Củ sắn rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg

0
157
Củ sắn rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Có những thời điểm, giá củ sắn tại Bến Tre được thương lái mua với giá 10.000 đồng/kg. Nhưng tới thời điểm hiện tại, củ sắn rớt giá xuống chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ, nên nhiều hộ nông dân neo tại ruộng chưa chịu bán

Dù đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng hàng trăm héc ta củ sắn (hay còn gọi là củ đậu) của người dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vẫn còn neo ngoài đồng chờ lên giá. Còn thương lái thì giảm lượng hàng mua vào phần vì bán không được, phần vì nông dân không chịu bán giá thấp.

Bà Nguyễn Thị Vui (ngụ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) – có ruộng sắn khoảng 3 công (3.000m2), cho biết, dù đã đến kỳ thu hoạch cách đây hơn 1 tháng nhưng do giá quá thấp nên bà chưa đồng ý bán.

“Có những thời điểm giá sắn lên đến 10.000 đồng/ký, tệ cũng 5.000 đồng đến 7.000 đồng, nhưng mấy ngày qua thương lái chỉ mua với giá 2.000 đồng nên gia đình tui chưa bán. Nếu bán thì lỗ, nhưng neo hoài ngoài đồng cũng lo sắn bị hư”, bà Vui nói.

Theo ước tính, ruộng sắn của bà Vui đạt năng suất khoảng 17 tấn, với mức giá hiện tại thì sẽ bị lỗ hàng chục triệu đồng. Còn theo mức giá bình quân 5.000 – 7.000 đồng mỗi ký thì mới có lợi nhuận.

Củ sắn rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg
Tại Bến Tre, Củ sắn đang được thương lái thu mua tại ruộng với giá khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Dù củ sắn có thể neo trên ruộng đến vài tháng, nhưng nhiều nông dân do sốt ruột vì phải xuống giống vụ dưa Tết nên đành bán lỗ. Điển hình như gia đình ông Võ Văn Vinh (67 tuổi) vừa phải bán hơn 10 tấn củ sắn cách đây khoảng một tháng. Theo ông Vinh, nguồn thu nhập chính của gia đình là huê lợi từ hơn 2 công đất trồng dưa hấu và củ sắn luân phiên hằng năm.

“Giá sắn cao hay thấp thì tui cũng phải bán ngay, nếu neo cũng neo thêm vài tuần, chứ không thể neo lâu hơn được. Vì sau khi thu hoạch còn phải xới đất để trồng dưa để kịp bán Tết. Tính ra vụ sắn vừa qua bị lỗ công”, ông Vinh nói.

Theo một thương lái chuyên thu mua củ sắn tại xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), năm nay do tình hình kinh tế khó khăn nên củ sắn tiêu thụ khá chậm. Bên cạnh đó, do nông dân còn neo củ sắn ngoài ruộng, chưa chịu bán nên sản lượng sắn giao cho các chợ đầu mối tại TP. HCM cũng giảm gần phân nửa so với những năm trước.

Ông Huỳnh Quang Đức – Phó giám đốc Sở NN & PTNT Bến Tre cho biết, cũng giống nhiều mặt hàng nông sản tươi khác, củ sắn tại Bến Tre có giá lên xuống thất thường theo thời vụ. Có những thời kỳ giá lên rất cao, nhưng khi rộ vụ lại bị rớt giá.

“Thời gian trước, chúng tôi đã mời nhiều doanh nghiệp xuống các địa phương trồng sắn để liên kết tiêu thụ nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Bởi khi đặt vấn đề liên kết thì nông dân kêu giá quá cao, còn doanh nghiệp thì muốn giá thấp hơn so với kỳ vọng của nông dân nên hai bên chưa ký được hợp đồng”, ông Đức nói.

Củ sắn rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg
Củ sắn tại Bến Tre có giá lên xuống thất thường theo thời vụ.

Ông Đức cũng cho biết thêm trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục bàn phương án kết nối các đầu mối tiêu thụ để đời sống người trồng củ sắn ổn định hơn.

Xã Thạnh Hải có hơn 275 ha đất trồng hoa màu, trong đó cây chủ lực là củ đậu và dưa hấu. Những năm trước, giá củ đậu thời điểm cao nhất khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đầu mối tiêu thụ hiện nay là các thương lái nhỏ lẻ địa phương, nên có năm giá chạm đáy, chỉ 500 đồng/kg, nhiều nhà vườn bỏ củ đậu trên đồng rồi dùng máy cày bỏ vì thu hoạch sẽ lỗ tiền công.

Với vụ năm nay, hiện nông dân ở xã đã thu hoạch khoảng 80 ha củ sắn, còn 177 ha đang neo ngoài đồng chờ giá, tổng sản lượng khoảng 5.300 tấn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, ngoài Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri cũng là các địa phương có diện tích củ đậu lớn, tổng diện tích toàn tỉnh trên 470 ha.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây