Đậu xanh là thực phẩm thân thuộc với mỗi gia đình. Người ta có thể dùng đậu xanh để nấu nhiều món như canh, xôi, chè,… Với thị trường rộng khắp cả nước và nhu cầu cao, đậu xanh được nhiều nhà vườn trồng. Tuy nhiên, đa số người nông dân chưa biết cách trồng đậu xanh như thế nào để đạt năng suất cao nhất. Vì vậy, trong bài viết này, Agri xin chia sẻ đến bà con kỹ thuật trồng đậu xanh mới nhất, năng suất cao.
-
Bước chọn giống
Đậu xanh có 4 giống chính được nhiều người trồng nhất là V87-13, HL89 E3, V94-208 và V91-15. Mỗi giống có khả năng sinh trưởng và năng suất khác nhau. Vì vậy, bà con nên dựa vào điều kiện đất, khí hậu mà lựa chọn giống đậu xanh phù hợp. Sau đây là thông tin chi tiết về các giống đậu xanh trên.
– Giống đậu xanh V87-13
Đây là cây đậu xanh có năng suất tốt, cây sinh trưởng mạnh cùng khả năng chống chịu sâu bệnh. Trung bình đậu xanh V87-13 cho năng suất từ 1 – 1,2 tấn/ha. Nếu như điều kiện thuận lợi và chăm sóc đúng kỹ thuật, 1 hecta có thể đem thu hoạch được 2 tấn đậu xanh.
Về đặc điểm của cây, đậu xanh V87-13 có chiều cao trung bình khoảng 50cm, cành và lá mọc xanh tốt. Nếu như tưới nước và bón phân đầy đủ, cây đậu xanh này có thể trổ bông đợt 2 bằng 60% so với đợt đầu.
Giống đậu xanh này có hạt to đều, màu xanh đậu. Chúng được xuất khẩu nhiều ra các nước và người tiêu dùng yêu thích.
– Giống HL89 E3
Giống đậu xanh này thích hợp trên nhiều loại đất trồng, hạt có màu xanh mỡ bóng. Trung bình mỗi hecta sẽ thu hoạch từ 800 – 1200kg hạt đậu xanh. Một ưu điểm mà giống HL89 E3 và V87-13 có được là hạt không bị đổi màu khi gặp trời mưa trong lúc thu hoạch.
– Giống 91-15
Giống đậu xanh V91-15 có chiều cao trung bình khoảng 65cm. Bông trỗ đều nên rất thuận tiện cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Hạt của giống đậu xanh này có hình trụ, màu xanh đậm và được nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Mỗi vụ có thể thu hoạch 2 lần nếu chăm sóc tốt. Đợt đầu hái được 70 – 80%, đợt 2 sẽ hái nốt phần còn lại. Giống đậu xanh này vừa kháng bệnh khảm vàng, vừa phòng được bệnh đốm lá.
– Giống V94-208
Đây là giống đậu xanh có năng suất cao, trung bình khoảng 1,5 tấn/ha. Nếu chăm tốt và khí hậu thuận lợi có thể đạt 2,8 tấn/ha.
Đậu xanh V94-208 thân to, lá rộng với chiều cao trung bình khoảng 75cm. Quả nằm trên mặt lá cho ra hạt xanh đậm, bóng mịn. Một đặc điểm cần lưu ý khi trồng đậu xanh V94-208 hạt đóng không khít nên thường cho ra ít hạt nếu không chăm bón tốt.
Ngoài ra, nếu thu hoạch mà gặp trời mưa thì hạt dễ bị đổi màu, mối mọt tấn công. Giống cây này cũng có khả năng kháng sâu bệnh kém nên bà con có thể gieo trồng vào vụ Đông – Xuân để đạt năng suất cao hơn.
-
Giai đoạn làm đất trồng cây
Đậu xanh không kén đất, tuy nhiên cần phải cày bừa để đất tơi xốp và làm sạch cỏ. Đặc biệt, cây đậu xanh không ưa ngập úng nên bà con có thể lên luống và dựng cây chống.
Để thuận tiện trong việc chăm sóc, bà con nên gieo đậu xanh theo hàng với khoảng cách từ 40 – 60cm mỗi cây. Mỗi luống từ 3 – 4 hàng và đặc biệt chú ý đến các rãnh thoát nước.
-
Công đoạn gieo hạt
– Hạt đậu xanh nảy mầm khỏe nếu đảm bảo được 2 yếu tố nhiệt và ẩm. Để đảm bảo đầy đủ nhiệt cho hạt nảy mầm, nhiều nông dân có tập quán gieo đón mưa. Nếu gặp năm mưa thuận thì năng suất rất cao, nhưng đa số các cơn mưa đầu vụ thất thường, nhiều vụ gieo đi gieo lại 2-3 lần rất tốn kém. Để giảm sự bấp bênh ở khâu gieo hạt, bà con cần chú ý phần dự báo thời tiết trên các phương tiện truyền thông. Đậu xanh có thể gieo sạ theo hàng, gieo hốc. Tùy theo phương thức gieo mà lượng giống thay đổi, thông thường là lượng giống sử dụng ít nhất từ 15-16 kg/hécta.
4. Phân bón và chăm sóc
– Lượng phân bón thích hợp cho 1 hécta đậu xanh trên vùng đất đỏ Đông Nam bộ là 90kg urê, 300kg super lân và 90kg kali và chia làm 3 lần để bón.
– Lần thứ nhất: Bón toàn bộ lân, 1/3 đạm, 1/3 kali.
– Lần thứ hai: Bón thúc đợt 1 khi cây được 3 lá thật. Lượng phân bón là 1/3 urê và 1/3 kali. Do đậu xanh có số lá ít, vì vậy nên kết hợp bón thúc đợt 1 với làm cỏ lần đầu
– Lần thứ 3 sau khi gieo 25 ngày, ta tiến hành bón thúc toàn bộ lượng phân còn lại và kết hợp với làm cỏ, vun gốc.
– Đậu xanh là cây trồng chịu hạn tốt, trồng vào mùa khô chỉ tưới 2-3 lần/tuần. Sử dụng cây tưới phun để tưới cho đậu xanh vừa tiết kiệm nước và tránh bật gốc làm ảnh hưởng đến phát triển sinh trưởng của cây.
5. Thu hoạch
– Đậu xanh trồng được khoảng 45 – 50 ngày bắt đầu cho thu hoạch. Khi thu hoạch chỉ hái những quả chín chuyển màu nâu, nên thu trái vào buổi chiều, tránh thu vào buổi trưa những quả chín khô sẽ bị bung ra làm tỷ lệ hao hụt cao.
– Quả đậu xanh sau khi thu hoạch về đem phơi nắng khoảng 3-4 ngày đập tách lấy hạt làm sạch bụi, phơi tiếp 1-2 ngày và cho vào bao để bảo quản.