Sản lượng yến Việt Nam có thể đạt 350 – 400 tấn/năm

0
186
Sản lượng yến Việt Nam có thể đạt 350 - 400 tấn/năm
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Dự báo đến năm 2030, sản lượng yến Việt Nam có thể đạt 350 – 400 tấn/năm, với giá trị khoảng trên 1 tỷ USD.

Xuất khẩu yến chính ngạch sang Trung Quốc

Trước nay, yến sào Việt Nam chỉ xuất qua đường tiểu ngạch, hoặc du lịch với sản lượng không lớn. Việc được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân, kỳ vọng tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của nước ta trong thời gian tới.

Nhưng mới đây, ngành yến của Việt Nam vừa đón nhận tin vui khi đã xuất khẩu chính ngạch lô yến sào đầu tiên sang Trung Quốc, theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ NN & PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Những sản phẩm tổ yến tinh chế đầu tiên của Việt Nam đã chính thức có mặt tại thị trường Trung Quốc. Yến sào vốn là nông sản có giá trị cao và được thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng.

Các đối tác Trung Quốc đã dành gần 1 năm khảo sát về ngành yến Việt Nam, tìm kiếm các doanh nghiệp có nguyên liệu, nhà máy và công nghệ phù hợp tạo ra các sản phẩm yến có hàm lượng dinh dưỡng và kiểm dịch đạt chuẩn.

Ông Dương Tài Hữu – Đại diện Tập đoàn Dược phẩm Nhân Hòa, Trung Quốc cho biết: “Nhu cầu yến tại Trung Quốc rất lớn. Chúng tôi đang lên kế hoạch tiến tới việc nhập khẩu các sản phẩm yến nước từ Việt Nam. Chỉ cần có sản phẩm phù hợp và đúng tiêu chuẩn đặt ra là chúng tôi sẵn sàng hợp tác”.

Sản lượng yến Việt Nam có thể đạt 350 - 400 tấn/năm
Dự báo đến năm 2030, sản lượng yến Việt Nam có thể đạt 350 – 400 tấn/năm.

Hiện sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, có nhu cầu lên đến 300 tấn/năm, chiếm đến 80% thị phần toàn cầu. Gia tăng chế biến, đa dạng hoá sản phẩm sẽ là định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Một ngành hàng có thể chế biến ra hàng trăm sản phẩm. Yến có yến tổ, yến nước. Yến có thể ninh với hạt sen, đông trùng hạ thảo để đa dạng hoá sản phẩm. Đa dạng hoá sản phẩm phục vụ các cấp độ thị trường và đa dạng đối tượng”.

Tiềm năng ngành yến Việt Nam

Theo Bộ NN & PTNT, hiện nay, cả nước có 42 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến, tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Bình Định, Khánh hoà, Lâm Đồng.

Đến nay, đã có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc. Trong đó, 5 doanh nghiệp sản xuất yến đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.

Dự báo đến năm 2030, sản lượng yến Việt Nam có thể đạt 350 – 400 tấn/năm, với giá trị khoảng trên 1 tỷ USD.

Tăng cường truy xuất nguồn gốc trong ngành yến

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành yến Việt Nam là việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, thiếu tính liên kết sản xuất theo ngành hàng.

Trong khi đó, yêu cầu của người tiêu dùng quốc tế ngày càng cao cả về chất lượng và các yếu tố bền vững như truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Vì thế, việc cấp mã số các cơ sở nuôi chim yến và xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Sản lượng yến Việt Nam có thể đạt 350 - 400 tấn/năm
Hàm lượng chất dinh dưỡng của tổ yến Việt Nam tương đương với sản phẩm cùng loại tại Malaysia, Thái Lan.

Tính đến nay, cả nước có hơn 4.000 mã nhà yến đã được cấp, nghĩa là mới chỉ có 18% tổng số nhà yến trên cả nước có mã định danh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng dữ liệu quốc gia về số lượng nhà nuôi chim yến, sản lượng tổ yến sát với thực tế, có độ chính xác cao để phục vụ công tác quản lý, xuất khẩu.

Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã có hiệu lực từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn các cơ sở nuôi chim yến và các doanh nghiệp chế biến tổ yến lúng túng trong việc đăng ký xuất khẩu chính ngạch.

Các địa phương cũng đang triển khai nhiều giải pháp, hướng dẫn các nhà yến đăng ký và cấp mã số, hướng đến quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu.

Để phát triển nghề yến lâu dài, nhiều địa phương kiến nghị Bộ NN & PTNT sớm ban hành quy trình chung, sổ tay hướng dẫn thực hiện xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc theo Nghị định thư để tổ chức triển khai thống nhất trong phạm vi cả nước.

Các nhà khoa học thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ (Viện Chăn nuôi) vừa công bố kết quả nghiên cứu đối với tổ yến được nuôi tại vùng Bình Dương, Bình Phước. Theo đó, đối với hàm lượng chất dinh dưỡng trong tổ yến, kết quả phân tích cho thấy tổ yến ở các nhà yến tại Bình Dương, Bình Phước có tỷ lệ vật chất khô là 84,65%, protein là 57,56%, carbohydrate là 22,81% và chất béo tổng số là 0,56%. Đối chiếu với kết quả phân tích chất dinh dưỡng của yến nuôi tại Malaysia và Thái Lan cho thấy thành phần hóa học trung bình của tổ yến thô (gồm vật chất khô, protein, chất béo, carbohydrate tương đương với chất lượng tổ yến tại Bình Dương, Bình Phước. Điều này khẳng định chất lượng tổ yến Việt Nam không thua kém so với các nước trong khu vực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây