Bòn bon Việt bị cảnh báo ở Iceland do dư lượng Carbaryl

0
299
Bòn bon Việt bị cảnh báo ở Iceland do dư lượng Carbaryl
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Iceland đã gửi một cảnh báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về Thực phẩm của Liên Minh Châu Âu về hàm lượng cao Carbaryl trong quả bòn bon của Việt Nam.

Hàm lượng Carbaryl cao  trong quả bòn bon

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Iceland đã gửi một cảnh báo trên hệ thống cảnh báo nhanh về Thực phẩm của Liên minh Châu Âu về hàm lượng cao Carbaryl (thuốc trừ sâu) trong quả bòn bon (langsat) của Việt Nam.

Theo thông báo mới nhất của Iceland, hàm lượng Carbaryl có trong quả bòn bon đang ở mức cao và có khả năng gây hại cho con người. Hàm lượng tối đa cho phép của Carbaryl là 0,01mg/kg – ppm, nhưng hàm lượng Carbaryl được phát hiện trên bòn bon của Việt Nam xuất khẩu sang Iceland lên tới 15,4 +/-50% mg/kg – ppm.

Bòn bon Việt bị cảnh báo ở Iceland do dư lượng Carbaryl
Hàm lượng Carbaryl trên bòn bon Việt Nam xuất khẩu sang Iceland lên tới 15,4 +/-50% mg/kg – ppm.

Các cơ quan chức năng của Iceland đánh giá đây là một trường hợp nghiêm trọng và hiện tại, nước này đã hạn chế việc phân phối quả bòn bon nhập khẩu từ Việt Nam trên thị trường của họ và thông báo lên trên hệ thống cảnh báo.

Carbaryl là một loại thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật) do con người tạo ra có độc tính cao đối với côn trùng. Hoạt chất này thường được sử dụng để kiểm soát rệp, kiến lửa, bọ chét, bọ ve, nhện và nhiều loài côn trùng gây hại ngoài trời khác.

Carbaryl đã được đăng ký để sử dụng trong các sản phẩm thuốc trừ sâu từ năm 1959. Hiện không có sản phẩm Carbaryl nào được đăng ký để sử dụng trong nhà để diệt các loài côn trùng như muỗi, gián, mối hoặc trên vật nuôi.

Cơ quan Môi trường châu Âu hối thúc giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đã kêu gọi các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) giảm sử dụng thuốc trừ sâu trong bối cảnh doanh số mặt hàng này vẫn duy trì ở mức đáng lo ngại dù loại hóa chất này gây ô nhiễm và có liên quan đến một số căn bệnh mãn tính và gây mất đa dạng sinh học.

Để bảo vệ sức khỏe và môi trường, EU có những yêu cầu nghiêm ngặt về việc phê duyệt các hoạt chất thuốc trừ sâu. Các hoạt chất được đánh giá lại định kỳ để đảm bảo rằng các chất vẫn đáp ứng các yêu cầu để được phê duyệt.

Không chỉ gây hại trực tiếp đến sức khỏe của con người, ô nhiễm thuốc trừ sâu cũng đang làm mất đa dạng sinh học trên khắp lục địa, gây ra sự sụt giảm đáng kể quần thể côn trùng và đe dọa vai trò quan trọng của các loài này trong sản xuất lương thực.

Theo EEA, 83% đất nông nghiệp được thử nghiệm trong một nghiên cứu năm 2019 có chứa dư lượng thuốc trừ sâu.

Trước thực trạng trên, EEA kêu gọi 27 thành viên của EU giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp thay thế, như nông nghiệp sinh thái.

Bòn bon Việt bị cảnh báo ở Iceland do dư lượng Carbaryl
EEA kêu gọi các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) giảm sử dụng thuốc trừ sâu.

Tại Việt Nam, báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM được công bố vào năm 2022 cho thấy, vẫn còn có các mẫu rau, củ, quả tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng.

Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh, mồng tơi, húng cây, rau dền.

Hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống.

Hoạt chất cypermethrine trên cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng, húng cây, rau muống hạt. Hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua.

Hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản.

Qua kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối, phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng (hoạt chất carbendazim) với tỷ lệ khá cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây