Nhu cầu trồng rau sạch ở nhà phố đang ngày càng được ưa chuộng bởi nỗi lo nguồn rau bẩn tràn lan.
Có rất nhiều cách để tạo ra vườn rau sạch tại nhà cho gia đình như: làm nhà kính, nhà màng mini, trồng thủy canh hay trồng rau trong thùng xốp, khay nhựa,… Phương thức trồng rau trong thùng xốp rất được ưa chuộng. Tuy có hơi thô và không thẫm mỹ nhưng phương thức này thật sự rất đơn giản, tiện lợi, chi phí thấp và còn mang lại nguồn nông sản sạch như mong muốn.
Nội dung chính
Có ngay vườn rau sạch tại nhà với bí quyết đơn giản
Bạn không cần tốn quá nhiều công sức và còn tận dụng được vật liệu tái chế mà vẫn có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn có vườn rau sạch tại nhà xanh tốt:
Bước 1: Chuẩn bị chậu trồng
Trước tiên, bạn cần chuẩn bị những chiếc thùng xốp, hộp xốp hay có thể là những chiếc hộp cũ và hãy đảm bảo là chúng lòng sâu để cung cấp không gian cho rễ cây phát triển mạnh mẽ. Bạn có thể tận dụng thùng xốp, vật liệu cũ hoặc tìm mua với đủ kích thước như mong muốn, phù hợp từng loại rau.
Và đừng quên Tạo các lỗ nhỏ ở phần đáy mỗi thùng xốp theo hai hàng với khoảng cách đều nhau để thoát nước
Bước 2: Chuẩn bị đất trồng
Để có vườn rau sạch tại nhà thì đất trồng hay giá thể trồng là yếu tố quan trọng. Đất trồng hữu cơ, phân vi sinh và hạt giống rau củ được chọn mua tại các cửa hàng chuyên kinh doanh hạt giống rau sạch uy tín để đảm bảo chất lượng đất, phân bón cũng như tỷ lệ nảy mầm của hạt giống.
Hoặc bạn có thể tự trộn giá thể trồng cây từ xơ dừa, tro trấu, phân bò. Tham khảo thêm tại đây: Cách làm giá thể cho cây trồng trong mô hình nhà màng; cách trộn giá thể cho rau trồng thủy canh
Bước 3: Chọn chọn trí đặt chậu cây
Chọn nơi có nhiều ánh nắng mặt trời chiếu nhẹ vào buổi sáng, râm mát vào buổi chiều. Nếu sân thượng của bạn nắng gắt cần trang bị thêm lưới cắt nắng (lưới lan) để giảm cường độ. Bởi cây con không chịu được cường độ ánh sáng mạnh, chúng sẽ bị cháy và chết. Và cũng có thể khiến cây trồng chậm lớn, còi cọc. Nếu ở trên tầng cao, hãy xem xét đến việc chọn các loại cây trồng chịu nhiệt.
Tuy nhiên, nếu muốn trồng đa dạng các loại rau, bạn nên tham khảo phương án lắp đặt lưới che nắng, giảm nhiệt cho sân thượng để hạn chế nắng xuống sàn. Khi sử dụng nhà kính mini thì bạn không cần bận tâm điều này.
Đồng thời, khi trồng cần lót thêm những viên gạch nâng cao các thùng xốp lên khỏi bề mặt sàn để hỗ trợ quá trình thoát nước và vệ sinh cũng dễ hơn.
Bước 4: Trồng cây
Cho đất trồng hữu cơ vào ¾ thùng xốp (trước đó nên trộn đều đất với phân vi sinh). Dùng bay tạo những lỗ nhỏ trên bề mặt đất rồi đặt cây rau giống vào, lấp đất và nén nhẹ. Phủ một lớp mùn cưa mỏng khoảng 0.7 – 1.0cm lên bề mặt đất sau đó tưới nước cho cây. Nhu vậy là bạn đó hoàn thành các bước để có một vườn rau sạch cho gia đình. Bây giờ thì chỉ cần chờ đợi cây lớn và bón phân để cung cấp thêm dinh dưỡng cho chúng lớn.
Lưu ý: mỗi thùng không nên gieo quá nhiều hạt vì số lượng cây dày sẽ không đủ dinh dưỡng cho tất cả.
Trồng rau trong thùng xốp dễ bị ngập úng nếu không có lỗ thoát nước. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng thùng xốp, thì có thể trồng theo phương pháp thuỷ canh. Phần thùng xốp dùng để chứa nước và bạn sử dụng phần nắp khoeét những lỗ tròn và đặt ly nhựa chứa giá thể và cây con. Cây sẽ hút dinh dưỡng từ giá thể trong ly và dinh dưỡng trong nước để lớn. Nếu làm theo phương pháp này, bạn không cần đục lỗ thoát nước nhé.
Bước 5: Bón phân cho cây
Việc bón phân phải tùy thuộc vào từng loại rau và từng giai đoạn phát triển: Rau ăn lá cần nhiều đạm, rau lấy thân và củ cần nhiều phân lân, rau ăn quả cần nhiều kali. Phân bón có thể là phân vô cơ (phân hóa học) và phân hữu cơ tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Ngoài ra, bạn có thể làm phân tự ủ từ rác thải nhà bếp (vỏ rau củ, bã trà, bã cà phê,…) để làm phân bón vừa tiết kiệm vừa an toàn.
Bước 6: Cải tạo đất
Cần cải tạo đất sau vụ trồng bởi đất bị bạc màu do cây lấy hết dinh dưỡng . Sau khi thu hoạch hết rau, đổ đất ra phơi nắng 5 – 7 ngày cho khô rồi mới tiến hành cải tạo đất:Trước tiên, rắc vào mỗi chậu trồng rau một nắm nhỏ vôi bột rồi trộn đều. Việc phơi đất và rắc vôi bột nhằm mục đích loại trừ các mầm bệnh và các ấu trùng sâu hại trong đất.
Tăng độ tơi xốp cho đất bằng cách trộn vào đất các loại trấu, mùn cưa, xơ dừa…; Trộn thêm phân bón vào đất.
Một lưu ý khi trồng rau trồng rau tại nhà là không trồng cùng một loại rau trên một chậu đất trong hai vụ liên tiếp để tránh sâu bệnh.
Để việc làm vườn trở nên dễ dàng hơn, bạn nên thiết kế hệ thống tưới nước. Nếu chưa có điều kiện, bạn có thể mua và lắp đặt ống bằng nhựa nối từ tầng liền kề lên sân thượng. Nếu có điều kiện, bạn có thể lắp đặt hệ thống tưới tự động, hệ thống sẽ tưới theo thời gian bạn mong muốn và bạn có thể kết hợp với bộ châm phân nếu thích. Khi đó bạn sẽ không còn nỗi lo mối ngày đi xa ai sẽ tưới nước cho vườn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn tự lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt dọc luống để tự mình có thể lắp đặt hệ thống tưới, tiết kiệm thêm một khoản chi phí.
Một hệ thống tưới tự động giúp bạn vừa đỡ tốn công chăm sóc vừa đảm bảo cây cối vẫn phát triển xanh tươi trong khi bạn đi công tác vắng nhà vài ngày.