Hình thành vùng chuyên canh nhờ ứng dụng công nghệ cao

0
1610
Hình thành vùng chuyên canh nhờ ứng dụng công nghệ cao
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Bình Định đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất của hộ gia đình, giúp hình thành nhiều khu chuyên canh.

Nhiều địa phương của Bình Định hiện trở thành mô hình chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Theo đó, huyện Hoài Ân được mệnh danh là “thủ phủ” cây ăn quả của tỉnh; thị xã Hoài Nhơn tập trung cho phát triển kinh tế biển và sản phẩm đặc trưng địa phương; huyện Phù Cát là trung tâm của việc triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn thích hợp; huyện Tây Sơn phát triển rừng cây gỗ lớn, quy hoạch các vùng trang trại cây ăn quả phục vụ du lịch….

Kết quả trên là nhờ tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 11 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.

Hình thành vùng chuyên canh nhờ ứng dụng công nghệ cao
Nông dân huyện Hoài Ân trồng bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP.

Trong nhiều chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu đề ra trong chương trình đều vượt kế hoạch, gồm: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành nông nghiệp đạt 3,27%; diện tích rau an toàn hợp chuẩn VietGAP được chứng nhận 114,8 ha; sản lượng thủy sản khai thác đạt 264.000 tấn; sản lượng khai thác thủy sản xa bờ 220.000 tấn; sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh là 217 sản phẩm.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao; nhân rộng các mô hình canh tác tiên tiến; ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao sản lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu như thâm canh lúa cải tiến (SRI); duy trì các cánh đồng liên kết trong sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm với 270 cánh đồng, diện tích 11.000 ha.

Địa phương cũng xây dựng 8 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 106 ha, hơn 1.200 hộ nông dân tham gia vào dự án sản xuất; quy hoạch vùng với cây quả có lợi thế; 90,4 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, 2,4 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Trong chăn nuôi, nhóm chủ lực như heo, bò, gà tăng trưởng ổn định. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ đàn heo nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao hơn 97.000 con, chiếm 40,3% tổng đàn heo; tỷ lệ bò lai chiếm 90% tổng đàn (thịt chất lượng cao chiếm 26,2% tổng đàn); tỷ lệ đàn gà nuôi công nghệ cao 2,2 triệu con.

Về thủy sản, địa phương tiếp tục cơ cấu lại đội tàu khai thác, đầu tư nâng cấp công nghệ trong hoạt động để tăng sản lượng, giảm chi phí và khai thác hợp lý.

Hình thành vùng chuyên canh nhờ ứng dụng công nghệ cao
Ngư dân Bình Định bảo quản cá ngừ bằng công nghệ nano.

Lĩnh vực lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng được chú trọng, kết hợp đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất giống cây lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng. Hiện, toàn tỉnh đã có 3 doanh nghiệp sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô, năng lực sản xuất 14 triệu cây mỗi năm.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực cho toàn ngành nông nghiệp. Sở cũng tích cực phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình hành động đã đề ra.

“Tỉnh sẽ quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trọng điểm để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo điều hành phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp”, ông Phúc nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây