Nỗi đau cảnh báo chỉ 10kg bòn bon

0
485
Nỗi đau cảnh báo chỉ 10kg bòn bon
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xem thêm: Bòn bon Việt bị cảnh báo ở Iceland do dư lượng Carbaryl

Liên quan đến thông tin quả bòn bon bị cảnh báo tại Iceland, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nói, đây là nỗi đau!

Chỉ 10kg, trị giá 32 USD

Iceland đã gửi một cảnh báo trên Hệ thống thông báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật xuất khẩu của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, thông tin này như sau, đây là thông báo số tham chiếu 2023.6133 ngày 8/9/2023. Quốc gia thông báo là Iceland. Sản phẩm là quả bòn bon. Biện pháp thực hiện là tiêu hủy sản phẩm. Nhà sản xuất là một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, TP.HCM. Mối nguy phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật carbaryl 15,4±50% mg/kg, mức dư lượng tối đa pho phép 0,01 mg/kg.

Nỗi đau cảnh báo chỉ 10kg bòn bon
Quả bòn bon có dư lượng carbaryl 15,4±50% mg/kg,

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay, ngay sau khi nhận được thông báo của phía EU, Văn phòng SPS Việt Nam đã nghiên cứu hồ sơ và kết quả cho thấy, đây là lô hàng của một doanh nghiệp ở TP.HCM xuất sang EU, tổng trọng lượng là 386 kg, trị giá 1.015 USD với 46 sản phẩm nông sản, bao gồm các loại rau, củ, quả như rau muống, rau răm, tía tô, rau nhút, rau cải, rau kinh giới, quả đu đủ, quả bầu… Trong đó quả bòn bon chỉ 10kg, trị giá 32 USD, theo hóa đơn của đơn vị xuất khẩu sang Iceland. Như vậy trong toàn bộ lô hàng 46 sản phẩm này, chỉ có 10kg là trái bòn bon bị vi phạm vượt ngưỡng giới hạn mức tối đa cho phép của chất carbaryl theo quy định của EU.

Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

Ông Nam cho hay, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong thời gian qua, nông sản Việt Nam đã được nhiều nước đánh giá cao về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh.

Ông Ngô Xuân Nam nói: “Tuy chỉ có 10kg bòn bon bị cảnh báo bởi một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ, nhưng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam. Khi mang sản phẩm nông sản ra nước ngoài, thậm chí là sử dụng ngay cả ở trong nước, chúng ta cũng nên biết rõ nguồn gốc. Có hiểu rõ nguồn gốc mới hiểu được chất lượng”.

Ông Nam cho rằng, các nhà xuất khẩu nông sản chuyên nghiệp của Việt Nam về cơ bản đã hiểu rõ các quy định của thị trường. Ví dụ xuất khẩu nông sản sang thị trường EU đã nắm bắt được các quy định về mức dư lượng các chỉ tiêu, theo đó việc tổ chức sản xuất từ vùng nguyên liệu đến quá trình sơ chế, chế biến đã đáp ứng được đúng những quy định đó. Hay xuất sang Trung Quốc cũng đã tuân thủ theo các quy định của Nghị định thư về vấn đề an toàn thực phẩm cũng như về kiểm định hoặc đáp ứng các quy định 248, 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm của thị trường này…

Tuy nhiên, còn một nhóm nữa là nhóm đi thăm người thân, họ gửi hàng sang hoặc là học sinh, sinh viên đi học mang theo các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Hoặc là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, tức là đưa sang một số lượng hàng rất ít. Điều này cho thấy, những trường hợp như thế này phải có hiểu biết và nhận thức đúng về việc mang hàng nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài, ông Nam nói.

Ông Nam thông tin, có nhiều hình thức cảnh báo và biện pháp xử lý khác nhau, tùy theo mức độ vi phạm. Ở mức độ nhẹ là thông báo cho nhà sản xuất, cao hơn là bị tiêu hủy tại nước nhập khẩu hoặc bị trả lại hàng.

Nỗi đau cảnh báo chỉ 10kg bòn bon
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nói: “bất kỳ đối tượng nào mang sản phẩm nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài, phải tìm hiểu rõ quy định của nước đó về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh”.

Theo đó ông Nam đưa ra khuyến cáo: “Khi người dân, doanh nghiệp hay bất kỳ đối tượng nào mang sản phẩm nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài, phải tìm hiểu rõ quy định của nước đó về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh bởi vì mỗi thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều có những quy định khác nhau về đối tượng kiểm dịch, mức dư lượng, trình tự thủ tục… nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng đến uy tín, cũng như vị thế của nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Ông Nam nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải hiểu rằng khi đã tham gia vào WTO thì phải cam kết tuân thủ Hiệp định về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (Hiệp định SPS) trong thương mại nông sản”.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các cam kết về SPS. SPS là biện pháp bắt buộc áp dụng, không phân biệt đối xử, không phân biệt thành phần, cá nhân hay tổ chức, trong nước hay ngoài nước… khi đã bị vi phạm thì đều bị xử lý theo cam kết mà Việt Nam đã tham gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây