Phân trùn quế là phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Cách ủ phân trùn quế tại nhà quy mô nhỏ là chủ đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Việc ủ phân tại nhà giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn cho cây trồng. Đặc biệt phân trùn quế làm tại nhà rất đơn giản, dễ làm và mang lại hiệu quả cao. Hôm nay agri.vn sẽ hướng dẫn mọi người cách ủ phân trùn quế đơn giản nhất: ủ phân trùn quế bằng rác thải nhà bếp. Với nguyên liệu nhà ai cũng có để có thể tạo ra loại phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Cùng tìm hiểu nhé!
Lợi ích khi ủ phân trùn quế bằng rác thải nhà bếp
Trùn quế mang lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp. Từ con vật nhỏ bé này có thể làm ra phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng và là nguồn thức ăn béo bổ cho vật nuôi. Chính vì vậy trùn quế ngày nay được đưa vào nuôi công nghiệp. Hiện nay có nhiều trang trại nuôi trùn quế quy mô lớn. Tuy nhiên nếu các nhà vườn, nhà nông muốn nuôi trùn quế để lấy phân tại nhà cũng không phải là chuyện khó khăn.
Để nuôi trùn quế nhanh lớn, thải nhiều phân thì đầu tiên phải mua được sinh khối trùn quế tốt. Sau đó chuẩn bị ủ thức ăn cho trùn quế. Thức ăn chính của trùn quế là phân động vật ăn cỏ và rác thải nhà bếp. Hôm nay chúng ta sẽ nói về cách ủ phân trùn quế tại nhà bằng rác thải nhà bếp.
Hiện nay lượng rác thải hữu cơ từ nhà bếp ở mỗi hộ gia đình là rất lớn. Do đó việc nuôi trùn quế sẽ giúp xử lý được lượng rác thải này. Vừa xử lý được rác hữu cơ vừa tạo được phân bón tốt cho cây trồng. Quả là một công đôi việc!
Cách ủ phân trùn quế bằng rác thải nhà bếp
Vị trí ủ phân
Nên ủ phân ở vị trí khô ráo, thoáng mát và không ẩm mốc, bị mưa dột. Đặt thùng ủ ở nơi mát mẻ, không bị dính nước mưa, có mái che mưa che nắng tạo điều kiện cho trùn quế phát triển. Nên kê cao thùng ủ để tránh nước và côn trùng bò vào.
Mua sinh khối trùn quế
Trước khi ủ phân thì hãy mua sinh khối trùn quế ở nơi uy tín. Mua tại cửa hàng uy tín hoặc các trang trại lớn để khi vận chuyển trùn vẫn sống và phát triển tốt. Sinh khối trùn quế phải có nhiều trùn quế bố mẹ và kén trùn. Nuôi trùn quế trong thùng xốp có nhiều lỗ thoát nước. Cho sinh khối vào và bắt đầu ủ phân. Nếu lượng sinh khối ít thì độn thêm phân chuồng và đất ẩm vào nuôi chung. Ta có thể nuôi trùn quế trong môi trường không cần đất nhưng phải che chắn kĩ cho trùn quế.
Kỹ thuật cho trùn quế ăn
Có 2 loại thức ăn cho trùn quế là rác nhà bếp dạng tươi và rác nhà bếp đã qua ủ. Nếu cho ăn rác thải dạng tươi (rau, vỏ trái cây…) thì nên rải thành hàng. Cho lượng thức ăn vừa phải để trùn quế có thể ăn hết nếu không trùn sẽ bị nóng và bỏ đi. Cách cho ăn là rải thức ăn theo hàng và chừa lại khoảng cách để trùn dễ ăn, không bị ngộp. Sau đó lấy bạt màu đen để phủ lên trùn quế và thức ăn tránh ánh sáng. Nên đặt một cái thau dưới để hứng nước thoát ra trong quá trình ủ phân. Dung dịch này có thể đem pha loãng tưới cho cây rất tốt.
Nên tiến hành cho trùn quế ăn 1 tuần/lần. Cho ăn đợt tiếp theo nên lưu ý không để thức ăn mới đè lên thức ăn cũ. Cho ăn xong thì đậy bạt lại. Đó là cách cho trùn quế ăn thức ăn dạng tươi. Cách này thì nhanh chóng và tiện lợi nhưng không tận dụng được hết rác thải nhà bếp. Nếu muốn tận dụng thức ăn nhiều hơn thì nên ủ rác thải nhà bếp bằng chế phẩm sinh học.
Ủ rác thải nhà bếp bằng chế phẩm sinh học
Việc ủ rác thải hữu cơ không khó. Tuy nhiên trong quá trình ủ có thể gây ra mùi hôi khó chịu. Do đó cần rải thêm một ít chế phẩm sinh học như Trichoderma để khử mùi hôi, thức ăn phân hủy nhanh hơn. Rác thải nhà bếp gồm vỏ trái cây, cùi bắp… tránh vỏ quýt, cam, canh hay rác có vị đắng, cay, chua. Chuẩn bị thùng xốp đục lỗ thoát nước để ủ rác hữu cơ. Rải chế phẩm vi sinh vào thùng ủ và kín nắp và kê thùng ủ lên cao tránh ẩm ướt, côn trùng. Thời gian là ủ 6 – 7 ngày, lúc này ta có thể cho trùn ăn. Lấy một lượng thức ăn vừa đủ và rải vào thùng ủ cho trùn ăn.
Thu hoạch phân trùn quế
Lấy trùn quế ở bề mặt và cho vào một thùng khác vì trùn quế thường tập trung sống ở trên. Phần còn lại vẫn tiếp tục cho ăn vì có thể còn sót lại một số trùn quế. Sau một thời gian thì có thể thu hoạch phân trùn quế bón cho cây.
Kết luận
Ủ phân trùn quế bằng rác thải hữu cơ là cách đơn giản và tiết kiệm nhất. Cách này giúp tận dụng được nguồn rác hữu cơ trong nhà và tạo được phân bón tốt cho cây trồng. Chúc mọi người thành công.
Xem thêm: