Cá chim trắng vây vàng là loại cá phổ biến được người dân Việt Nam vô cùng chú trọng, không những dễ nuôi lại cực kỳ dễ dàng thu lại nguồn lợi nhuận kếch xù cho bà con theo đuổi mô hình nuôi trồng này. Để hiễu rõ hơn về quy trình nuôi cá, hãy cùng Agri.vn chúng tôi theo dõi bài viết sau nhé!
Đặc điểm sinh học
Cá chim vây vàng có tên tiếng Anh là Snubnose pompano, có nơi gọi là cá chim vây vàng, cá sòng mũi hếch.
Chúng có thể sống ở mức độ mặn từ 2‰ đến 45‰. Ở dưới mức độ mặn 20‰, cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện độ mặn cao, tốc độ sinh trưởng của cá chậm hơn (Allen và ctv, 1970). Cá chim thường bắt gặp ở vùng nước có độ mặn ở giai đoạn trưởng thành trong khoảng 30 đến 37‰. Nhưng ở giai đoạn nhỏ, chúng xuất hiện ở những vùng có khoảng dao động độ mặn rộng hơn, từ 9 đến 5‰ (Gilbert và ctv, 1986).
Kỹ thuật nuôi cá chim trắng vây vàng
1. Lựa chọn mùa vụ nuôi
Thời gian nuôi phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ cá thương phẩm. Việc nuôi thương phẩm cá Chim trắng vây vàng trong ao đầm nước lợ chỉ nên kéo dài từ 8-10 tháng vì sẽ rất thuận lợi cho công tác quản lý và chăm sóc. Chính vì như thế nên mùa vụ thả giống tốt nhất là từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch.
– Chọn địa điểm nuôi
Cần chọn nơi có địa hình thuận tiện, biên độ dao động của thuỷ triều từ 2 – 3 m. Chất đất: loại sét thường hay sét pha cát (giữ được nước ao) để giữ nguồn nước. Yêu cầu chỉ số kỹ thuật một số yếu tố môi trường phù hợp nhất trong ao nuôi: Nhiệt độ 26-32 (oC), Độ mặn 10 – 20‰, Oxy hoà tan 5-7 mg/l, NH3 < 0,9 mg/l, pH nước 7,5 – 8,5.
2. Cải tạo ao nuôi
– Đối với ao nuôi cũ:
Cũng giống như các ao nuôi đối tượng khác, ao sử dụng để nuôi cá Chim trắng vây vàng sau khi tháo khô tu sửa lại bờ ao, cống và hút hết bùn đáy ra. Thì tiến hành bón vôi lượng 10-15kg/100m2 ao
– Đối với ao nuôi mới:
Ao sau khi mới xây xong cần thau chua 2 – 3 lần sau đó căn cứ vào nồng độ pH của đất để bón vôi cải tạo với lượng 10 – 20kg/100m2 ao.
3. Lấy nước
Nước lấy vào được lọc kỹ qua lưới dày, sau khi mực nước trong ao đạt 1-1,2 m thì tiến hành gây màu nước bằng phân hữu cơ ủ kỷ liều dùng 10 – 20kg/100m2. Sau 5-7 ngày màu nước trong ao có màu xanh vỏ đậu thì tiến hành thả giống.
4. Thả giống
– Mật độ: tùy vào điều kiện cụ thể của từng ao nuôi, thị trường tiêu thụ, khả năng đầu tư, trình độ kỹ thuật của chủ hộ mà định ra mật độ nuôi cho thích hợp, thường từ 0, 5 – 1,0 con/m2 ao
– Cỡ cá đưa vào nuôi thương phẩm từ 10 – 20g/con để có thể thu hoạch sau khi nuôi từ 8 – 10 tháng.
– Cần chọn con giống khỏe mạnh, không bị bệnh, dị tật hay dị hình, bơi theo đàn trong nước. Trước khi thả cá cần phải thuần hóa độ mặn để độ mặn nước trong bao vận chuyển cá và ao nuôi chênh lệch nhau không quá 5‰
– Thời gian thả: Thả vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối
– Kỹ thuật thả giống: Thả vào đầu chiều gió, trước khi thả đưa túi cá giống xuống ao trong vòng 5 – 10 phút cho cá thích ứng dần với môi trường nước. Tiếp theo đó,bà con mở túi thả cho cá giống ra từ từ.
5. Quản lý chất lượng nước
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi (độ sâu, độ mặn, nhiệt độ, oxy hòa tan) và tình trạng sức khỏe cá. Lưu ý thay nước cho ao nuôi theo chế độ thủy triều hoặc lấy nước từ ao chứa.
Đảm bảo mực nước ao luôn ở mức >1,2m. Thay nước ít nhất 2 lần/ tuần từ 20 – 50 % khối lượng nước ao, tùy theo chất lượng nước trong ao
Chú ý định kỳ 2 lần/tháng nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường ao nuôi.
6. Quản lý thức ăn
Thức ăn hiện là vấn đề lớn mà hiện nay nghề nuôi cá biển đang phải đương đầu. Với loại cá chim trắng vây vàng này, mặc dù chưa có thức ăn chuyên dùng, nhưng có thể dùng thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp dùng cho các loại cá biển khác như: Cá Giò, cá Vược để cho ăn. Với thành phần Protein >45%.
Số lần cho ăn 2 lần/ngày vào các buổi 8 giờ và 17 giờ chỉ nên cho ăn lúc cá bơi gần mặt nước.
Phòng và trị bệnh thường gặp
Cá thường mắc bệnh trùng bánh xe và trùng quả dưa khi nhiệt độ nước từ 23 – 26oC. Đối với môi trường miền bắc từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau cá thường mắc bệnh. Nếu cá bị bệnh bà con sẽ thấy cá thường bỏ ăn, bơi tách đàn không định hướng. Dẫn đến cá bị lở loét ở phần thân sau 2 – 3 ngày mắc bệnh. Bà con chú ý phải luôn giữ nước ao sạch, tắm phòng cho cá 20 ppm (20 ml/m) formaline hàng tháng.
Thu hoạch
Trong khi nhiều loại cá khác phải đạt trọng lượng 1 kg mới cho thịt ngon và bán được giá, thì cá chim vây vàng chỉ cần nặng trên 3 lạng là có thể bán tỉa, chất lượng thịt vẫn đảm bảo.
Khi cá có số cân từ 0,8 – 1kg tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hay thu hoạch toàn bộ cùng một lúc tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường. Lưu ý trước khi thu hoạch 1 ngày, bà con không được cho cá ăn. Có thể dùng lưới kéo được trên 95% tổng số cá trong ao. Sau đó rút nước để ao cạn và thu hoạch số còn lại trong ao.
Vì đây là loài vận động mạnh thuộc ngưỡng Oxy cao do đó không nên thu hoạch cá khi mặt trời chưa lên (trước 8h) hoặc trời âm u. Chúng ta đều có thể vận chuyển cá chim vây vàng sống đến nơi bán bằng các thùng nhựa thể tích nước 1 – 1,5 m3 với mật độ cá vận chuyển 50 kg/m3 có thể vận chuyển trong thời gian từ 7 – 8 giờ.
Xem thêm: https://agri.vn/huong-dan-ky-thuat-nuoi-tho-thit-nang-suat-cao/