Xuất khẩu cá tra giảm 30%

0
191
Xuất khẩu cá tra giảm 30%
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xem thêm:

Sản lượng cá tra thu hoạch tăng 60% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu giảm 30% khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Thông tin được đưa ra tại hội nghị do Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) tổ chức ở Đồng Tháp chiều 10/11. Tại hội nghị Hiệp hội tổ chức đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh ngành hàng cá tra trong năm 2023, đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2024.

Theo VINAPA, năm ngoái xuất khẩu cá tra đạt nhiều kỷ lục như tổng kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD, kéo giá bán trong nước giữ mức cao từ 31.000 – 34.000 đồng mỗi kg. Nhưng năm nay, diện tích nuôi tăng hơn 85% so với cùng kỳ ở mức 5.300 ha (tính đến cuối tháng 10), sản lượng đã thu hoạch hơn 1,3 triệu tấn, tăng 60%, trong khi, giá trị xuất khẩu chỉ mới đạt 1,4 tỷ USD. Hiện giá cá tra thu mua tại ao của người nuôi giảm còn 26.500 đồng mỗi kg, tương đương giá thành sản xuất.

Xuất khẩu cá tra giảm 30%
Sản lượng cá tra thu hoạch tăng 60% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu giảm 30%.

“Doanh nghiệp cố gắng gồng lỗ, hy vọng 3 tháng cuối năm có thể cải thiện nhưng 10 ngày đầu tháng 11 không doanh nghiệp nào có đơn hàng mới”, ông Ong Hàng Văn – Phó tổng giám đốc Công ty CP thuỷ sản Trường Giang, cho biết.

Ông Võ Hùng Dũng – Tổng thư ký VINAPA cho biết, sở dĩ 2022 giá trị xuất khẩu tăng kỷ lục là do sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp tồn hàng đã đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường mở cửa trở lại. “Theo chu kỳ cứ xuất khẩu đạt đỉnh thì 2-3 năm sau sẽ giảm mạnh, nhưng thị trường thế giới năm nay thắt chặt, hàng rất khó bán”, ông Dũng nói.

VINAPA cho rằng, xuất khẩu giảm do khó khăn chung của kinh tế thế giới. Các thị trường chính của cá tra Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đều giảm nhập khẩu với tỉ lệ lần lượt là 54%, 18% và 25%. Ngoài ra, cá tra cũng chịu cạnh tranh gay gắt từ các dòng cá biển của quốc gia khác trong khi giá bán của họ thấp hơn.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong năm, ngành hàng cá tra có nhiều biến động, giá xuất khẩu giảm nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Song song đó, đợt sóng suy thoái kinh tế giới, xung đột chính trị đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra giảm 30%
Giải pháp đưa ra là tập trung hạ giá thành sản xuất, giảm sản lượng để giữ giá xuất khẩu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại.

Để giải quyết khó khăn, nhiều doanh nghiệp kiến nghị hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung; thực hiện theo các quy định về việc giám sát bệnh, giám sát dư lượng quốc gia cho nguyên liệu đầu vào; có chính sách bình ổn giá thức ăn, ổn định giá thành sản xuất; áp dụng tiêu chuẩn trong nuôi Global Gap, ASC, BAP, VietGap; thực hiện theo các quy định về việc giám sát bệnh, giám sát dư lượng quốc gia cho nguyên liệu đầu vào…. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đưa ra giải pháp là tập trung hạ giá thành sản xuất, giảm sản lượng để giữ giá xuất khẩu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại tại các thị trường chính cũng như tìm kiếm thị trường ngách.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, sẽ kiến nghị Bộ NN & PTNT có các giải pháp hỗ trợ ngành. Trong năm 2024, hiệp hội đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao khoa học phát triển giống cá tra, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics củng cố hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu về dài hạn; vận động nông hộ tham gia liên kết tạo nên sức mạnh và ổn định chất lượng cho ngành hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây