những thành phần riêng và hiệu quả sử dụng khác nhau. Do đó, trước khi dùng, người nông dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng từng loại để đạt được hiệu quả tốt nhất.